Phát hành gần 111 triệu cổ phần giá tối thiểu 10.000 đồng/cp
Theo đó, NamABank sẽ chào bán gần 111 triệu cổ phần, trong đó chào bán cho cổ đông hiện hữu là gần 44 triệu cổ phần, phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) là 16,7 triệu cổ phần và chào bán riêng lẻ hơn 50 triệu cổ phần. Thời hạn đăng ký mua cổ phần từ 23/6 đến 13/7.
Giá chào bán dự kiến cho cổ đông hiện hữu và ESOP là 10.000 đồng/cp, còn chào bán riêng lẻ là tối thiểu 10.000 đồng/cp nhưng không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm phát hành và không thấp hơn giá trị sổ sách.
Được biết, giá trị sổ sách của NamABank tại thời điểm 31/3/2020 là 13.035 đồng/cp.
Số tiền thu được từ đợt chào bán dự kiến tối thiểu là 1.109,9 tỷ đồng, NamABank dùng để tăng cường năng lực tài chính, đáp ứng điều kiện mở rộng mạng lưới hoạt động, thành lập công ty trực thuộc theo quy định, mở rộng hoạt động kinh doanh như cho vay và kinh doanh các dịch vụ ngân hàng khác.
Ông Nguyễn Chấn có đơn đề nghị ngăn chặn việc tăng vốn của NamABank
Hiện NamABank có vốn điều lệ 3.890 tỷ đồng, Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương đang nắm 55 triệu cổ phiếu NamABank, tương ứng 14,15% vốn; Chủ tịch Nguyễn Quốc Toàn hơn 19,45 triệu cổ phiếu, chiếm 5%.
Còn cha ông Toàn là Nguyễn Chấn đang sở hữu 4,82%, chị giá Nguyễn Thị Thanh Vân 4,99% và em trai là Thành viên HĐQT Nguyễn Quốc Mỹ 4,28% và em gái Nguyễn Thị Xuân Thuỷ 0,1%.
Như vậy, tổng số cổ phần của ông Toàn và người có liên quan đang sở hữu tại NamABank là 14,21% vốn.
Về các thông tin tranh chấp, kiện tụng, NamABank cho biết, ngày 20/6/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An đã có quyết định số 36/QĐ-C01-P4 khởi tố vụ án hình sự Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo đơn tố giác của ông Nguyễn Chấn (cổ đông lớn của NamABank).
Đối với việc này, NamABank cho biết không phải là đối tượng bị khởi kiện, khởi tố và hiện đang hợp tác cung cấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra. Phán quyết của cơ quan có thẩm quyền sẽ là cơ sở để xác định quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan.
Ngoài ra, ngày 8/1/2020, ông Nguyễn Chấn có đơn đề nghị ngăn chặn việc tăng vốn điều lệ của NamABank gửi tới một số cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, NamABank cho rằng đề nghị này không có cơ sở pháp lý vì phương án tăng vốn điều lệ năm 2019 đã được đại hội đồng cổ đông ngân hàng thông qua vào ngày 23/3/2019. Đồng thời đáp ứng các quy định về tăng vốn điều lệ của ngân hàng theo Thông tư 50; và đã được Ngân hàng Nhà nước thẩm định, chấp thuận tại công văn ngày 31/12/2019.
NamABank cho biết sẽ chịu trách nhiệm (nếu có) theo quy định của pháp luật đồng thời cam kết hỗ trợ giải quyết các tranh chấp của cổ đông theo phán quyết của pháp luật.
Trước đó, vào tháng 3/2019, ông Nguyễn Chấn, người sáng lập NamABank và Tập đoàn Hoàn Cầu tố cáo ông Nguyễn Quốc Toàn câu kết với một số người chiếm đoạt tài sản trị giá 30.000 tỷ đồng của ông Chấn là cổ phần, cổ phiếu, vốn góp tại ngân hàng TMCP và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu.
Ông Nguyễn Chấn tại buổi tố cáo ông Nguyễn Quốc Toàn |
Kế hoạch năm 2020 lợi nhuận sau thuế giảm 14% về còn 624 tỷ đồng
Về tình hình kinh doanh, tỷ lệ nợ xấu năm 2019 của NamABank ở mức 1,97% nhưng tại thời điểm 31/3/2020 đã tăng lên 1,98%. Tổng tài sản 98.197 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 732 tỷ đồng.
Năm 2020, NamABank đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ gần 80% lên 7.000 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 22,5% lên 116.000 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 22,4% lên 92.000 tỷ. Dư nợ cho vay tăng 21,4% lên 82.000 tỷ đồng. Thu nhập lãi và các khoản tương tự tăng 13,7% lên 8.100 tỷ đồng. Lợi nhuận trước và sau thuế cùng giảm khoảng 14% về lần lượt là 800 tỷ và 624 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
NamABank cũng cho biết đang trong quá trình thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM.