Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) vừa cập nhật BCTC năm 2019 đã kiểm toán với nhiều con số tăng trưởng đáng chú ý.
Tăng trưởng lợi nhuận dựa phần lớn vào thu ngoài lãi
Cụ thể, tổng tài sản của Agribank năm 2019 tăng 13% lên mức 1,452 triệu tỷ đồng. Trong đó, đóng góp lớn nhất là từ dư nợ cho vay khách hàng đạt 1,103 triệu tỷ đồng, tăng 11%; tài sản có khác tăng 13% lên mức 23.483 tỷ đồng. Đáng chú ý, các khoản phải thu tăng mạnh thêm 58% lên mức 9.997 tỷ đồng.
Ngoài tăng trưởng khá trong hoạt động cho vay thì các khoản đầu tư khác của Agribank năm 2019 đều giảm: Chứng khoán đầu tư giảm 7% còn 129.977 tỷ đồng; Góp vốn đầu tư dài hạn giảm nhẹ còn 80 tỷ đồng; Chứng khoán kinh doanh cũng giảm nhẹ còn hơn 4 tỷ đồng.
Agribank không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục của ALC I. |
Cụ thể, thu nhập lãi đạt 106.467 tỷ đồng, tăng 13% nhưng do chi phí lãi tăng cao thêm 19% nên thu nhập lãi thuần chỉ tăng 4% đạt 42.660 tỷ đồng. Trong khi đó lãi thuần từ hoạt động khác đạt 11.006 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2018.
Ngoài ra, các hoạt động khác ngoài thu nhập lãi cũng có mức tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào lợi nhuận năm 2019 của Agribank như: Kinh doanh vàng và ngoại hối đạt 1.030 tỷ đồng lãi thuần tăng 46%; ; Thu nhập từ góp vốn mua cổ phần ghi nhận lãi 8 tỷ đồng, trong khi năm 2018 ghi nhận lỗ 286 tỷ đồng.
Mua bán chứng khoán đầu tư là hoạt động duy nhất của Agribank năm 2019 ghi nhận lỗ 24 tỷ đồng, trong khi năm 2018 ghi nhận lãi 52 tỷ đồng.
Tổng lợi nhuận trước thuế của Agribank năm 2019 đạt mức kỷ lục 14.116 tỷ đồng, tăng 92% so với năm 2018. Kết quả này có được một phần nhờ giảm bớt trích lập dự phòng hơn 1.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 11.247 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng nợ xấu nhóm 5 lại tăng
Huy động khách hàng năm 2019 của Agribank tăng mạnh thêm 15% lên mức 1.269 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ nợ xấu của Agribank năm 2019 giảm 0,1%.
Theo bảng phân tích chất lượng nợ cho vay của Agribank, tính đến cuối năm 2019 tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ mức 1,6% đầu năm xuống còn 1,5%. Tuy tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng số tuyệt đối của nợ xấu lại tăng thêm khoảng 1.500 tỷ đồng. Trong đó nợ xấu nhóm 5 tăng mạnh nhất thêm 34% lên mức 12.398 tỷ đồng và chiếm tới 70% tổng nợ xấu.
Năm 2019, Agribank ghi nhận đột phá khi đã tất toán toàn bộ số dư trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành là hơn 7.749 tỷ đồng tính tới thời điểm đầu năm 2019. Tuy nhiên, tại Agribank vẫn còn hơn 4.658 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do Chính phủ và Công ty mua bán nợ DATC phát hành.
Xét theo ngành hàng cấp tín dụng, hiện dư nợ cho vay của Agribank lớn nhất ở mảng Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, chiếm 28,04% tổng dư nợ, tăng 16% so với năm 2018; cho vay trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản xếp thứ 2, chiếm 26,93% tổng dư nợ tín dụng, tăng 6,3% so với năm 2018 nhưng lại giảm về tỷ trọng/tổng dư nợ. Ngoài ra Agribank cũng tập trung khá lớn để cho vay công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 7,63%; cho vay xây dựng chiếm 6%.
Rót vốn nhưng thu 0 đồng khi đầu tư vào các doanh nghiệp
Theo BCTC, hiện Agribank có đầu tư vào 2 công ty liên kết là Công ty Cổ phần Du lịch thương mại Nông Nghiệp với tỷ lệ sở hữu 23%, số vốn góp là 52,9 tỷ đồng. Thứ 2 là khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần đầu tư và quản lý khách sạn Swivico-Nha Trang với giá trị góp vốn ban đầu là 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, Agribank cho biết, đến thời điểm lập báo cáo ngân hàng không thu được bất cứ thông tin nào về hoạt động tài chính, tình hình hoạt động của Swivico nên ghi nhận giá trị khoản đầu tư bằng 0 đồng.
Agribank cũng có một khoản góp vốn, đầu tư dài hạn tại Công ty Cổ phần Bất động sản Agribank với giá trị gốc là 6,3 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu là 2,91%. Tuy nhiên, tại thời điểm lập báo cáo, Agribank cũng không thu thập được bất cứ thông tin nào về tình hình tài chính, cũng như hoạt động của Agribank Land, nên khoản đầu tư được ghi nhận theo giá gốc và trích lập dự phòng 100%.
Đáng chú ý, theo Báo cáo, hiện nay Công ty Cho thuê tài chính I (ALC I) do Agribank sở hữu 100% vốn đang lỗ luỹ kế 668 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 392 tỷ đồng (tính đến 31/12/2019). Ngoài ra nợ phải trả của công ty là 450 tỷ đồng, trong đó có 427 tỷ đồng nợ lãi phải trả Agribank (công ty mẹ). Agribank cho biết, có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của ALC I.
Hiện Agribank đang còn hơn 297 tỷ đồng là khoản đầu tư vào các dự án đóng tàu và các thiết bị cho thuê tài chính khác của ALC I được hạch toán vào mục tài sản đã tồn đọng từ lâu.
Ngoài ra, Agribank còn có các khoản phải thu nội bộ là các khoản tham ô, xâm tiêu của cán bộ, nhân viên tổ chức tín dụng là 518 tỷ đồng; Khoản phải thu từ hoạt động đầu tư của Công ty Dịch vụ là 155 tỷ đồng. Khoản phải thu này liên quan tới Công ty Cổ phần Swivico - đơn vị vừa được nhắc ở trên mà Agribank không tìm thấy hoạt động cho tới thời điểm lập báo cáo tài chính.