Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội mới đây đã công khai danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn thành phố tháng 1/2024 (số liệu tính đến hết 31/1/2024 theo C12-TS lấy ngày 5/2/2024).
Theo danh sách này, trên địa bàn TP Hà Nội có 56.247 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm với số tiền chậm đóng từ hơn 1 triệu đồng đến hơn 56,7 tỷ đồng. Trong đó, đứng đầu danh sách vẫn là cái tên không mấy xa lạ Công ty CP anh ngữ APAX (tầng 2, tòa 25T1 Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, Hà Nội). Doanh nghiệp này chậm đóng 47 tháng với số tiền lên tới 56,75 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí thứ 2 là Công ty CP LILAMA3 (Số 86 đường Tân Xuân, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) với số tháng chậm đóng bảo hiểm là 108 tháng, số tiền chậm đóng là hơn 44,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Công ty CP Sữa Quốc tế (mã: IDP), địa chỉ tại xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cũng “có tên” trong danh sách chậm đóng bảo hiểm tháng 1/2024 của BHXH TP Hà Nội. Cụ thể, tính đến hết 31/1/2024, Sữa Quốc tế chậm đóng bảo hiểm 1 tháng với số tiền chậm đóng là 3,87 tỷ đồng.
Liên tục nợ đọng BHXH
Trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty CP Sữa Quốc Tế được giới thiệu có trụ sở chính tại thôn Đức Thịnh, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật công ty là ông Tô Hải, Chủ tịch HĐQT và bà Đặng Phạm Minh Loan, Tổng Giám đốc. Công ty hiện có vốn điều lệ là 613,5 tỷ đồng.
Tìm hiểu được biết, Công ty CP Sữa Quốc tế được thành lập năm 2004, hoạt động chính là sản xuất sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, được biết đến với thương hiệu sữa hộp Kun, sữa Ba Vì và LIF (love in farm - bao gồm sữa chua nông trại và sữa chua đầu tiên từ 100% sữa tươi). Sữa Quốc tế chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2005. Công ty được giới đầu tư biết đến nhiều hơn sau khi đón nhận 75 triệu USD từ hai nhà đầu tư lớn VinaCapital và Tập đoàn đầu tư Daiwa (Nhật Bản) vào tháng 11/2014.
Hiện tại, Sữa Quốc tế đang sở hữu 3 nhà máy chế biến sữa tại huyện Chương Mỹ và huyện Ba Vì (TP Hà Nội) và huyện Củ Chi (TPHCM). Ngoài ra, công ty đang tiến hành xây dựng một nhà máy chế biến sữa tại Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, với quy mô 300.000 tấn sản phẩm/năm.
Nợ đóng bảo hiểm xã hội, Sữa Quốc tế làm ăn thế nào? (ảnh minh họa: Internet). |
Được biết, đây không phải lần đầu Công ty CP Sữa Quốc tế bị BHXH TP Hà Nội “nhắc nhở” nợ đóng bảo hiểm. Đơn cử, trong danh sách 51.399 đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn TP Hà Nội tháng 8/2023 (số liệu tính đến hết 31/8/2023 theo C12-TS lấy ngày 5/9/2023) của BHXH TP Hà Nội, Sữa Quốc tế chậm đóng 1 tháng với số tiền chậm đóng là 3,88 tỷ đồng.
Tương tự, theo danh sách 54.238 đơn vị chậm đóng bảo hiểm tháng 7/2023 mà BHXH Hà Nội công bố, tính đến hết 31/7/2023, Sữa Quốc tế cũng nợ đóng bảo hiểm 1 tháng với số tiền 3,83 tỷ đồng.
Trước đó, trong số gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm trên địa bàn TP Hà Nội tính đến thời điểm 30/1/2023, Sữa Quốc tế nợ đóng bảo hiểm cho 1.869 lao động với số tiền gần 3,4 tỷ đồng. Theo đính chính của Sữa Quốc tế, doanh nghiệp đã thanh toán đầy đủ số tiền BHXH này vào ngày 8/2/2023…
Theo các quy định của pháp luật hiện hành, việc nợ đóng, chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu không sớm khắc phục, tùy theo mức độ vị phạm, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH. Một số trường hợp sẽ bị xử lý với khung hình phạt rất nặng.
“Thay máu” nhân sự cấp cao
Theo báo cáo tình hình quản trị năm 2023, tính đến thời điểm cuối năm, ông Tô Hải (sinh năm 1973)- Chủ tịch HĐQT và vợ là bà Trương Nguyễn Thiên Kim- thành viên HĐQT đều không nắm giữ cổ phiếu IDP nào. Tuy nhiên, Công ty CP Chứng khoán Vietcap- doanh nghiệp do ông Hải làm thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc công ty lại sở hữu hơn 8,8 triệu cổ phiếu IDP, tương ứng 14,41% vốn tại Sữa Quốc tế.
Trong diễn biến mới nhất, vào đầu tháng 2/2024, HĐQT Sữa Quốc tế đã thông qua Nghị quyết HĐQT về việc thay đổi Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật. Theo đó, HĐQT Sữa Quốc tế miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với bà Đặng Phạm Minh Loan, đồng thời bổ nhiệm ông Bùi Hoàng Sang (sinh năm 1974) giữ vị trí này nhiệm kỳ 3 năm. Ông Sang cũng trở thành người đại diện theo pháp luật của công ty cùng với ông Tô Hải- Chủ tịch HĐQT.
Ở một diễn biến khác, hồi tháng 10/2023, HĐQT Sữa Quốc tế đã thông qua việc góp 100% vốn thành lập công ty con là Công ty TNHH Sữa Quốc Tế - Hưng Yên (IDP Hưng Yên) với vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Ông Tô Hải được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch IDP Hưng Yên, đồng thời là người đại diện sở hữu 70% phần vốn góp của Sữa Quốc tế tại công ty con này.
Bên cạnh đó, bà Đặng Phạm Minh Loan được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng Giám đốc IDP Hưng Yên, đồng thời đại diện 30% phần vốn góp còn lại của Sữa Quốc tế; bà Chu Hải Yến giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc. Đây cũng là 2 người đại diện pháp luật của IDP Hưng Yên. Đáng chú ý, bà Yến cũng là Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Quốc tế.
Ở chiều ngược lại, trước đó, cuối tháng 6/2023, HĐQT Sữa Quốc tế đã thông qua việc mua phần vốn góp và góp thêm vốn tại Công ty PT Produk Susu Internasional (trụ sở tại Indonesia), hoạt động trong lĩnh vực bán buôn sữa và các sản phẩm từ sữa với vốn điều lệ là 50 triệu Rp, tương đương 3.369 USD.
Theo đó, Sữa Quốc tế sẽ nhận chuyển nhượng 99,9% vốn điều lệ PT Produk Susu Internasional từ cổ đông Raditya Adhi Pradana với giá hơn 49,9 triệu Rp, tương đương 3.366 USD (khoảng 80 triệu đồng). Sau khi nhận chuyển nhượng phần vốn góp, Sữa Quốc tế dự kiến góp thêm hơn 1,49 triệu USD (35 tỷ đồng) vào Produk Susu Internasional để tăng vốn điều lệ công ty lên 1,5 triệu USD. Thời hạn góp vốn là theo quy định pháp luật của Indonesia và Việt Nam.
Ngoài ra, gần đây nhất, vào ngày 20/11/2023, HĐQT Sữa Quốc tế cũng đã thông qua việc mở hạn mức tín dụng 950 tỷ đồng tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Bến Nghé và 500 tỷ đồng tại Ngân hàng VPBank với các hình thức thực hiện vay vốn/phát hành bảo lãnh/phát hành thư tín dụng đối với dự án Công ty CP Sữa Quốc tế, chi nhánh Bình Dương (giai đoạn 1) và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm sữa giai đoạn 2023 – 2024…
Nguồn tiền Sữa Quốc tế ra sao?
Theo báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hợp nhất quý IV/2023 đã được doanh nghiệp công bố cho thấy, Sữa Quốc tế ghi nhận gần 1.677 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2022. Giá vốn hàng bán ghi nhận đạt 950 tỷ đồng, giảm 7,5%% so với cùng kỳ năm trước, qua đó góp phần giúp lợi nhuận gộp đạt 726 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng 59% so với cùng kỳ, đạt 51,6 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính và chi phí bán hàng ghi nhận lần lượt giảm 72% và giảm 2,5% so với cùng kỳ, về mức 5,5 tỷ đồng và gần 467 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp lại ghi nhận tăng 4,5% so với cùng kỳ, lên gần 28 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ chi phí, Sữa Quốc tế báo lãi sau thuế 186 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Tính chung cả năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Sữa Quốc tế lần lượt đạt 6.654 tỷ đồng và 894 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,3% và 10% so với cùng kỳ.
Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, tại ngày 31/12/2023, Sữa Quốc tế có tổng tài sản đạt 5.288 tỷ đồng, tăng 39% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, phần lớn là tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đạt hơn 2.260 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 816 tỷ đồng; hàng tồn kho 436 tỷ đồng; chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn gần 596 tỷ đồng…
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Sữa Quốc tế tại cuối năm 2023 ghi nhận đạt 2.253 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm, chủ yếu là nợ ngắn hạn ở mức 2.182 tỷ đồng. Nợ vay tài chính đạt hơn 776 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Sữa Quốc tế đạt 3.034 tỷ đồng; công ty còn khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 1.566 tỷ đồng.