Dự án 4.1
Castle Bravo là tên mã của vụ thử nghiệm bom hydrogen đầu tiên do Mỹ tiến hành tại đảo Bikini, thuộc quần đảo Marshall, Thái Bình Dương vào ngày 1/3/1945. Vào thời điểm đó, vụ thử nghiệm này là một bí mật. Tuy nhiên, vụ thử nghiệm bom hydrogen mang đến hậu quả khủng khiếp khi khu vực thử nghiệm bị ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng.
Người dân ở quần đảo Marshall bị ảnh hưởng bụi phóng xạ trong vụ thử nghiệm bom hydrogen đó. Khi chính phủ Mỹ biết được hậu quả nghiêm trọng của vụ thử đó nhưng đã không sơ tán người dân đến nơi an toàn. Thay vào đó, Mỹ thực hiện thí nghiệm gây sốc khi chọn cách đứng ngoài quan sát và nghiên cứu điều gì sẽ xảy ra sau đó đối với người dân nhiễm phóng xạ.
Ảnh hưởng của vụ thử nghiệm bom hydrogen có thể dễ dàng nhận thấy ở những mức độ khác nhau do mức độ tiếp xúc gần vụ nổ. Theo đó, những người ở gần nơi diễn ra vụ thử nghiệm nhất bị tổn thương nghiêm trọng ở da, tóc và rất dễ nhận thấy. Trong những thập kỷ tiếp theo, tỷ lệ sảy thai và thai lưu có dấu hiệu tăng lên rồi giảm xuống.
Nhiều trẻ em sinh ra sau vụ thử nghiệm bom hydrogen gặp những vấn đề về sức khỏe trong đó có tỷ lệ cao mắc ung thư tuyến giáp.
Thí nghiệm Vanderbilt
Năm 1945, Đại học Vanderbilt đã thực hiện thí nghiệm rùng rợn đối với đối tượng là những phụ nữ mang thai. Bề ngoài là nghiên cứu dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai nhưng thực chất lại là thí nghiệm liên quan đến mức độ hấp thụ chất sắt trong cơ thể thai phụ.
Trong thí nghiệm tiến hành trên cơ thể người đó, 829 phụ nữ mang thai được kê đơn dùng viên thuốc đặc biệt có chứa chất phóng xạ với nồng độ cao gấp 30 lần mức cho phép. Mục tiêu chính của dự án là kiểm tra ảnh hưởng của chất phóng xạ đối với thai nhi và khi trẻ chào đời như thế nào.
Kết quả nghiên cứu cho thấy ba trẻ em (gồm một bé gái 11 tuổi, hai bé trai lần lượt 11 và 5 tuổi) sinh ra dưới nghiên cứu trên bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chất phóng xạ và dẫn đến tử vong. Khi đó, ba phụ nữ là mẹ của ba trẻ em xấu số trên đã đâm đơn kiện Đại học Vanderbilt. Cuối cùng, Đại học Vanderbilt phải bồi thường số tiền 10,3 triệu USD cho các gia đình nạn nhân.
Thí nghiệm quái vật
Năm 1939, nhà khoa học, Tiến sĩ Wendell Johnson đã đến thăm một trại trẻ mồ côi ở Iowa để kiểm tra tình trạng nói lắp của trẻ em tại đó. Với mục đích muốn chứng minh tình trạng nói lắp có thể chữa khỏi, Tiến sĩ Wendell đã chọn 22 trẻ mồ côi tham gia thí nghiệm hãi hùng này. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ mồ côi đó đều bị nói lắp. Trong số đó có cả trẻ em có khả năng nói lưu loát như bình thường.
Trong 5 tháng tiến hành thí nghiệm, Tiến sĩ Wendell và trợ lý của mình chia 22 trẻ mồ côi thành hai nhóm. Trong đó, nhóm trẻ mồ côi bị nói lắp thì được khen ngợi là nói trôi chảy, bình thường. Ngược lại, nhóm trẻ mồ côi ăn nói bình thường thì lại bị chỉ trích và gọi là những kẻ nói lắp.
Kết quả thí nghiệm cho thấy nhiều trẻ em nói bình thường trở nên nói lắp và bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực. Trong khi đó, những trẻ em nói lắp cũng không chữa khỏi căn bệnh của mình sau khi thí nghiệm kết thúc.