Vượt cạn trong điên loạn
Chúng tôi ghé thăm các bệnh nhân thuộc trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức vào một ngày nóng bức, khi hơn một ngàn bệnh nhân ở đây đang chuẩn bị dùng bữa. Tại dãy C và D, một số bệnh nhân tâm thần qua thời gian dài điều trị đã gần như bình phục, sức khỏe tốt… Họ lần lượt khoanh tay chào khách rồi đi thẳng về hướng các nhân viên, y bác sỹ đang loay hoay bê cơm đến phòng ăn cho từng bệnh nhân.
Đội ngũ y, bác sỹ chuẩn bị bữa cơm trưa cho bệnh nhân. |
Với nụ cười niềm nở, chị Nguyễn Lệ Vân, y tá trại D cho biết mình gắn bó với trung tâm Thủ Đức gần 36 năm, đã cận kề, điều trị cho cả vạn bệnh nhân nhưng hình ảnh đọng lại trong tâm trí rõ nhất là câu chuyện những người phụ nữ mang bầu và sinh con trong cơn điên loạn.
“Ngoài chăm lo chu đáo cho bệnh nhân ở đây, trung tâm còn thành lập một tổ dạy nghề đan mây và có nhà thờ tro cốt dành cho những bệnh nhân lúc mất không có người thân”.
Bác sĩ Bùi Văn Xây - Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức
Y tá Vân nhớ lại, năm 1992, bệnh nhân nữ tên Hoa (40 tuổi, mang thai tháng thứ 8) là người đầu tiên có thai được đưa vào trung tâm Thủ Đức chăm sóc. Hơn một tháng sau, trong một đêm ngồi trực, các y, bác sỹ nghe Hoa kêu đau bụng. Qua kiểm tra và linh tính của người phụ nữ từng làm mẹ mách bảo, y tá Vân cùng kíp trực nhanh chóng đưa Hoa đến trạm xá gần đó để lâm bồn. Trong lúc chuyển dạ, Hoa vẫn chìm trong cơn điên. Được sự giúp đỡ tận tình của kíp trực bác sỹ hôm đó Hoa đã mẹ tròn con vuông. Mọi người ai cũng vui mừng.
“Em bé vừa chào đời, Hoa chồm dậy nhìn con với ánh mắt ngơ ngác rồi lao vào định bóp đầu đứa trẻ… Nhưng khi tỉnh táo lại thì Hoa liên tục hỏi, “con tôi đâu bác sĩ, trả nó lại để tôi cho nó bú. Con em bệnh thế này thì phải làm sao để mai mốt nó lớn nên người…”, y tá Vân thuật lại.
Năm 2002, bệnh nhân Điệp (27 tuổi), lúc vào trung tâm Thủ Đức đã mang bầu tháng thứ 3. Lúc tỉnh táo Điệp cho rằng, việc có thai khởi nguồn từ lúc đi lang thang, “ăn bờ ngủ bụi” bị kẻ xấu hãm hiếp. Sau thời gian điều trị, Điệp nhớ số liên lạc, địa chỉ gia đình mình ở gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TPHCM. Điều đáng nói khi các bác sỹ của trung tâm liên lạc qua điện thoại để kiểm chứng thông tin thì gia đình trả lời rất trùng khớp như lời Điệp nói, nhưng khi tìm đến nhà thông báo thì gia đình của Điệp cho rằng họ không có người con nào bị bệnh tâm thần.
Không người bảo lãnh về, Điệp ở lại trung tâm trong suốt thời gian dưỡng thai và sinh một bé gái. Hằng ngày, các bác sỹ thay phiên nhau bế em bé vào để mẹ cho bú. Nhiều lúc đang cho con bú, Điệp lên cơn và liên tục tát vào mặt đứa trẻ. Hay trường hợp của Ray (20 tuổi), bị chứng bệnh loạn thần cấp, bị lạm dụng tình dục dẫn đến có thai. Sau khi vào trung tâm Thủ Đức và sinh con được 3 tháng thì nhớ được địa chỉ nhà. Ngay lập tức, các y, bác sỹ của trung tâm liên lạc và gia đình đến làm giấy bảo lãnh đưa hai mẹ con Ray về.
Những kẻ vô lương giấu mặt
Kể lại hoàn cảnh từng nữ bệnh nhân mang bầu, sinh và nuôi con ở trung tâm Thủ Đức, bác sỹ Lương Thị Phượng với 22 năm công tác ở trung tâm không cầm được nước mắt.
Theo bác sỹ Phượng, tháng 8/2015, nữ bệnh nhân tên Thoan (30 tuổi, ngụ Bình Thạnh) có thai 7 tháng được cơ quan chức năng quận Tân Bình đưa vào trung tâm. Bệnh tình Thoan lúc đó rất nặng. Ngay lập tức các bác sỹ trung tâm Thủ Đức áp dụng ngay phác đồ chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân tâm thần có bầu.
Hai tháng sau, Thoan sinh đôi hai bé trai và cung cấp địa chỉ ngôi chùa ở quận Bình Thạnh, bởi trước khi bị bệnh tâm thần Thoan thường đến chùa thắp hương cầu nguyện. Qua đó, người mẹ điên này tha thiết mong cán bộ trung tâm Thủ Đức cùng các sư trong chùa động viên gia đình đón cô về đoàn tụ. Còn cha hai đứa trẻ cô không thể nhớ, không thể biết.
Mặc dù trung tâm Thủ Đức và nhà chùa thay nhau liên lạc thuyết phục gia đình đưa ba mẹ con Thoan về chăm sóc, ngay cả việc hai đơn vị trên chủ động dành kinh phí để phụ nuôi… nhưng gia đình vẫn bất hợp tác.
Huyền mong muốn con mình sau này trọn vẹn như bao đứa trẻ khác. |
Nhớ lại câu chuyện những phụ nữ tâm thần mang bầu, nhiều y, bác sỹ của trung tâm Thủ Đức thốt lên: “Xã hội có nhiều loại tội phạm, nhưng phạm tội xâm hại tình dục người điên dẫn đến có thai là bất lương và ghê tởm nhất. Những kẻ vô lương phi nhân tính đó hãn hữu lắm mới đứng trước vành móng ngựa. Vì nạn nhân trong lúc bị lạm dụng đều trong cơn điên loạn. Khi tỉnh lại, họ không thể nhớ kẻ bất lương nào đã hãm hiếp để tố cáo.
Cùng cảnh ngộ với Thoan, nhưng Na (23 tuổi, quê Quảng Nam) được lãnh đạo trung tâm Thủ Đức đánh giá là một trong những bà mẹ điên mang bầu may mắn nhất ở trung tâm này. Ngày 28/8 vừa qua, Phòng Thương binh và Xã hội quận 1 đưa Na và bé gái 11 tháng tuổi vào điều trị. Sau một tuần, đội ngũ y bác sỹ tích cực điều trị, Na nhớ và cho biết, do giận chồng nên cô ẵm con đón xe đò vào TPHCM và sống lang thang. Chia sẻ về trường hợp này bác sỹ Phượng nhiều lần thốt lên: “Tuy điên loạn không làm chủ bản thân, nhưng bản năng làm mẹ đã vượt lên tất cả, phần lớn nó khắc chế được cơn điên loạn và người mẹ còn chút tỉnh táo để chăm sóc cho đứa con mà mình đứt ruột sinh ra”.
Hay tin vợ mình đang ở trung tâm Thủ Đức từ tổ chuyên trách tìm người thân, chồng cô ngay lập tức đón xe từ Quảng Nam vào Sài Gòn. Người chồng cho biết hai vợ chồng vừa mới cưới nhau, anh làm thợ hồ ở một vùng quê nghèo thuộc huyện Bắc Trà My. Đêm trước ngày ẵm con bỏ nhà đi, người chồng thấy Na buồn, anh lấy tiền lương mới nhận và đưa Na một triệu đồng để mua đồ, giúp bổ sung dinh dưỡng cho hai mẹ con. Nào ngờ cầm tiền xong Na bồng con bỏ đi…
Ngày đoàn tụ vợ con tại trung tâm Thủ Đức, người chồng mừng mừng tủi tủi, rối rít cảm ơn mọi người. “Vì gia cảnh quá khó khăn, trước lúc chia tay đưa họ về quê sum tụ, lãnh đạo trung tâm cùng những tấm lòng thiện nguyện động viên và tặng tiền, quà đặng giúp cho họ phần nào ổn định cuộc sống”, bác sỹ Phượng chia sẻ.
Cần một chữ tình
Hôm chúng tôi ghé thăm, khi bước từ khu C qua khu D, hình ảnh đập vào mắt là y tá Vân đang bưng khay đồ cho bệnh nhân tên Huyền (23 tuổi, ngụ quận 2) đang mang thai tháng thứ 7. Uống cạn ly sữa dành cho bà bầu, Huyền trải lòng, lúc cô lên 4 tuổi thì người cha đi theo ông bà sau cơn bạo bệnh. Huyền lớn lên bữa đói bữa no bằng đồng tiền làm thuê làm mướn của mẹ. Cuối năm 2015, những tưởng hạnh phúc cùng nửa kia của mình, nào ngờ cô gặp phải người chồng vũ phu, suốt ngày rượu chè be bét…
Ngày Huyền phát hiện có bầu cũng là lúc hai vợ chồng đưa đơn ra tòa. Tủi thân, chạnh lòng số phận, con cái lớn lên thiếu tình thương của cha… khiến cô điên loạn và được người thân đưa vào trung tâm Thủ Đức điều trị.
Nhà lưu tro cốt những bệnh nhân thất lạc người thân. |
“Mẹ em rất bận lại lớn tuổi và đi lại khó khăn nhưng cũng thường xuyên vào thăm em. Mẹ hứa khi em sinh xong, tinh thần ổn định thì mẹ rước hai mẹ con về nhà”, Huyền kể.
Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Bùi Văn Xây – Giám đốc trung tâm Thủ Đức cho biết: “Hiện trung tâm có 1.155 bệnh nhân. Từ khi nhận nhiệm vụ đến nay, tôi cùng đội ngũ y bác sỹ ở đây luôn tìm hướng, phương thức điều trị và quản lí tốt nhất cho bệnh nhân. Điển hình là trung tâm củng cố và phát huy công dụng của tổ tập vật lí trị liệu, tăng cường bác sỹ tâm lí cho bệnh nhân và gia đình”.
Theo ông Xây, mặc dù các bệnh nhân được trung tâm cố gắng đáp ứng đầy đủ vật chất, nhưng về mặt tinh thần họ luôn hao khuyết. Cái hao khuyết lớn nhất, theo ông Xây, là gia đình các bệnh nhân rất ít đến thăm nom, gần gũi khiến họ cảm thấy như bị bỏ rơi.
Chia tay chúng tôi, bác sỹ Phượng, y tá Vân… cầm chặt tay nói, ngần ấy thời gian công tác ở trung tâm Thủ Đức, đến giờ họ cũng không nhớ rõ có bao nhiêu đứa trẻ ra đời bởi các bà mẹ điên. Hầu hết tuổi thơ của chúng gắn liền với cô nhi viện, trại mồ côi, và chúng vĩnh viễn thiếu đi hơi ấm của cha, tình thương của mẹ.