Người đàn bà chọn kiếp “pê đê” để bảo vệ con
“Ngôi nhà” chỉ một gian nhưng có tới 7 cửa là nơi cư ngụ của 12 con người trong 34 năm qua. Thực chất, trước kia, đây là nhà quản xác của nhà Thương tế Thanh Hóa thuộc nghĩa trang Bình Hưng Hòa (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM). Mái được lợp tôn, còn nền gạch đủ màu sắc chắp vá từ nhiều mảnh vỡ vụn được Dung “Ba tàu” góp nhặt về từ các ngôi mộ. Có giá trị nhất trong “ngôi nhà” có lẽ là bốn chiếc ghế salon được một người dân đem cho. Dung “Ba tàu” tên đầy đủ là Trần Thị Nghĩa (SN 1962), bà cũng là người lớn tuổi nhất trong gia đình sống ở nghĩa trang này từ năm 1980.
Bà Nghĩa chia sẻ về cuộc sống nơi nghĩa trang. |
Lý giải về việc cả gia đình sống ở khu nghĩa trang ngần ấy năm, bà Nghĩa cho biết, ngày trước bà có nhà cửa đàng hoàng ở bên khu Lò Gốm (quận 6) nhưng cha mẹ để cho người cậu ở nhờ. Đến khi ngôi nhà nằm trong diện được đền bù giải phóng mặt bằng, người cậu đã ôm trọn số tiền hơn tỉ đồng đi nơi khác sinh sống.
Hiện tại, bà Nghĩa sống cùng anh con trai, vợ chồng con gái đầu, bốn đứa cháu, người em gái độc thân và ba mẹ con người em út. Chỉ có ba mẹ con bà Nga, người em út của bà Nghĩa, hàng ngày đẩy chiếc xe ra gần trước cổng nghĩa trang bán hàng nước. Còn lại sống ở đây 34 năm, công việc chính của bà và hầu hết các thành viên trong gia đình là liên quan đến mồ mả. Từ phun thuốc diệt cỏ, lau chùi, dọn dẹp đến nhang khói cho các ngôi mộ.
Nhà quàn xác nơi bà Nghĩa và đại gia đình đang sống. |
34 năm mưu sinh giữa hàng ngàn ngôi mộ
Công việc mồ mả chỉ mang tính thời vụ đắt khách vào cuối tháng 12 âm lịch. Trước đây, bà Nghĩa thường tranh thủ những lúc không làm việc ở nghĩa trang đi phụ hồ. Nhưng gần đây, sau bao năm vất vả cực nhọc, bà bị bệnh đau nhức khớp không thể làm việc nặng nên chỉ đi phụ bán cà phê. Khi nói đến công việc chăm sóc mồ mả, dù đã quá đỗi quen thuộc nhưng bà bảo mỗi lần có ai thuê “vuốt chao”, tức làm sạch thịt người chết chưa phân hủy khỏi xương khi tiến hành bốc mộ, bà vẫn ám ảnh. Thậm chí, có ngôi mộ đã chôn 20 năm nhưng khi bốc lên vẫn còn mùi xốc khó chịu vì thịt chưa phân hủy hết. Dù công việc chẳng giống ai, nhưng tiền công cũng chẳng đáng là bao.
Cạnh chốn ngủ của bà Nghĩa là mấy đứa cháu đang chơi đùa. “Bạn” của mấy đứa nhỏ là những chú chó mèo được nuôi trong nhà. Có lẽ vốn đã quen với cảnh mồ mả ngay từ lúc còn quá nhỏ, giờ đây tụi nhỏ vô tư chơi len lỏi giữa hàng ngàn ngôi mộ mà không có chút e dè. Sống bao năm giữa nghĩa trang, người đàn bà mái tóc giờ đã điểm vài sợi bạc, bà Nghĩa chỉ mong đến đời mấy đứa cháu của bà sẽ được tươi sáng hơn.
“Tôi không biết chữ, muốn cho cháu ăn học nên người. Đời tôi giờ còn gì nữa đâu, đã ngoài 50 làm được gì cho con cháu là tôi mừng lắm rồi. Đứa con gái hai đời chồng, sinh cho tôi 4 đứa cháu, nó không nuôi nổi rồi về đây sống”.
Bao nhiêu năm sống ở nghĩa trang cũng là ngần ấy năm cả gia đình bà quen với ngọn đèn cầy leo lét hay ánh đèn điện vàng vọt ngoài đường phản chiếu vào. Hai năm gần đây, nhờ được sự giúp đỡ của một Việt kiều ủng hộ tiền, bà mua dây nối điện mới có để dùng như ngày nay. Sống trong điều kiện thiếu thốn, nước sinh hoạt hằng ngày bà phải đi mua ở nhà người dân gần đấy, mỗi phi giá 7.000 đồng. Hễ hôm nào trời đổ mưa, bà và mấy đứa cháu lại hối nhau lấy bất cứ đồ vật nào miễn có thể dùng được đem ra hứng nước mưa để dùng cho ngày sau, đỡ tốn tiền.
Khi nhắc tới việc nghĩa trang ở đây nằm trong diện giải tỏa, bà im lặng hồi lâu rồi trầm ngâm: “Trước đây, từng có nhà hảo tâm tài trợ để cả nhà tôi chuyển ra nơi khác sống và họ sẽ lo công ăn việc làm. Nhưng thú thực, sống đâu quen đó, người ta có thể cảm thấy hãi hùng khi tới nghĩa địa, nhưng tôi cảm nhận sống ở đây thoải mái lắm. Nghĩ sau này không thấy mấy ngôi mộ tôi sẽ thấy trống vắng, tương lai cả nhà tôi chưa biết sẽ đi về đâu khi nghĩa trang giải tỏa”.