Nghi vấn từ lọ penicilin được tạo dựng
Mới đây nhất là cuộc “khẩu chiến” trên báo chí giữa nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và nhà văn Minh Chuyên - biên kịch, đạo diễn bộ phim “Linh hồn Việt cộng” (từng lấy đi bao nước mắt của người xem khiến dư luận càng “tá hỏa tam tinh” bởi không biết ai đúng ai sai, đâu là sự thực).
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng (phải) một mực khẳng định không hề có lọ penicillin trong mộ liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm. Đạo diễn Minh Chuyên lại xác nhận có nhưng không biết nguồn gốc từ đâu. |
Sự việc được tranh cãi xoay quanh vấn đề có lọ penicilin – di vật của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm hay không. Nếu không thì lọ penicilin được phát hiện khi cất bốc hài cốt liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm là do ai bỏ vào, có phải do nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, người đã chỉ cho gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm phần mộ của anh hay không?
Diễn biến vụ việc như sau: Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã chỉ cho gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm phần mộ liệt sĩ chưa biết tên thuộc ngôi mộ ở hàng thứ 5, lô 1, mộ thứ 2 tại nghĩa trang liệt sĩ thị xã Ayun Pa (Gia Lai).
Trước đó, ngày 18/3/1969, chiến sĩ Hoàng Ngọc Đảm đã “chạm trán” lính Mỹ tên là Homer tại cứ điểm 20, đồi 467 (thuộc địa phận Ayun Pa). Homer nhanh tay bóp cò súng. Sau khi chôn cất đối phương, di vật của người lính Việt cộng được Homer gửi về Mỹ.
Nhiều năm sống trong day dứt, Homer đã đến Việt Nam vào tháng 5/2008, tìm lại gia đình người lính Việt cộng mà mình đã giết hại. Tấm ảnh, giấy khen trong chiếc balô của người lính Việt cộng - với sự giúp đỡ của một số người - Homer tìm được dễ dàng gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm, tại làng Nha, xã Thái Giang ( Thái Thuỵ, Thái Bình).
Câu chuyện có hậu của cuộc chiến tranh được nhà văn Minh Chuyên vừa làm biên kịch và đạo diễn, cho biết đã đưa 100% sự thật vào bộ phim “Những linh hồn Việt cộng”.
Ai xem phim mà chẳng tin hài cốt tìm được là của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm. Bởi chính nhà văn Minh Chuyên tuyên bố là tìm thấy lẫn trong hài cốt liệt sĩ Đảm có lọ penicilin, trong có mảnh giấy ố vàng, chữ đã nhòe nhưng còn rõ họ tên đơn vị, quê quán của liệt sĩ: Hoàng Ngọc Đảm, C2, D67, xã Thái Giang, Thái Thuỵ, Thái Bình.
Trong phim tài liệu “Linh hồn Việt cộng” có lời bình: “ Khi chúng tôi tìm thấy mẩu giấy có ghi tên, quê quán, đơn vị từ chiếc lọ penicilin, lẫn trong hài cốt, chữ đã nhoè ố nhưng vẫn đọc được... Các em của liệt sĩ Đảm đều khóc”.
Từ thông tin của bạn đọc, một tờ báo đã đặt vấn đề nghi ngờ về chiếc lọ penicilin, được tìm thấy lẫn trong hài cốt liệt sĩ Đảm, tố cáo sự giả mạo của chiếc lọ penicilin này chính là hai chữ “Thái Thuỵ”.
Liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm hy sinh ngày 18/3/1969; khi ấy, quê của liệt sĩ là xã Thái Giang, thuộc huyện Thái Ninh. Đến ngày 17/6/1969 - sau 3 tháng liệt sĩ hy sinh, huyện Thái Ninh và Thuỵ Anh hợp nhất và có tên mới là huyện Thái Thuỵ.
Câu hỏi đặt ra, vì sao liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm lại biết huyện của mình sẽ được đổi tên thành huyện Thái Thuỵ để ghi sẵn vào mảnh giấy để trong lọ penicilin?
Vậy ai đã tạo dựng chiếc lọ penicilin này? Cuộc “khẩu chiến” giữa bà Phan Thị Bích Hằng và nhà văn Minh Chuyên bắt đầu nóng trên các mặt báo. Bà Hằng thì đổ cho “đạo diễn đưa vào”, ông Chuyên thì nói: “Bà Hằng có đi đâu mà biết.Tôi không bỏ lọ penicilin nào vào cả. Tôi thả vào để làm gì? Chả có lương tâm nào mà bỏ lọ penicilin vào... Tôi có hành nghề lừa đảo đâu. Tôi là người phản ánh sự thật. Sự thật như thế nào, tôi quay như thế”.
Liên quan tới vụ việc này, 5 năm về trước, phim “Linh hồn Việt cộng” từng bị nhiều tớ báo “tố” không đúng sự thật, nhất là việc cất bốc trộm một ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên trong Nghĩa trang liệt sĩ Ayun Pa, “đẩy” nhà văn Minh Chuyên phải đưa bằng chứng là chiếc lọ penicilin, để khẳng định phần hài cốt đã cất bốc trộm đúng là của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm.
Khi một tờ báo đưa bằng chứng về huyện Thái Thuỵ để bác bỏ lọ penicilin là được tạo dựng, thì nhà văn Minh Chuyên lại khẳng định mình không bỏ vào.
Vậy, có hay không chiếc lọ penicilin lẫn trong hài cốt liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm? Nếu có thì ai đã bỏ vào, với mục đích gì, hay chỉ được ai đó “bỏ” vào trong phim? Đây vẫn là sự việc chưa được làm sáng tỏ.
Thủ cấp LS Phùng Chí Kiên được giám định là mảnh sành, răng lợn
Vụ dính “phốt” gây nhiều đau thương, trăn trở nhất với nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng phải kể đến việc tìm thủ cấp liệt sĩ Phùng Chí Kiên bị VTV cáo buộc là mảnh sành và răng lợn.
Đến bây giờ, vụ việc này vẫn đang gây tranh cãi và chưa có lời giải thích thỏa đáng. Phía gia đình liệt sĩ thì khẳng định đó là phần hài cốt còn lại của liệt sĩ Kiên, còn phía Viện Pháp y Quân đội cùng với VTV lại khẳng định đó là mảnh sành vụn và răng lợn sau khi có kết quả giám định ADN.
Tuy nhiên, cả gia đình liệt sĩ Kiên và bà Hằng đều không đưa ra được chứng cứ khoa học nào, mà cho rằng Viện Pháp y Quân đội đã đánh tráo mẫu vật trước khi giám định, bởi lúc mở niêm phong bọc đựng thủ cấp liệt sĩ Phùng Chí Kiên không có người nhà liệt sĩ chứng kiến.
Tự phong hàm cho LS Phùng Chí Kiên
Người ta nói “họa vô đơn chí” đôi khi cũng không sai. Khi sự việc lùm xùm này vẫn chưa có hồi kết thì nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng lại gặp phải một số sự cố lỡ lời khác liên quan tới việc này. Đó là việc “tự phong hàm” Trung tướng cho liệt sĩ Phùng Chí Kiên.
Chia sẻ về áp lực trước dư luận sau khi VTV tung clip hoài nghi về khả năng của các nhà ngoại cảm, bà Phan Thị Bích Hằng có lúc đã khóc nức. |
Bà Phan Thị Bích Hằng từng nói: "Tháng 3/2008, tôi được đặt vấn đề là đi tìm thủ cấp của Trung tướng. Trước đây tôi thường đi tìm hài cốt nguyên vẹn. Bây giờ, là tìm hài cốt của tướng Kiên với một phần thi thể không nguyên vẹn là thủ cấp. Tôi rất xúc động trước câu chuyện của những người đồng đội của Trung tướng".
Năm 2007, báo chí đưa tin, sau khi nhận được công văn của Tỉnh ủy Nghệ An và Bộ tư lệnh Quân khu 4 đền Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Đại tướng Phùng Quang Thanh. Thư có đoạn: “Đồng chí Phùng Chí Kiên (...) được phân công chỉ đạo khởi nghĩa Bắc Sơn. Khi địch khủng bố trắng, Anh dẫn một bộ phận lực lượng vũ trang rút về hướng Cao Bằng. Trên đường rút lui bị địch phục kích, Anh đã bị thương, bị địch bắt, hành hạ rất dã man, Anh vẫn kiên cường giữ vững khí tiết cách mạng; chúng đã chặt đầu Anh để khủng bố tinh thần quần chúng (…) Năm 1947 Bác Hồ đã ký quyết định truy phong hàm tướng đầu tiên cho đồng chí".
Như vậy là liệt sĩ Phùng Chí Kiên chỉ được biết là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, còn cấp bậc cụ thể như thế nào thì Bác không ghi rõ. Nhiều người băn khoăn, việc nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng gọi liệt sĩ Phùng Chí Kiên là "Trung tướng" có phải là bà đã tự phong hàm cho tướng Kiên?
Nghi vấn quanh việc tìm 4.000 hài cốt liệt sĩ ở Phú Quốc
Cũng sau khi VTV đăng tải phóng sự hoài nghi về khả năng của các nhà ngoại cảm Việt Nam, trong đó có Phan Thị Bích Hằng, lại xuất hiện thêm nghi ngờ về việc bà Bích Hằng không phải là người tìm ra 4.000 hài cốt liệt sỹ ở Phú Quốc.
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cùng ông Nguyễn Văn Cao (áo xanh), Đội phó Đội K92 đang bàn bạc trước khi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. |
Một số tờ báo lúc đó đã đặt ra mối hoài nghi về việc bà Hằng không tham gia vào cuộc tìm kiếm này và “lãnh đạo tỉnh Kiên Giang không biết chị Phan Thị Bích Hằng là ai”. Tờ báo này dẫn lời hoài nghi của Thiếu tướng – Tiến sỹ Nguyễn Chu Phác, Chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người.
Sau đó, phóng viên một số báo đã tìm gặp bà Hằng hỏi về vụ tìm kiếm 4.000 hài cốt liệt sỹ ở Kiên Giang. Lúc đó, bà Hằng đã đưa cho họ xem một loạt các thư cảm ơn của Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Trương Quốc Tuấn, Ban liên lạc Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày, Tổ đình Vĩnh Nghiêm TP HCM… về việc tham gia tìm 4.000 hài cốt liệt sĩ ở Phú Quốc.
Bên cạnh đó, một số nhân chứng sống trong vụ tìm kiếm này cũng đã lên tiếng với một tờ báo khẳng định nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng có tham gia và đã góp công sức rất lớn trong việc tìm kiếm, chỉ ra các hài cốt liệt sĩ ở Phú Quốc.