Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ mười và các chuyên gia quân sự trên khắp thế giới đang theo dõi sát sao cuộc xung đột này, cố gắng tìm ra một số bài học để giúp ích cho việc xây dựng quân đội của chính họ.
Vào ngày 30/11, Viện nghiên cứu Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, đã công bố một báo cáo chi tiết về những bài học kinh nghiệm trong năm tháng đầu tiên của cuộc chiến Nga và Ukraine.
Các tác giả của bản báo cáo đã phỏng vấn Trung tướng Mykhaylo Zabrodsky của Quân đội Ukraine và qua đó, các nhà phân tích của RUSI tiếp cận được rộng rãi với thông tin quân sự Ukraine và những hoạch định chính sách liên quan.
Bản báo cáo này đã tiết lộ nhiều tình tiết ít được biết tới trước đó, thậm chí còn thay đổi nhận thức của mọi người, nhiều nghi vấn trước đó cũng được giải thích, lật tẩy một số tuyên truyền của truyền thông phương Tây và RUSI cũng đánh giá Quân đội Nga không đến nỗi “tệ” như vậy.
Theo nghiên cứu của RUSI, kế hoạch tràn ngập Kiev ban đầu của Moskva đã không thành công, nhưng bản thân kế hoạch đó không đến mức tồi tệ như mô tả của phương Tây và tình hình khi đó ở Ukraine, thực sự lâm vào thế “nghìn cân treo sợi tóc”.
Vào thời điểm đó, Nga nắm giữ một lợi thế đáng kể ở mặt trận phía bắc. Phía bắc Kiev, quân đội Nga đông hơn quân đội Ukraine với tỷ lệ 12:1. Không quân Nga không kích 48% các vị trí phòng không cố định của Ukraine trong 75 giờ đầu tiên của cuộc xung đột.
Cùng với đó, các cuộc tấn công mạng của Nga đã phá vỡ thành công hệ thống liên lạc vệ tinh ở Ukraine. Nhưng cuối cùng Ukraine vẫn tồn tại và người ta rút ra một số bài học kinh nghiệm.
Không có nơi trú ẩn an toàn
Đối phương có thể tấn công ở toàn bộ chiều sâu tác chiến, nghĩa là nó có thể tấn công các mục tiêu ở phía sau cách xa tiền tuyến danh nghĩa. Điều đó có nghĩa là quân đội cần phải chiến đấu theo cách khác.
Mặc dù phân tán, che giấu lực lượng là một lựa chọn, nhưng phương án này "rất khó duy trì" vì các loại cảm biến khác nhau, chẳng hạn như máy ảnh quang học, máy ảnh nhiệt và radar khẩu độ tổng hợp có thể nhìn xuyên qua các đám mây, phát hiện các lực lượng ẩn náu bí mật.
Tất nhiên, sử dụng những nơi trú ẩn được gia cố như hầm trú ẩn bằng bê tông và hầm trú ẩn là một cách để tồn tại. Nhưng nếu như vậy, điều này có xu hướng giữ binh lính ở một nơi.
Cách tốt nhất để sống sót là tản ra và di chuyển nhanh hơn
Ukraine đã đứng vững trước cuộc tấn công chớp nhoáng ban đầu, phần lớn là do nước này đã lường trước được, chuyển hướng dự trữ đạn dược khỏi các kho vũ khí lớn một tuần trước khi xảy ra xung đột; và những nỗ lực đó đã tăng tốc ba ngày trước khi xung dột bắt đầu.
Máy bay chiến đấu và các hệ thống phòng không đã được sơ tán trong vài giờ sau vụ tấn công. Kết quả là chỉ 1/10 hệ thống phòng không di động bị bắn trúng. Những mục tiêu cơ động này, cũng có thể bị tấn công, nếu hệ thống tình báo của Nga nhạy bén và linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, phải mất hai ngày, đôi khi lâu hơn, tình báo quân đội Nga mới gửi thông tin tình báo về mục tiêu đến một trung tâm chỉ huy ở Moscow trước khi có thể tiến hành một cuộc tấn công.
Cần dự trữ đạn dược dự phòng càng nhiều càng tốt
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, không phải tên lửa chống tăng Javelin và NLAW do Mỹ và Anh cung cấp đã cứu quân đội Ukraine, mặc dù thực tế là trong tuần đầu tiên của cuộc xung đột, nhiều video trên Internet đã cho thấy vai trò của những tên lửa này.
Cũng không phải UAV TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ đã cứu quân Ukraine, họ bắt đầu vật lộn để chống đỡ sau ngày thứ ba. Một trong những tác giả của báo cáo gần đây đã chỉ ra trên phương tiện truyền thông xã hội rằng "giá trị tuyên truyền của vũ khí phương Tây giai đoạn đầu cuộc chiến là rất cao, nhưng chúng không thực sự có tác động đáng kể đến diễn biến của trận chiến...”.
Theo tác giả này, yếu tố quyết định xoay chuyển cục diện trận chiến còn tầm thường hơn: Điều khiến người Nga ở phía bắc Kiev bị sốc, đó là việc hai lữ đoàn pháo binh Ukraine nã đạn hàng ngày với cường độ cao.
Khi bắt đầu cuộc xung đột, sự khác biệt về số lượng pháo binh của Nga và Ukraine không quá rõ ràng. Quân đội Nga chỉ có lợi thế 2:1, với 2.433 đến 1.176 nòng pháo và 3.547 đến 1.680 bệ phóng pháo phản lực phóng loạt (MLRS).
Ukraine duy trì cân bằng pháo binh trong hơn một tháng đầu tiên (chính xác là 6 tuần đầu tiên) và sau đó bắt đầu rơi vào cảnh thiếu đạn. Đến tháng 6, quân Nga có lợi thế 10:1 về hỏa lực. Sự mất cân bằng này tiếp tục cho đến khi có sự xuất hiện của các hệ thống pháo tiên tiến của phương Tây, bao gồm cả HIMARS của Mỹ.
Điều này khiến phương Tây rất lo sợ. Rõ ràng, ngoài Mỹ, không quốc gia NATO nào có đủ kho dự trữ ban đầu, hoặc năng lực công nghiệp để duy trì các hoạt động xung đột quy mô lớn.
Các thành viên NATO khác ngoài Mỹ, thì hỏa lực của họ đã suy giảm nghiêm trọng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một tổ chức tư vấn khác ở London cho biết, từ năm 1990 đến năm 2020, số lượng pháo lớn trong quân đội châu Âu đã giảm 57%.
Vào đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine, Ukraine có hơn 1.000 khẩu pháo và 1.680 MLRS, con số này vượt quá tổng số pháo của Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Ba Lan cộng lại và là lực lượng pháo binh lớn nhất ở châu Âu sau Nga.
Quân đội Ukraine đã duy trì "sự cân bằng về pháo binh" với phía Nga trong khoảng sáu tuần, nhiều hơn hầu hết mọi quân đội phương Tây có thể làm được trong cùng hoàn cảnh.
Cùng với đó, độ chính xác của hỏa lực pháo binh không chỉ làm tăng đáng kể hiệu quả tiêu diệt mà còn cho phép quân đội giảm hậu cần, do đó tăng khả năng sống sót.
UAV và hệ thống chống UAV đều rất quan trọng
Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, UAV đã đóng một vai trò quan trọng, mặc dù chủ yếu phục vụ cho các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát hơn là các nhiệm vụ tấn công.
Quân đội Nga thay vì dựa vào UAV từ các sở chỉ huy cấp cao hơn, thì họ dựa vào UAV của chính họ, nên có thể triển khai "hỏa lực phản ứng nhanh", tấn công các mục tiêu trong vòng 3 đến 5 phút sau khi phát hiện ra chúng.
Theo tiêu chuẩn ngày nay, đó là thời gian phản hồi nhanh đáng kể. Các đơn vị không có UAV của riêng họ có thời gian phản ứng khoảng nửa giờ và kém chính xác hơn.
Một bài học quan trọng cho Ukraine là quân đội cần nhiều UAV hơn họ nghĩ. Khoảng 90 phần trăm của tất cả các UAV được sử dụng bởi các lực lượng vũ trang Ukraine từ tháng Hai đến tháng Bảy đã bị bắn hạ. Tuổi thọ trung bình của một UAV cánh cố định là khoảng 6 chuyến bay và 3 chuyến đối với một chiếc UAV 4 trục (quadcopter) đơn giản hơn.
Cuộc xung đột cũng chỉ ra cách chống lại UAV; trước hết, phương pháp cục bộ cũng rất hữu ích, ví dụ như màn che khói.
Quân đội Ukraine đã phát hiện ra rằng, khi các đơn vị trinh sát của Nga chiếu đèn laser vào vị trí của họ, họ có thể che giấu hành động của mình bằng cách bắn lựu đạn khói. Nhưng điều này cũng vô tình làm lộ vị trí của chính họ.
Phương pháp quan trọng nhất để chống UAV là sử dụng tác chiến điện tử và tác chiến điện tử của Nga đã buộc Ukraine phải hạn chế cách sử dụng UAV.
Về lý thuyết, UAV của Ukraine có thể được điều khiển từ xa để trinh sát mục tiêu của Nga và gửi hình ảnh theo thời gian thực về các đơn vị pháo binh. Nhưng trên thực tế, việc điều khiển UAV và tín hiệu liên lạc với các trạm mặt đất tương đối dễ bị phát hiện và gây nhiễu. Số liệu của Ukraine cho thấy, chỉ 1/3 số phi vụ trinh sát bằng UAV thành công.
Quân đội Nga đã đi đầu trong tác chiến điện tử kể từ thời Liên Xô và đã sử dụng nó rộng rãi ở chiến trường Syria. Đây chắc chắn là một thách thức nghiêm trọng đối với Ukraine. Nhưng nó không phải lúc nào cũng dễ sử dụng và việc can thiệp vào hành động của “quân ta” cũng là điều phổ biến.