Trong đội hình diễu binh, diễu hành chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, khối nữ quân nhân lực lượng vũ trang luôn được nhiều người đặc biệt chú ý bởi những động tác điều lệnh nhanh, mạnh, dứt khoát, toát lên vẻ hùng dũng nhưng vẫn giữ nguyên vẻ duyên dáng, mềm mại của “đội quân tóc dài”.
Các nữ chiến sĩ Quân nhạc luyện tập. Ảnh: Phạm Hải |
Với khối nữ Quân nhạc họ xuất hiện ngay những phút đầu tiên mở màn diễu binh, cùng với những âm thanh hùng tráng, ngân vang từ trống, kèn.
Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, những âm thanh hào hùng của các chiến sĩ Quân nhạc Việt Nam đã góp phần cổ vũ, động viên, thúc giục toàn quân ta hăng hái, vững bước tiến lên phía trước, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Ngày nay, những âm thanh hào hùng của quân nhạc Việt Nam đang đồng hành, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trao đổi với VietNamNet, Trung tá Phạm Đình Chiến, Đội Nghi lễ Quân đội, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam cho biết, khối gồm 86 thành viên, trong độ tuổi từ 20-34, được tuyển chọn từ 18 đơn vị trực thuộc Quân khu, Quân đoàn, Quân binh chủng, Học viện, Nhà trường trong toàn quân.
Tiêu chuẩn nữ phải cao từ 1m6-1m7; về hình thể, khuôn mặt phải cân đối; có phẩm chất chính trị trong sạch và đặc biệt cần có một chút năng khiếu về âm nhạc. Trong khối cũng có những thành viên trong các trường năng khiếu, nghệ thuật Quân đội đã có sẵn nền tảng về âm nhạc thì sẽ đảm nhiệm vị trí khối trưởng, đứng các đầu hàng.
Nữ khối trưởng của khối Quân nhạc. Ảnh: Phạm Hải |
Các nhạc cụ được khối nữ Quân nhạc biểu diễn gồm: Trống, kèn trumpet, kèn cor, kèn tuba, kèn saxophone, kèn baritone, kèn helicon…
“Có những nhạc cụ rất to và nặng từ 14-18kg, riêng với những nhạc cụ như thế này thì phải tuyển chọn nữ quân nhân có hình thể, cân nặng, chiều cao vượt trội hơn so với các thành viên khác trong khối”, Trung tá Phạm Đình Chiến cho biết.
Lần đầu tiên Bộ Quốc phòng tổ chức một dàn Quân nhạc nữ tham gia diễu binh, diễu hành, chính vì vậy Trung tá Phạm Đình Chiến chia sẻ, khối có nhiều điểm đặc biệt như có nhiều thành viên chưa bao giờ biết về nhạc cụ, tiết tấu hay âm nhạc. Nhiều thành viên bắt đầu từ con số 0, thậm chí có thành viên còn chưa từng thấy nhạc cụ đó ngoài đời bao giờ.
Trung tá Trần Đình Chiến bày tỏ, những tư thế mang nhạc cụ, chơi nhạc cụ đều phải huấn luyện từ đầu nên đôi lúc gặp chút khó khăn. Với kèn helicon nặng nhất lên đến 18kg cần huấn luyện vác đi từ 2-3km/lượt. Hay với kèn trombone thì các nữ quân nhân phải học kéo ra, kéo vào đúng theo giai điệu, nhịp phách.
Nam quân nhân mang vác các nhạc cụ đã vất vả nên với nữ quân nhân thì đây là sự nỗ lực hết sức mình. Đặc biệt là môn nghệ thuật kèn hơi ở Việt Nam rất ít nữ giới chơi được, bởi phái nữ thường chọn đàn dây, những nhạc cụ nhẹ.
Sau khi tuyển chọn, chắt lọc trong hơn 1 tháng tập luyện đánh trống, hành tiến... với bài nhạc hành khúc đi đều đã được các nữ quân nhân thực hiện nhuần nhuyễn, đều, đẹp, thống nhất.
Chiếc kèn có kích thước và trọng lượng lớn. Ảnh: Trần Thường |
Nữ quân nhân Phạm Thị Hồng (30 tuổi) là một trong hai thành viên nữ của khối Quân nhạc đảm nhiệm nhạc cụ có kích thước lớn và nặng nhất đó là chiếc kèn helicon. Chị cho biết lần đầu tiên được tiếp xúc với chiếc kèn này ở ngoài đời. Tuy mới đầu bỡ ngỡ nhưng chị cùng đồng đội quyết tâm vì nhiệm vụ tham gia diễu binh, diễu hành là “sự vinh dự, tự hào không phải ai cũng có được”.
“Lần đầu tiên nhìn thấy, tôi rất ngạc nhiên sao lại có cây kèn to thế. Được các anh trong đoàn nghi lễ hướng dẫn tỉ mỉ chi tiết, tuần đầu tiên chưa quen, loa của kèn rất to phải vác tựa một bên vai cảm thấy vô cùng nặng. Sau những buổi tập chính tôi tranh thủ tập luyện thêm để nâng cao sức khỏe, sức chịu đựng.
Ngoài ra cũng cần phải luyện tập hơi thở và bước chân đi cho hài hòa, hợp lý, không bị chao đảo nếu đi ngược gió. Đến giờ thì tôi đã quen rồi, sau 2 tháng gắn bó cũng yêu quý chiếc kèn hơn”, nữ chiến sĩ Phạm Thị Hồng chia sẻ.
Trung úy Lương Thị Hà Phương và chiếc kèn nặng 18kg. Ảnh: Trần Thường |
Còn Trung úy Lương Thị Hà Phương tâm sự, cô cũng lần đầu tiên tiếp xúc với chiếc kèn đồng helicon. "Cảm nhận đầu tiên khi luyện tập là kèn rất nặng, nếu đi ngược chiều gió thì sẽ bị mất thăng bằng. Ban đầu, tôi luyện tập với từng bộ phận của chiếc kèn. Chiếc kèn được tháo rời ra 2 phần để tôi làm quen từ loa kèn sau đó là phần dưới", Trung úy Phương cho biết.
Vốn xuất thân là một vận động viên của Quân đội nên Trung úy Phương nhanh chóng thích nghi được với loại nhạc cụ mới và các bài học.