Di sản văn hóa Đại Việt để lại cho chúng ta hôm nay một bản lĩnh và khí phách dám ngẩng cao nhìn ra Biển Đông. Mặc dù sư tử không phải là hình tượng tối linh trong văn hóa Đại Việt, vị trí ấy thuộc về Rồng, nhưng với những hiện vật ít ỏi, hình ảnh những con sư tử Đại Việt không lẫn được với những con sư tử Trung Hoa đang tràn ngập các di tích, công sở, trung tâm buôn bán hôm nay.
Một trong những dấu hiệu đầu tiên để nhận ra sư tử Việt là chữ Vương trên trán. Đây là một dấu hiệu rất dễ nhận biết nhưng cũng không ít người chú ý, ngay cả với các chuyên gia. Đơn cử một ví dụ là trong không gian trưng bày triều Lý của Bảo tàng Lịch sử quốc gia có một chiếc đầu sư tử bằng đất nung nhưng lại được chú thích là đầu rồng.
Sư tử thời Lý ở Bảo tàng Lịch sử từng bị chú thích nhầm là đầu rồng (Ảnh: Trần Hậu Yên Thế). |
Trước đây, trong môn học Nghiên cứu Mỹ thuật cổ Việt Nam, khi đưa sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam tới Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tôi đã giới thiệu, phân tích những giá trị, dấu hiệu nhận biết của hình tượng sư tử Đại Việt qua những nghiên cứu so sánh liên văn hóa, qua đó đính chính lại chú thích của bảo tàng. Mặc dù mảnh hiện vật chỉ còn là một chiếc đầu nhưng với chữ Vương (王) trên trán giống như những con sư tử chùa Bà Tấm, chùa Hương Lãng, chùa Thầy… ta có thể xác định ngay đó là sư tử. Đây là dấu hiệu không bao giờ có thể lẫn được với rồng. Cũng tương tự như vậy, trong phần trưng bày của Hoàng thành Thăng Long có một chi tiết trang trí kiến trúc đất nung hình mặt sư tử cũng có chữ vương trên trán. Ngay cả với những hiện vật rất nhỏ như hiện vật sư tử gốm ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Con sư tử này chỉ còn lại phần đầu, với kích thước rất nhỏ nhưng vẫn có hình chữ Vương trên trán.
Vậy chữ Vương trên trán là gì? Ý nghĩa biểu tượng của nó ra sao?
Trong Đại Việt sử ký Ngoại kỷ Toàn thư trong quyển IV có một chi tiết về Tông Xác (một viên tướng phương Bắc) đáng lưu ý. Xác là một võ tướng tham gia đội quân đi đánh Lâm Ấp năm 436. "Xác nói “Ta nghe nước ngoài có giống sư tử, oai phục được trăm loài thú". Bèn làm hình sư tử để chống lại voi, voi quả nhiên sợ chạy. Quân Lâm Ấp thua to.” Nếu hiểu sư tử là chúa sơn lâm, vua của muôn loài như cách hiểu của Tông Xác, thì có lẽ chỉ đúng một nửa. Người Việt coi hổ mới là chúa sơn lâm, và thực sự khoa học cũng chứng minh điều này. Tuy nhiên, trong văn hóa biểu tượng, sư tử là vô địch, không một loài thú nào được sử dụng nhiều như động vật này.
Nghiên cứu cho thấy chữ Vương ở đây liên quan đến Sư tử Vương trong kinh điển Phật giáo. Từ điển Phật học Hán Việt (NXb Khoa học Xã hội, 1998) viết: “ SƯ TỬ VƯƠNG. Vua trong loài sư tử, ví chư Phật, Bồ-tát không có điều gì sợ sệt, thì gọi là sư tử vương. Cũng còn gọi là Đại sư tử vương tỏ sự kính trọng Phật. Sư tử là vua trong các loài thú, Phật là vua pháp trong loài người và thần tiên”.
Việc Phật giáo coi đức Phật và các chư vị Bồ Tát là sư tử thể hiện trong rất nhiều thuật ngữ khác nữa. Ví dụ cũng trong Từ điển Phật học Hán Việt:“ SƯ TỬ TÒA (Tạp danh). Tòa sư tử. Trí độ luận cho rằng Phật là sư tử trong loài người. Bất kỳ chỗ nào Phật ngồi (dù đó là góc phố, là giường, là hòn đá, là gốc cây hay là đất) đều được gọi là tòa sư tử.”. Cũng có thể kể đến Sư tử hống, Sư tử phấn tấn tam muội, Sư tử phấn tấn Bồ tát sở vấn kinh, Sư tử nhũ, Sư tử nguyệt Phật bản sinh, Sư tử ngọa pháp...
Chữ Vương trên trán không xuất hiện trên các tượng sư tử đá trong không gian hoàng gia hay chùa miếu Trung Hoa. Nó chủ yếu xuất hiện ở dạng mặt nạ trong các nghi lễ tôn giáo dân gian ở miền Nam Trung Quốc, nơi mà những ảnh hưởng của văn hóa Hán suy giảm.
Dấu hiệu vương giả này trong một số trường hợp lại được thêm một chiếc miện báu trước trán như trường hợp các sư tử đội tòa sen càng làm tăng thêm tướng sang quý, tôn kính của sư tử Việt. Chiếc miện báu này cũng xuất hiện trên trán những con sư tử bảo vệ đền tháp Hindu giáo. Ví dụ ở lối vào đền Lakshmi Narayan (Katmandu, Nepal) có hai đôi sư tử đá bảo vệ trên thềm bậc. Những con sư tử này đều đội miện báu.
Sư tử đội miện báu ở đền Lakshmi Narayan (Katmandu, Nepal). (Ảnh: Internet). |
Một điểm nhấn vương giả quan trọng của sư tử Đại Việt nói riêng và tất cả các linh vật quan trọng khác là miệng thường ngậm ngọc. Không chỉ có miệng, mà trong nhiều trường hợp chân còn nắm lấy ngọc báu. Chính viên ngọc trong miệng sư tử nó tương phản với những chiếc răng nanh sắc nhọn, như muốn nhấn mạnh sức mạnh kia là để phụng sự cái Thiện, phụng sự Phật pháp.
Việc sư tử Đại Việt chủ yếu xuất hiện trong không gian tín ngưỡng Phật giáo, nên có thể khẳng định SƯ TỬ VƯƠNG là một sắc thái vương giả của những con sư tử Đại Việt. Dấu hiệu này cho thấy những ảnh hưởng Phật giáo nói riêng, văn hóa Ấn Độ nói chung tới văn hóa Việt Nam. Ngoại trừ chữ Vương trên trán, sư tử Đại Việt còn có những đặc điểm tạo hình riêng khác không thể lẫn được với sư tử của các nước Đông Nam Á khác và càng không thể lẫn được với những con sư tử đá Trung Hoa. Trở lại với khái niệm độ chênh (escart) của Francois Jullien (1), rõ ràng mỹ thuật Đại Việt luôn có xu hướng quay trở về phương Nam. Xu hướng nghệ thuật này tạo ra sự cân bằng khi mà mô hình chính trị mô phỏng Trung Hoa.
Chú thích:
1. Giữa sự chênh (escart) và sự khác biệt văn hóa cũng có những sắc thái, ý nghĩa riêng. Vấn đề là tìm cho được sự chênh, không thể dừng lại sự ghi nhận những sự khác biệt. Khi nhận thấy khác biệt ta chỉ nói cái này khác cái kia. Còn tìm thấy sự chênh ta nhận ra sức căng giữa hai nền văn hóa. Khi nói sự khác biệt không nói lên được sức căng đó. Nói khác biệt giả định có người đứng bên trên để phán xét. Còn chênh thì có thể thấy lẫn nhau, phát hiện những cái chuẩn khác và nghĩ về cái chuẩn của mình”- Francois Jullien.
Trần Hậu Yên Thế Nhà nghiên cứu Mỹ thuật