Cuối tháng 2/1965, Liên Xô quyết định tăng số lượng hàng viện trợ, các chủng loại vũ khí trong đó có khí tài, tên lửa phòng không, máy bay quân sự cho Việt Nam. Đồng thời Liên Xô cũng đề nghị gửi “1 lữ đoàn tên lửa, 2 trung đoàn phòng không và các đơn vị kỹ thuật, một phân đội máy bay MiG-21 (trong đó có 12 máy bay chiến đấu), 1 tiểu đoàn địa cầu, 1 tiểu đoàn trinh sát kỹ thuật” sang bảo vệ khu vực Hà Nội, Hải Phòng.
Lúc đó, Việt Nam quyết định không nhận các đơn vị chiến đấu do tình hình thế giới. Bù lại, nước ta đề nghị Liên Xô chỉ cử chuyên gia quân sự và xin viện trợ vũ khí. Đáp lại chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A.N.Côxưghin, tháng 4/1965, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam gồm Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh thăm Liên Xô. Hai nước đã nhất trí “Tiến một bước xa hơn nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh của VNDCCH và triển khai những biện pháp thích hợp để thực hiện mục đích”. Hai bên đã ký thỏa thuận về viện trợ quân sự, về việc Liên Xô gửi các chuyên gia quân sự sang Việt Nam.
Nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại một tiểu đoàn bộ đội phòng không Việt Nam. Ảnh tư liệu. |
Trong hồi ký, Thượng tướng Khiupênen Anatôli Ivanôvích, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại VNDCCH từ 12/1972-1/1975 kể rằng, ngay sau chuyến thăm của đoàn Việt Nam, trung tuần tháng 4/1965, 100 chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên trong đó có các chuyên gia về tên lửa phòng không cùng khí tài tên lửa S-75 (còn gọi là Đvina) có mặt ở Hà Nội dưới sự chỉ huy của Đại tá A.M. Dưza.
Đoàn chuyên gia Liên Xô có nhiệm vụ là trong thời hạn ngắn nhất huấn luyện và đưa vào chiến đấu 2 trung đoàn phòng không cho QĐND Việt Nam. Khi sĩ quan, chiến sĩ của 2 đơn vị tên lửa này có thể tác chiến độc lập thì họ sẽ chuyển sang huấn luyện cho đơn vị khác và chỉ để lại một số chuyên gia xử lý những tình huống phát sinh trong chiến đấu.
Ngày 1/5/1965, lễ công bố quyết định của Bộ Quốc phòng thành lập Trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên 236 diễn ra tại khu vực đồn điền Mỏ Chén (nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội). Đây là trung tâm huấn luyện vũ khí tên lửa được các chuyên gia Liên Xô đảm nhận việc chỉ dẫn.
Sau đoàn chuyên gia quân sự gồm 100 người đầu tiên, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô đã sẵn sàng đưa các đoàn tiếp theo sang Việt Nam. Trước khi sang Việt Nam công tác, các sĩ quan, hạ sĩ quan và chiến sĩ Liên Xô được lựa chọn theo các tiêu chí: Bản lĩnh chính trị Xô Viết, phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn và sức khỏe tốt. Các sĩ quan vào các vị trí chỉ huy được lựa chọn gắt gao hơn, bắt buộc phải qua được các bài kiểm tra khắt khe của Tổng cục 10 (thuộc Bộ Tổng tham mưu Liên Xô), sau đó là cuộc phỏng vấn, thẩm định của Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Xô-viết. Những sĩ quan từng tham gia chiến đấu bảo vệ Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ 2 và chiến tranh Triều Tiên sẽ được ưu tiên. Họ sẽ sang công tác tại Việt Nam trong vòng 1 năm và sau đó, người khác lại sang thay thế.
Sau khi được lựa chọn, họ sẽ phải luyện tập để sử dụng vũ khí, khí tài, phải rèn luyện thể lực. Việc này được tiến hành rất bí mật, và chuyến đi chỉ được thông báo vào phút chót. Trong thời gian công tác ở Việt Nam, họ phải tuân thủ nghiêm kỷ luật về bảo mật thông tin cho đến khi về nước. Trước khi lên máy bay họ mới được phát hộ chiếu.
Trong thời gian công tác ở Việt Nam, các chuyên gia được hưởng 100% lương do nhà nước Liên Xô trả, số tiền này được chuyển về gia đình. Còn tại Việt Nam, các chuyên gia được chúng ta trả lương theo quân hàm và chức vụ.
Một bữa ăn của chuyên gia quân sự Liên Xô ở khách sạn Kim Liên. Ảnh tư liệu. |
Trước ngày lên đường, thẻ Đảng của họ được gửi lại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, mọi giấy tờ công vụ được chuyển về Tổng cục 10, khi đặt chân đến Việt Nam, các giấy tờ còn lại sẽ được lưu giữ tại Đại sứ quán Liên Xô. Sang Việt Nam là nguy hiểm tính mạng nên có sĩ quan phút cuối đã từ chối. Thiếu tướng Đemsencô Iuri Alếchxêêvích sang Việt Nam tháng 3/1965 làm chỉ huy trưởng khẩu đội bệ phóng Tiểu đoàn hỏa lực số 82, Trung đoàn tên lửa 238 kể rằng, đoàn của ông trước khi lên tầu hỏa, Trung tướng V.N. Gôđun hỏi: “Có ai nhát gan không?”, không ai trả lời. Nhưng khi ông hỏi: “Có ai không muốn đi không?” thì 2 sĩ quan xin ở lại với lý do sức khỏe dù họ đã được kiểm tra kỹ càng trước đó.
Tính từ 4/1965 đến ngày 31/12/1974, Liên Xô đưa sang Việt Nam tổng số 6.359 sĩ quan các cấp, hơn 4.500 hạ sĩ quan, binh sĩ nghĩa vụ trong các lĩnh vực quân sự trong đó có 5 sĩ quan từ cấp tướng. Trong từng ấy năm, 13 chuyên gia quân sự đã hy sinh. Ban đầu họ được gọi với cái tên chung là “chuyên gia quân sự” nhưng đến cuối năm 1974 được đổi thành “cố vấn quân sự”. Trong 9 năm này 13 sĩ quan và chiến sỹ Liên Xô hy sinh trong đó có 4 người hy sinh khi đang trực tiếp chiến đấu.