Bão gió cũng không quên "seo-phai"
Nghe tin cơn bão số 3 đang đổ bộ vào các tỉnh Đồng bằng sông Hồng khiến Nguyễn Thu Trang (25 tuổi, nhân viên công sở ở Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội) không khỏi thở dài vì không nhận được thông báo nghỉ làm của công ty. Nghĩ đến cảnh đi trong mưa giông, gió lốc khiến Trang vừa ái ngại vừa sợ điều không may sẽ xảy ra với mình.
Trang nhớ lại thời điểm cơn bão số 1 xảy ra vào cuối 27/7, khi đó cũng vào giữa tuần, nơi ở chỉ cách công ty chừng 7 - 8km nhưng hôm đó lại là quãng đường dài vô tận với Trang. Thông tin mưa gió giật mạnh khiến cây đổ nghiêng ngả cũng không đủ để giữ chân Trang lại trong căn phòng tối om vì mất điện.
"Lúc trong nhà bạo dạn là vậy nhưng khi ra đường mấy cảm nhận rõ sự sợ hãi. Gió giật khiến tay lái loạng choạng, nhiều lúc tưởng chừng như không đi được mà phải xuống dắt xe. Đến đoạn đường ngập, xe đang phóng nhanh cũng không dám giảm ga vì theo kinh nghiệm nếu chỉ cần chùn tay thôi là máy sẽ "chết" máy giữa vùng nước trũng..." - Trang chia sẻ.
Nhưng điều khiến Trang cảm thấy ái ngại nhất lại đến từ ánh mắt của mọi người khi cứ nhìn chằm chằm vào phần dưới cơ thể của mình. Trang kể: "Gió mạnh, nước mưa làm son phấn trên mặt nhạt nhòa, áo mưa bay phấp phới khiến chiếc váy cũng tung bay theo. Nhiều người đi đường chứng kiến cứ dán mắt vào nhìn. Đi qua đoạn có một đám đông tụ tập vì chết máy họ còn ồ lên một tiếng rất to khiến tôi ngượng chín mặt. Trong lúc ấy, tôi quan sát còn có nhiều người lôi điện thoại ra quay chụp, không biết có bị đưa lên mạng không?".
Còn chị Phạm Thị Huyền (29 tuổi, ngụ Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội) lại ở trong tình huống bi hài, không biết phải xử lý thế nào với người bạn trai lần đầu hẹn hò. Tối ngày 18/8, chị Huyền rời công ty lúc trời mưa tầm tã, nhiều tuyến phố ngập lụt.
Đi qua vùng nước sâu, chiếc xe của chị Huyền "chết" máy buộc chị phải xuống dắt. Không biết, số phận run rủi thế nào đẩy chị Huyền đi vào đúng hố thoát nước khiến nước ngập nửa người, lọt thỏm xuống hố. "Rất may những người bên cạnh đã kịp với tay cho mình bám vào chứ không biết chuyện gì đã xảy ra. Tuy vậy, điện thoại, máy tính đều hỏng cả. Chân còn bị đau, cả người xước xát hết khiến mình phải hủy cuộc hẹn với người bạn trai. Mãi đến tối muộn mới có thể liên lạc được với bạn ấy thì được biết bạn vẫn đang ở chỗ hẹn đợi mình" - chị Huyền thất vọng.
Cuối tháng 5 vừa qua, TP. Hà Nội mưa liên tục đã khiến các tuyến phố ngập chìm trong biển nước. Trước tình trạng ngập lụt, nhiều người đi làm đã phải bì bõm lội nước vì xe cộ chết máy, nhiều tuyến đường tắc cứng. Cũng vì thế mà hình ảnh “soái ca mặc sơ mi trắng” cõng bạn gái bì bõm lội qua con đường ngập nước khiến cho dân mạng “phát ghen”. Ngay lập tức, một cuộc tìm kiếm 2 nhân vật trong bức ảnh được tổ chức rầm rộ khiến cuộc sống của nhân vật chính trong bức ảnh bị ảnh hưởng ít nhiều.
Hình ảnh “soái ca mặc sơ mi trắng” cõng bạn gái bì bõm lội qua con đường ngập nước. |
Kinh nghiệm chống bão cho các gia đình
Thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn phát đi vào hồi 23h ngày 18/8, khoảng 10h ngày 19/8, vị trí tâm bão ở trên vùng biển các tỉnh Hải Phòng - Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12-14. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 6-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-14, sóng biển cao từ 4-6m. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Từ đêm ngày 18/8 đến hết ngày 20/8, tiếp tục xảy ra mưa lớn diện rộng trên toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tổng lượng mưa cả đợt ở vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng, khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa-Nghệ An phổ biến 200-300mm, có nơi trên 400mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ...
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực phía Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao 2-4m, biển động.
Theo kinh nghiệm dân gian, ngoài việc theo dõi thường xuyên thông tin dự báo bão thì mỗi gia đình cần phải gia cố nhà cửa chắc chắn, bịt kín các lỗ thông gió, tránh cho gió thổi vào nhà. Hạn chế đi lại ngoài đường mức tức đối da, chặt tỉa cảnh trước khi bão đến, chốt cửa, chống chằng trong nhà, đằn mái nhà....
Theo tìm hiểu của PV, từ tối ngày 18/8, nhiều gia đình đã chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm trong mấy ngày bão để không phải ra ngoài.
Kinh nghiệm dân gian nói rằng: Nhìn trời lúc hoàng hôn do mây phía tây khuếch tán có màu sắc nên dân gian gọi là ráng (ráng vàng thì nắng, ráng trắng thì gió, ráng đỏ thì mưa); nhìn cây (măng tre mọc chui đầu vào giữa khóm, lá cây cỏ ống có ngấn (móp) đầu lá, thì có bão sẽ xảy ra); nhìn con (Ong vò vẽ làm tổ sát đất thì có bão, làm tổ trên cây cao thì có lụt),...
Kinh nghiệm về lụt: Có khi ở đồng bằng ít mưa, nhưng mây dày, gió đông bắc mạnh không thấy núi Trường Sơn thì mưa rừng nhiều và khả năng lụt lớn dễ xẩy ra. Sau khi bão, lụt xảy, ra mà nhìn về phía tây thấy núi Trường Sơn là hết mưa. Khi lụt to mà gió chuyển hướng tây bắc, có sấm ở biển thì nước sẽ rút,...
Nhà ở của người dân khu vực miền trung thường làm nhà hình bánh ít (bốn mái), tường thấp. Nếu là nhà gỗ, trong nhà thường có rầm thượng (có tấm lát trên xà nhà, giữa 4 cột nhất gọi là tra, dày 5cm, dài 2,5-3m), rầm hạ (tấm lát sàn nhà dày 5cm, dài 2,5-3m). Nếu là nhà tranh tre thì cũng có vài cây tre, dài hơn các cột trong nhà, có đục con xỏ, chuẩn bị sẵn để khi có bão thì dùng để chống đỡ.
Trên gác bếp có vài chục sợi dây tre, dây mây chún (vặn) dài 2-3 m/sợi, một bó lạt tre dài hơn 1m/sợi để sẵn. Khi có hiện tượng thời tiết bất lợi thì có thêm mấy bó củi, bao trấu, bao khoai luộc, chai muối, ớt, hủ mắm, gạo, nước,...
Từ những kinh nghiệm trên, kết hợp với những phương tiện hiện đại ngày nay, ta có thể chủ động phòng tránh có hiệu quả hơn.
>>> Mời quý độc giả xem video Xe ngược dòng lũ (nguồn Youtube):