Nhân dân Phú Thọ cắm chông chống quân Pháp nhảy dù trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947. Ảnh: ST. |
Chiến thắng sông Lô năm 1949
Thắng lợi trên sông Lô khiến khí thế hào hùng của dân tộc ta bật dậy, cổ vũ toàn dân ta quyết tâm kháng chiến thắng lợi. Thắng lợi này chẳng những đã góp phần bẻ gãy gọng kìm bao vây phía Tây căn cứ địa Việt Bắc của Pháp, mà còn tác động mạnh vào việc phá tan kế hoạch tấn công mùa đông của địch.
Đánh giá về chiến thắng sông Lô, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng đã viết: "Những trận đánh vô cùng anh dũng của quân và dân ta trên sông Lô và trên con đường Tuyên - Hà tuy chỉ tiêu diệt được trên 1.000 tên tinh nhuệ địch, nhưng khiến cho binh lính, sĩ quan địch mất tinh thần. Chẳng những nó làm sai kế hoạch của địch mà còn phá một phần lớn kế hoạch tấn công Việt Bắc. Giá trị của trận sông Lô chính là ở chỗ đó".
Chiến thắng sông Lô khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh do Đảng ta chủ trương và lãnh đạo là hoàn toàn đúng đắn. Đó còn là sự sáng tạo trong nghệ thuật chiến tranh của quân và dân ta, biết kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc.
Chiến thắng sông Lô là chiến thắng đầu tiên của quân và dân Phú Thọ phối hợp với bộ đội chủ lực và quân dân 2 tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954).
Chiến thắng Biên Giới năm 1950
Sau 29 ngày đêm chiến đấu quyết liệt (16/9 đến 14/10/1950), chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 đã giành thắng lợi vang dội.
Ngày 7/7/1950, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch giải phóng vùng biên giới Đông Bắc tại khu vực Cao Bằng - Lạng Sơn, lấy mật danh là Chiến dịch Lê Hồng phong II, tiến công phòng tuyến của địch trên đường số 4, tập trung vào khu vực Cao Bằng - Thất Khê. Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy mặt trận và Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch.
Các đơn vị tham gia Chiến dịch biên giới 1950 làm lễ xuất phát, lên đường ra mặt trận. |
Đây là lần đầu tiên sau bốn năm kháng chiến ta mở một chiến dịch tiến công lớn, đánh vào tuyến phòng thủ mạnh của địch, nhằm thực hiện những mục tiêu chiến lược quan trọng.
Chiến thắng Biên Giới Thu Đông 1950 đánh dấu một bước tiến nhảy vọt của Quân đội ta về nghệ thuật chiến dịch. Lần đầu tiên ta mở một chiến dịch quy mô lớn, đánh tập trung chính quy, hiệp đồng binh chủng với lực lượng gần ba vạn cán bộ, chiến sĩ, huy động hàng vạn dân công, tiến công vào một hệ thống phòng ngự mạnh của địch trên tuyến dài hàng trăm km, đánh liên tục cả tháng. Qua đó, chứng tỏ trình độ chỉ huy và trình độ chiến thuật, kỹ thuật của bộ đội ta có bước trưởng thành vượt bậc; trở thành nguồn động viên to lớn đối với quân và dân ta.
Chiến dịch Tây Bắc năm 1952
Chiến thắng Tây Bắc (Thu Đông 1952) trực tiếp mở ra những tiền đề thuận lợi để quân và dân ta giành thắng lợi to lớn trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ ngay trên chiến trường Tây Bắc.
Từ ngày 14/10 đến 10/12/1952, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta tổ chức thực hiện thành công Chiến dịch Tây Bắc, giáng đòn nặng nề vào chính sách xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta phát triển vững chắc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cộng sự nghiên cứu sa bàn chuẩn bị đánh đồn nghĩa Lộ trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952. |
Bộ Chính trị đề ra ba nhiệm vụ cụ thể của Chiến dịch Tây Bắc: 1- Tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; 2 - Tranh thủ nhân dân; 3 - Giải phóng một bộ phận đất đai Tây Bắc. Ba nhiệm vụ có mối quan hệ biện chứng với nhau, trong đó tiêu diệt sinh lực địch là nhiệm vụ chính.
Ngay từ tháng 2/1952, Bộ Chính trị đã họp bàn và có ý định sơ bộ mở chiến dịch trên hướng Tây Bắc. Nhưng mọi công việc chuẩn bị chính thức bắt đầu từ tháng 4/1952, trước chiến dịch diễn ra khoảng 5 tháng.
Chiến dịch Tây Bắc đã giành được thắng lợi to lớn. Ta diệt và bắt hơn 6.000 địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng (khoảng 30.000km2 với 250.000 dân), nối liền vùng giải phóng Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào, giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng của địch, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của quân Pháp trên toàn chiến trường Đông Dương.
Chiến thắng Tây Bắc 1952 trực tiếp mở ra những tiền đề thuận lợi để quân và dân ta giành thắng lợi to lớn trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ 1954.
Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954
Chiến thắng Điện Biên Phủ, đánh dấu kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm (1945 - 1954), đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ tự lực cánh sinh.
Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, phương châm tác chiến là “đánh chắc, tiến chắc”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trực tiếp làm Tư lệnh chiến dịch.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”, cả nước dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Ngày 13/3/1954 quân ta mở đợt tiến công thứ nhất vào cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 5 ngày chiến đấu, tiêu điểm hai cứ điểm Him Lam và Độc Lập.
Ngày 30/3/1954, quân ta mở đợt tấn công thứ hai, đánh đồng loạt các ngọn đồi phía đông của phân khu trung tâm, tiêu diệt 2.500 tên địch, chiếm lĩnh phần lớn các ngọn đồi phía đông.
Ngày 1/5/1954, ta mở đợt tấn thứ ba đánh chiếm những cứ điểm còn lại làm tiền đề để tiêu diệt nốt đồi A1 và C2.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu, vượt qua muôn vàn gian khổ, “gan không núng, chí không mòn”, đến chiều ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng!
Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu thời khắc của chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu. |
Mời độc giả xem video Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. Nguồn: VTV1.