Họ từng được coi là những “tấm gương”, những “đại gia” được biết bao người mến mộ vì tài năng, đức độ. Thế nhưng, chỉ trong phút chốc mọi thứ đều sụp đổ vì những quyết định sai lầm, vi phạm pháp luật, gây tổn hại lớn cho ngành ngân hàng, cho nền kinh tế. Không chỉ là những án tù với vài chục năm mà nay, đã có người phải lĩnh án tử hình.
Ai là TGĐ ngân hàng đầu tiên bị tử hình?
Không ai khác, đó chính là Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng OceanBank. Bị cáo Sơn vừa nhận mức án nghiêm khắc nhất vào ngày hôm qua (29/9) vì những sai phạm khi còn làm lãnh đạo ở Ngân hàng TMCP Đại Dương.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại tòa sáng ngày hôm qua. |
Nguyễn Xuân Sơn (sinh 1962, tại Hà Tĩnh), nguyên là Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng OceanBank và nguyên là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam).
Từ năm 2003 đến tháng 10/ 2006, Sơn làm Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), sau đó là Tổng giám đốc PVFC đến tháng 5 năm 2007.
Từ tháng 12 năm 2008 đến tháng 11/2010, Sơn được bổ nhiệm và nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc OceanBank. Năm 2011, Sơn thôi chức Tổng giám đốc OceanBank.
Ngày 8 tháng 7 năm 2014, Sơn được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên PetroVietnam.
Ngày 19/7/2015, theo đề nghị của Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1105/QĐ-TTg về việc cho thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đối với ông Sơn.
Ngày 21/7/2015, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở của ông Nguyễn Xuân Sơn khu đô thị Ciputra, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, Hà Nội. Sau đó, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã bắt tạm giam để điều tra ông Nguyễn Xuân Sơn.
Nguyễn Xuân Sơn với khuôn mặt buồn bã rời tòa sau khi bị tuyên phạt án tử hình. |
Quyết định bắt tạm giam ông Sơn do Viện Kiểm sát tối cao phê chuẩn với tội danh (ban đầu) "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng"; "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Sau này, đổi thành tội “Tham ô tài sản”; “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”
Với những tội danh nghiêm trọng trên, ngày 29/9/2017, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Xuân Sơn (55 tuổi, tại Hà Tĩnh, nguyên TGĐ OceanBank): Tử hình tội Tham ô tài sản; chung thân tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; 17 năm tù tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng cộng chung 3 tội tử hình.
Ông Nguyễn Xuân Sơn trở thành vị Tổng Giám đốc đầu tiên của ngành ngân hàng lãnh án tử hình. Trước ông, đa số các lãnh đạo ngành ngân hàng khi có sai phạm chủ yếu mang hình phạt có thời hạn.
Đau lòng nữ tướng ngành ngân hàng
Cùng với Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu – Tổng Giám đốc OceanBank (kế nhiệm Sơn) cũng nhận mức hình phạt thích đáng cho những sai phạm của mình.
Nguyễn Minh Thu cười gượng gạo sau khi rời tòa. |
Nguyễn Minh Thu (SN 1973, trú tại Ba Đình, Hà Nội) - nguyên Phó Tổng giám đốc, rồi Tổng giám đốc Oceanbank. Bà Thu bị bắt đầu năm 2015 với cáo buộc cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể, từ năm 2010 các bị can Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc Oceanbank) đã bàn bạc, thống nhất đưa ra chủ trương chi lãi suất huy động vốn ngoài hợp đồng cho các khách hàng trên toàn bộ hệ thống của Oceanbank.
Từ chỉ đạo của Thắm và Sơn, các bị can Nguyễn Minh Thu, Lê Thị Thu Thủy (SN 1977,trú ở quận Thanh Xuân, Hà Nội nguyên Phó Tổng giám đốc Oceanbank), Nguyễn Thị Minh Phương (SN 1975, ở Đống Đa, Hà Nội, nguyên Phó Tổng giám đốc Oceanbank) đã chỉ đạo các khối ban nghiệp vụ thuộc Hội sở Oceanbank thực hiện chi lãi ngoài hợp đồng huy động vốn, gây thiệt hại cho Oceanbank gần 1.600 tỷ đồng.
Ngày 29/9/2017, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Minh Thu (44 tuổi, nguyên Tổng giám đốc - Chủ tịch HĐQT Oceanbank): 9 năm tù tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; 19 năm tù Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng cộng 22 năm tù, tính từ ngày tạm giam 26/1/2015.
Đại án Agribank và cái kết của TGĐ Phạm Thanh Tân
Trước Nguyễn Minh Thu và Nguyễn Xuân Sơn, cuối năm 2016, cơ quan pháp luật đã tuyên phạt mức án nặng nhất giành cho các lãnh đạo của ngân hàng Agribank, trong đó có một tổng giám đốc.
Sáng 27/12/2016, TAND cấp cao tại Hà Nội quyết định bác đơn kháng cáo của 8 bị cáo trong đó có Phạm Thanh Tân (61 tuổi, cựu Tổng giám đốc Agribank), Phạm Thị Bích Lương (47 tuổi, cựu Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội).
Cựu TGĐ Agribank lĩnh 22 năm tù. |
Phạm Thanh Tân (61 tuổi, cựu Tổng giám đốc Agribank) bị giữ nguyên mức án sơ thẩm, lĩnh 22 năm tù tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Án được giữ nguyên so với phiên sơ thẩm.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Công ty Cổ phần Enzo Việt thành lập tháng 7/2007, đăng ký đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Dệt - nhuộm - may công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình với số vốn gần 530 tỷ đồng. Qua 4 lần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư và cổ đông góp vốn, đầu năm 2011, Enzo Việt đổi tên thành Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam, dự án đổi tên thành Luxfashion.
Thông qua hai công ty ký hợp đồng liên kết nhập khẩu phụ liệu may mặc cho dự án là Công ty Cổ phần Lifepro Việt Nam và Công ty cổ phần Vietmade (cùng do Lê Minh Hiếu làm giám đốc), Liên doanh Lifepro Việt Nam bị cáo buộc tạo lập hồ sơ khống vay vốn mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang... nhằm vay tiền của Agribank Nam Hà Nội.
5 người nước ngoài gồm Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada), Yang Yong (quốc tịch Trung Quốc), Boubker El Fehdi (quốc tịch Canada), Driss Bouchama (quốc tịch Canada) và Manuela Polga (quốc tịch Italy) quản lý Liên doanh Lifepro Việt Nam bị quy kết trong thương vụ này đã chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng, hiện đã trốn khỏi Việt Nam. Cơ quan điều tra đã khởi tố các đối tượng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tách riêng hồ sơ xử lý sau.
Cáo trạng quy kết, để xảy ra việc chiếm đoạt của các bị can trên do một số cán bộ Agribank đã lập hồ sơ đề nghị nâng quyền phán quyết cho vay đối với công ty liên doanh Lifepro Việt Nam không có căn cứ, thẩm định hồ sơ và bỏ qua các điều kiện giải ngân, cho vay.
Bà Phạm Thị Bích Lương (nguyên giám đốc Agribank Nam Hà Nội) bị quy kết là người chỉ đạo và trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình cho vay sai quy định dẫn đến thiệt hại tiền vốn của Agribank Nam Hà Nội. Bà Lương phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả vi phạm cho vay số tiền hơn 2.000 tỷ đồng.
Việc để thất thoát nghìn tỷ của Agribank cũng bị quy trách nhiệm cho ông Phạm Thanh Tân (nguyên tổng giám đốc Agribank); Hoàng Anh Tuấn (nguyên Uỷ viên HĐQT).
Theo cơ quan công tố, ông Tân thiếu trách nhiệm trong việc ký tờ trình đề nghị nâng quyền phán quyết cho Agribank Nam Hà Nội cho vay đối với công ty CP Lifepro Việt Nam liên kết nhập khẩu nguyên liệu phục vụ dự án Dệt - nhuộm - may của công ty CP Enzo Việt. Ông Tân còn bị quy kết thiếu trách nhiệm khi ký trình HĐQT ban hành nghị quyết và thiếu kiểm tra, giám sát cấp dưới thực hiện... Tổng cộng, ông Tân phải chịu trách nhiệm về số tiền thiệt hại gần 2.100 tỷ đồng của Agribank.
TGĐ VNCB: Một bước lên hương, nửa đường tù tội
Một chuyên gia bất động sản bất ngờ trở thành lãnh đạo ngân hàng. Tuy nhiên, con đường đến với lĩnh vực kinh doanh buôn bán tiền đã không hề suôn sẻ. Phan Thành Mai là một trong những cái tên khiến người ta cảm thấy tiếc nuối nhất trong “đại án Phạm Công Danh” xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Trước khi gia nhập Ngân hàng Xây dựng, ông Mai (1971) được biết đến nhiều trong lĩnh vực BĐS với vai trò là Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) và là người thường xuyên tiếp xúc với giới truyền thông báo chí.
Ông Phan Thành Mai cũng được biết đến là người hồi đầu 2013 đã đưa ra kiến nghị cần phải có các chính sách hỗ trợ thị trường BĐS như: giảm lãi suất, phát triển nhà xã hội, hỗ trợ các dự án BĐS dở dang, giảm thuế cho DN BĐS,... trong bối cảnh thị trường BĐS ở vào thời điểm rất khó khăn.
Vai trò của ông Phan Thành Mai đã thay đổi sau khi chuyên gia này bất ngờ có tên trong danh sách bầu cử vào HĐQT Ngân hàng TrustBank (tên cũ của VNCB) vào thời điểm nhà băng này được liệt trong danh sách 9 NH yếu kém cần tái cấu trúc.
Sự kiện ra đời VNCB hồi cuối tháng 5/2013 cùng với việc ông Mai được bổ nhiệm là TGĐ thực sự đã đốt nóng dư luận, bởi trước đó, ý tưởng về việc cho ra đời một NH xây dựng hơn một năm trước đó với mục đích mở van nguồn vốn cho các DN (trong bối cảnh thị trường BĐS đóng băng) đã bị dập tắt với sự quyết liệt của người đứng đầu ngành NH.
Ông Mai từng là chuyên gia bất động sản có tiếng trước khi xộ khám. |
Chỉ hơn 1 năm sau đó, cuối tháng 7/2014, ông Phan Thành Mai, nguyên thành viên HĐQT, nguyên TGĐ Ngân hàng Xây dựng đã bị Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam. Cuối tháng 11/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có thông báo chính thức về kết quả điều tra vụ án. Phan Thành Mai và Phạm Công Danh là 2 cái tên bị truy tố cả 2 tội danh nói trên.
Trong cáo trạng của VKSNDTC, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", gây thiệt hại cho VNCB tổng số tiền là hơn 7 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, các đối tượng còn "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", gây thiệt hại cho VNCB hơn 2 ngàn tỷ đồng.
VNCB tiền thân là Ngân hàng nông thôn Rạch Kiến, được chuyển đổi lên mô hình đô thị năm 2006 với tên gọi mới là Đại Tín (TrustBank). Sau đó, Tập đoàn Thiên Thanh (của ông Phạm Công Danh) cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành VNCB có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ. Dưới thời điều hành của Phạm Công Danh và Phan Thành Mai, VNCB bị âm vốn điều lệ.
Ngày 24/1/2017, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên phạt bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) 22 năm tù.