Trải dài qua lãnh thổ 5 quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Bhutan, Nepal và Trung Quốc, dãy Himalaya từng chứng kiến nhiều cuộc xung đột liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biên giới của các nước, đặc biệt là giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Trung Quốc và Ấn Độ giáp nhau trên 3.550 km, được phân cách bởi dãy núi Himalaya hiểm trở và vùng cao nguyên Tây Tạng. Sau khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát Tây Tạng năm 1950, hai vùng đệm hiện nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước Nepal và Bhutan, nằm ở phía nam dãy Himalaya. Ba khu vực này vẫn là điểm nóng xung đột giữa Bắc Kinh và New Delhi.
Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ tiếp diễn sau cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962. Ảnh: IndiaToday. |
Ấn Độ và Trung Quốc từng cam kết giải quyết vấn đề biên giới lâu năm thông qua đối thoại song không đạt được tiến triển. Hai bên vẫn đang tranh chấp chủ quyền tại khu vực Arunachal Pradesh/Nam Tây Tạng ở Himalaya kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962.
Mới đây, những hoạt động của Trung Quốc như đẩy mạnh khai khoáng và xây dựng các cơ sở hạ tầng tại khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ trên dãy Himalaya khiến dư luận lo ngại về một điểm nóng xung đột mới trên xuất hiện trên dãy núi cao nhất thế giới này.
Tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam (SCMP) dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động khai khoáng tại khu vực này có thể là một phần của kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm giành lấy bang Arunachal Pradesh vốn thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền đối với phần lớn bang này và gọi là Nam Tây Tạng.
Theo Giáo sư Zheng Youye đến từ Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc ở Bắc Kinh, những quặng khoáng sản mới được phát hiện tại huyện Lhunze thuộc khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc, sát biên giới với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, có thể thay đổi cân bằng quyền lực giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên dãy Himalaya.
Ngoài ra, việc khai khoáng có thể khiến số người Trung Quốc hiện diện tại Himalaya gia tăng đáng kể, dần dần đẩy lực lượng Ấn Độ ra khỏi vùng lãnh thổ đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Hồi tháng 8/2017, Reuters đưa tin, đụng độ Trung-Ấn đã xảy ra ở phía tây dãy Himalaya, khi binh sĩ Ấn Độ nỗ lực ngăn chặn một nhóm lính Trung Quốc cầm theo gậy sắt và đá, đi vào khu vực Ladakh, gần hồ Pangong của Ấn Độ. Cuộc ẩu đả đã khiến binh sĩ hai bên đều bị thương nhẹ.
Mời độc giả xem thêm video: Ấn Độ và Pakistan đấu súng dọc biên giới năm 2013. (Nguồn: VTC14)
Được biết, trước khi vụ xô xát xảy ra, căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại vùng đất xa xôi ở dãy núi Himalaya này đã âm ỉ suốt hơn một tháng. Hồi tháng 6/2017, Bhutan phát hiện công nhân Trung Quốc đang mở rộng con đường trên núi và ngay lập tức, Ấn Độ điều quân đội và vũ khí tới đây, nhằm ngăn chặn hành động được cho là “gây căng thẳng khu vực” của Bắc Kinh. Đáp trả, Trung Quốc cũng điều quân tới khu vực này.
Trong tháng 5/2014, Ấn Độ tăng cường hiện diện quân sự trên dãy núi Himalaya với việc xây dựng một quân đoàn mới có khả năng tác chiến trên núi với hơn 90.000 binh sĩ để tăng cường phòng thủ dọc theo biên giới tranh chấp với Trung Quốc.
Hồi năm 1967, cuộc đụng độ quân sự Nathu La và Cho La đã xảy ra giữa Ấn Độ và Trung Quốc dọc biên giới “Vương quốc Sikkim” trên dãy Himalaya. Kết quả, binh sĩ Trung Quốc đã phải rút khỏi Sikkim và hiện nay khu vực này trở thành một bang thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ.