Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2016-2017 với giáo dục đại học, câu chuyện trường công an, quân đội có điểm đầu vào cao được nhắc đến là mô hình đào tạo đáng học hỏi.
Kỳ tuyển sinh 2017, điểm chuẩn D01 đối với nữ ngành Ngôn ngữ Anh (Học viện An Ninh Nhân dân) lên đến 30,5. Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Quân y cũng có ngành lấy 30 điểm.
Hệ quả tất yếu
Lý giải về việc điểm chuẩn các trường công an, quân đội năm nay cao, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho rằng chỉ tiêu của các trường quân đội ít, cộng thêm chính sách bao cấp trong quá trình học và đảm bảo đầu ra cho sinh viên nên thu hút thí sinh giỏi. Đây là tương quan giữa chỉ tiêu được tuyển và nhu cầu giữa những người tham gia tuyển.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng các ngành khác như sư phạm nên học tập ngành công an, quân đội về việc giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường để tăng điểm đầu vào của thí sinh.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng thông tin sắp tới, trường công an và quân sự sẽ không đào tạo hệ dân sự, chỉ tập trung khối quân sự. Chính vì thế, năm vừa rồi, Bộ Công an giảm 54% chỉ tiêu, Bộ Quốc phòng giảm 32% chỉ tiêu. Đây là một trong những điểm sáng trong định hướng đào tạo của khối trường công an, quân đội.
Ông Lương Công Nhớ - Hiệu trưởng ĐH Hàng Hải Việt Nam - lý giải việc học sinh giỏi lựa chọn các trường công an, quân đội là hệ quả tất yếu.
“Nhiều thí sinh lựa chọn trường công an quân đội vì các chính sách thu hút như không mất học phí, có phụ cấp, bố trí chỗ ăn ở, ra trường có việc làm thay vì đam mê", ông Nhớ nêu quan điểm.
TS Phạm Đức Tú, Phó cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng. Ảnh: Quyên Quyên. |
Theo hiệu trưởng ĐH Hàng Hải, đây là điều đáng lo ngại khi gây mất cân bằng ngành nghề, bởi ngoài lực lượng công an, quân đội còn nhiều những ngành khác cần thí sinh có năng lực, trí tuệ.
GS Dương Quang Khánh - Phó hiệu trưởng ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị, Hà Nội - cho rằng học sinh điểm cao chọn vào trường công an, quân đội là bình thường, phù hợp nguyện vọng của các em.
“Tôi nghĩ không phải thí sinh nào cũng chăm chăm vào lực lượng vũ trang. Hiện nay, tất cả ngành nghề đều cần người tài. Theo yêu cầu thị trường, ngành nghề nào cũng đòi hỏi nhân lực chất lượng cao, tầm vóc quốc tế. Vì vậy, nơi nào có nhiều ưu đãi, nơi đó sẽ thu hút thí sinh", ông Khánh bày tỏ.
Vị hiệu trưởng khẳng định điểm chuẩn các trường công an, quân đội cao là do luật cung - cầu của thị trường đào tạo.
Nâng cao chất lượng trường quân đội
TS Phạm Đức Tú, Phó cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng, cho biết Ban chỉ huy tuyển sinh quân sự nhất trí cao với phương án thi và xét tuyển THPT quốc gia 2017 của Bộ GD&ĐT. Năm nay, các trường quân đội lấy dư 10 chỉ tiêu trong đó có 7 chỉ tiêu nữ, số chỉ tiêu này không xét tiêu chí phụ.
Cũng trong mùa tuyển sinh 2017, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện đã gặp một số trường hợp trục trặc về hồ sơ. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo triển khai để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh và đảm bảo đúng quy chế.
TS Phạm Đức Tú thông tin chiến lược của Bộ Quốc phòng trong công tác giáo dục đào tạo từ năm 2011-2020 là định hướng các trường phát triển, đổi mới chương trình theo hướng liên thông và sát với thực tiễn, đặc biệt trong các điều kiện chiến đấu vào ban đêm, đa dạng thời tiết.
Đồng thời, năm vừa qua, Bộ Quốc phòng nâng cao chất lượng giảng viên theo chuẩn hóa chứng chỉ sư phạm của Luật giáo dục, chú trọng dạy và học ngoại ngữ, tiến tới năm 2019 các trường quân đội sẽ có môn thi tốt nghiệp là ngoại ngữ.
Thời gian tới, Học viện Quân y sẽ có luận án bảo vệ tiến sĩ bằng tiếng Anh. Nhiều trường trong khối quân đội hô cao khẩu hiệu song ngữ. Bộ Quốc phòng sẽ có các đoàn phúc tra để kiểm tra, đánh giá chất lượng ngoại ngữ để các trường biết vị trí hiện tại nhằm mục đích thi đua.