Theo Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, đến 18h hôm nay (1/12), tại Phú Yên, nước lũ đang rút nhanh, chỉ còn 12.450 nhà ngập trên 0,5m-1m và 5.330 nhà ngập nhẹ tại 5 huyện, thị xã là Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, Đồng Xuân.
Còn tại tỉnh Bình Định, có 12.695 nhà bị ngập 0,3-0,6m tại 4 huyện, thành phố là TP Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn. Còn tỉnh Khánh Hòa, nước lũ đã rút, cơ bản không còn nhà bị ngập, chỉ một số khu vực ngập nhẹ khoảng 0,2m.
Đáng chú ý, trong hôm nay có 2 người chết và mất tích do mưa lũ, nâng tổng số người chết và mất tích trong đợt mưa lũ lần này lên thành 12 người. Trong đó, Bình Định có 3 người; Phú Yên có 6 người; Kon Tum có 1 người; Đắc Lắc có 2 người.
Đặc biệt, có 3 tàu bị chìm (Bình Định có 1 tàu; Phú Yên có 1 tàu, Khánh Hoà có 1 tàu) và 2 sà lan (Khánh Hòa) đang thi công đập ngăn mặn sông Cái bị nước lũ cuốn trôi. Lực lượng cứu hộ cứu nạn đang xử lý di dời khỏi khu vực nhằm đảm bảo an toàn.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, đợt mưa lũ lần này tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định xấp xỉ mức lịch sử năm 1993 và 2013. |
Ngoài ra, 1 tàu cá Nghệ An mang biển NA 93553 gặp tai nạn trên biển khi bị nước tràn vào khoang làm chìm tàu khiến 5 thuyền viên mất tích. Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đang chuẩn bị điều động tàu CN 9 tham gia tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên bị mất tích.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, mưa lũ đã gây ngập và sạt lở, ách tắc hàng loạt tuyến đường như quốc lộ (QL) 14H, 40B, Trường Sơn Đông (Quảng Nam); QL 24, 24C (Quảng Ngãi); QL 1 (tuyến tránh An Nhơn) và một số vị trí tại QL27C (huyện Khánh Vĩnh, Bình Định)…và một số tuyến đường giao thông nông thôn.
Đến nay, có 775 ha lúa, 617ha hoa màu của người dân Nam Trung Bộ - Tây Nguyên bị thiệt hại; 2.858 gia cầm ở Bình Định, Phú Yên bị lũ cuốn trôi. Hơn 66.000 học sinh ở Bình Định nghỉ học và 55 trường bị ảnh hưởng.
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, hiện nước bắt đầu rút nhưng ngập vẫn còn trên diện rộng. Do đó, các địa phương cần chủ động rà soát, người dân cần phải đi bệnh viện phải bố trí phương tiện đưa đón, tránh để xảy ra việc bà con đi tự phát dẫn đến tai nạn đáng tiếc.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương tập trung khắc phục hậu quả, đồng thời thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn, bị thiệt hại, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa hư hỏng để người dân sớm trở lại hoạt động bình thường trong thời gian sớm nhất.