Gần đây, có nhiều ý kiến than phiền là “Tết ngày càng nhạt”, Tết làm cho nhiều người mệt mỏi, tốn kém, công việc đình đốn, nhiều người bày tỏ cảm xúc "sợ Tết", "ghét Tết"…Những ý kiến đó không phải không có căn cứ. Quả thật, tết đến, phụ nữ quay cuồng với công việc nội trợ, mua sắm, cúng bái, rồi mời mọc khách khứa, đối nội đối ngoại. Đàn ông, chìm trong rượu chè, chúc tụng, trẻ con chơi game, ngủ vùi…Rồi trùng điệp các lễ hội, nghi thức, những hoạt động mê tín dị đoan…
Tết đem lại hứng khởi cho nhiều người, cũng làm nhiều người mệt mỏi (Ảnh minh họa IT) |
Cấp dưới tranh thủ hối lộ cấp trên, người trần hối lộ thánh thần, quay cuồng trong vòng xoáy tiền bạc, vật chất, danh vọng, nịnh bợ… Nhiều hành vi, hiện tượng đang ngày càng rời xa cái gốc văn hóa, nhân văn của tết cổ truyền.
Tuy nhiên, từ góc nhìn lịch sử, những mặt trái, tệ nạn nói trên, đã tồn tại, song hành hàng trăm năm nay cùng với Tết Nguyên đán. Thậm chí, tình trạng hủ tục, mê tín dị đoan, phiền hà của tết xưa còn nặng nề hơn tết nay.
Cuộc sống thay đổi, dĩ nhiên cách ăn tết của chúng ta cũng thay đổi theo. Một quy luật là nhiều giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống đang mai một dần; đồng thời, cộng đồng tiếp thu những giá trị, sắc màu văn hóa mới, cách ứng xử mới.
Thay vì ăn tết cùng gia đình, nhiều bạn trẻ chọn cách ăn tết “phượt”, nhiều gia đình ở thành phố không về quê hay ăn tết cùng khối phố mà tổ chức đi du lịch để khám phá, nghỉ dưỡng. Cỗ bàn, nghi thức cúng ngày tết đã đơn giản hơn, vì bây giờ miếng ăn đã no đủ quanh năm.
Bên cạnh các món ăn truyền thống, còn có nhiều món ăn, thức uống du nhập từ nước ngoài. Phong tục tảo mộ nhiều nơi cũng khác trước, vì mộ gia tiên đã xây cất khang trang. Thay vì trực tiếp gặp chúc tết, bạn bè có thể chúc tết qua tin nhắn, điện thoại, mạng xã hội…
Tết đã thay đổi và còn sẽ tiếp tục thay đổi nữa. Chúng ta khó có thể hình dung, vài chục, trăm năm sau, cộng đồng sẽ ăn tết như thế nào. Tuy nhiên, chúng tôi có niềm tin về một Tết Nguyên đán mang giá trị văn hóa và nhân văn sâu sắc sẽ mãi đồng hành cùng cộng đồng Việt, đồng thời, người Việt ăn tết sẽ ngày càng văn minh hơn. Và tết sẽ không phải là lực cản, mà là nền tảng, động lực phát triển xã hội.
Mời quý độc giả xem video Những nỗi sợ trong ngày Tết và cách giải quyết - Nguồn: Huy Cung Official