Theo nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản, bộ quốc phòng nước này có kế hoạch thông qua một chiến lược sản xuất thiết bị quân sự mới vào tháng 3/2014, một phần của việc sửa đổi các chính sách hạn chế sản xuất đối với các doanh nghiệp trong nước kể từ năm 1970.
Chiến lược mới này sẽ mở đường cho Nhật Bản đảm nhận một vai trò lớn hơn trong hợp tác phát triển và sản xuất vũ khí với các quốc gia khác và cung cấp các thiết bị phi sát thương cho thị trường toàn cầu để sử dụng cho mục đích thương mại. Đây là sự thay đổi chiến lược đầu tiên trong suốt 43 năm thực thi lệnh cấm vận tự áp đặt xuất khẩu vũ khí Chính quyền Nhật Bản.
Theo quy định cũ, Nhật Bản bị cấm bán vũ khí cho các nước chịu lệnh cấm vận theo nghị quyết của Liên hợp quốc và các quốc gia tham gia vào các cuộc xung đột quốc tế.
Nhật Bản đang tiến tới việc hợp tác phát triển vũ khí với nước ngoài. |
Nhưng trong năm 2011, Nhật Bản đã thay đổi mạnh mẽ, Nhật Bản có thể tham gia phát triển vũ khí chung và sản xuất với các nước khác. Các chuyên gia cho rằng, việc xem xét lại các chính sách hiện hành về sản xuất thiết bị quốc phòng và lệnh cấm vận vũ khí phản ánh mong muốn của Nhật Bản trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh với các nước khác trong bối cảnh sự quyết đoán trên biển của Trung Quốc gia tăng và tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Theo chính sách mới, Nhật Bản sẽ phân loại các thiết bị quốc phòng, xác định rõ các thiết bị được phát triển chung cùng với các nước khác với các thiết bị có thể được tiếp tục sản xuất trong nước. Trong số các thiết bị được coi là phù hợp cho phát triển quốc tế chung là máy bay, trang bị bảo hộ phòng hoá, thiết bị radar và vũ khí liên quan đến phòng thủ tên lửa.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tiếp thị ở thị trường nước ngoài các thiết bị nhất định, như máy bay tìm kiếm và cứu nạn US-2, xe tải của lực lượng phòng vệ mặt đất, và các thiết bị phi sát thương như thiết bị khử độc.
Nhật Bản nhiều lần nhắc tới việc nước này xuất khẩu thủy phi cơ US-2. |
Liên quan đến hoạt động quân sự của Nhật Bản, ngày 9/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã đến căn cứ tàu ngầm Kyogamisaki (thành phố Kyotango, tỉnh Kyoto) để thị sát vị trí nơi mà Mỹ dự kiến sẽ triển khai lắp đặt hệ thống radar Band-X thứ hai để đối phó với mối đe dọa của tên lửa Triều Tiên.
Trả lời phỏng vấn, ông Itsunori Onodera cho biết, năm 2012 Triều Tiên đã tiến hành phóng thử nghiệm 2 tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, phương tiện truyền thông của Triều Tiên đã liệt Nhật Bản là mục tiêu có thể bị tấn công trả đũa, đồng thời ông khẳng định Triều Tiên vẫn đang tiếp tục phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo.
Trong chuyến thị sát, Bộ trưởng Itsunori Onodera đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của kế hoạch tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa và khẳng định rằng bất kỳ sự thất bại nào đối với việc cải tiến độ chính xác của radar sẽ ảnh hưởng tới hệ thống.