Tôi yêu dương xỉ bởi vẻ đẹp tiềm ẩn
Nhà khoa học nữ - TS. Lữ Thị Ngân (sinh năm 1983), công tác tại Phòng Sinh học, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là nữ nhà khoa học người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại một huyện vùng cao miền tây Nghệ An. Từ nhỏ chị đã gắn liền với cuộc sống nương rẫy và thiên nhiên. Có lẽ vì vậy mà tình yêu của chị dành cho rừng và cây cỏ đã có từ rất lâu.
TS. Lữ Thị Ngân trong chuyến đi tìm dương xỉ tại Pù Luông, Thanh Hóa |
TS. Lữ Thị Ngân kể: “Ngày xưa còn nhỏ ngày nào cũng ăn xôi nên người khỏe lắm, sáng sớm thường theo ông, mẹ lên rừng. Mọi người làm rẫy, còn tôi ngồi chơi, nằm bên cạnh rẫy chờ đến tối mịt mới quay về bản làng. Ngày đó, tôi nói tiếng Kinh còn không thạo”.
Chị kể thêm, may mắn khi học cấp 3, chị được cử đi học tại trường Dân tộc Nội trú Trung ương đóng tại Thái Nguyên. Tình yêu thiên nhiên ngấm vào máu nên chị đặc biệt thích môn Sinh học và từng đoạt giải khuyến khích học sinh giỏi Quốc gia.
Vào đại học, TS. Lữ Thị Ngân chọn Khoa Sinh học, trường Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội và về công tác tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam khi ra trường. Tại đây, chị quyết định chọn nghiên cứu về cây dương xỉ, nhóm cây nhỏ bé, không được nhiều người quan tâm.
TS. Lữ Thị Ngân cho hay, không chỉ không hương, không sắc, không hoa, quả, dương xỉ còn thuộc ngành rất khó trong nghiên cứu vì đặc điểm hình thái biến đổi nhiều, nhiều đặc điểm phải dùng kính lúp, kính hiển vi mới quan sát được, hơn thế, đối với ngành này hiện nay nghiên cứu ở nước ta rất ít nên thiếu cơ sở dữ liệu để tham khảo.
Đấy là chưa kể, trừ một vài loài dương xỉ mọc hoang ngoài đường mà chúng ta hay nhìn thấy, đa số các loài dương xỉ còn chưa được biết tới đều mọc ở khu vực núi cao, núi đá vôi hiểm trở.
“Vậy nhưng tôi vẫn yêu dương xỉ, bởi chúng mang vẻ đẹp mong manh sức sống mãnh liệt tiềm ẩn”, chị quả quyết.
Những giá trị “khủng”
TS. Lữ Thị Ngân cho biết, dù không hương, không sắc, không hoa, quả, nhưng dương xỉ mang lại những giá trị mà nhiều người không tưởng tượng được.
TS. Lữ Thị Ngân trong một chuyến thực địa. |
Dương xỉ là nhóm có vai trò rất quan trọng trong tiến trình tiến hóa và đa dạng sinh học vì chúng phân bố rộng rãi và chiếm nhiều môi trường sống. “Đây là nhóm thực vật có mạch lớn thứ hai và là một trong những loài thực vật trên cạn xuất hiện đầu tiên, khoảng 300-400 triệu năm trước”, chị cho biết.
Ngoài ra, dương xỉ có nhiều công dụng trong cuộc sống hàng ngày. Ít người biết rằng, dương xỉ chính là nguồn thức ăn chứa rất nhiều dinh dưỡng. Một số loài dương xỉ như đọt choại, bòng bong, móng bò... là nguồn thực phẩm quý giàu dinh dưỡng. Các củ mọng của một số loài dương xỉ còn có thể ăn để chống khát.
Nhiều loài dương xỉ có thể sử dụng để làm cây cảnh hoặc trang trí, thậm chí có thể khai thác sợi của cây dương xỉ để làm thủ công mỹ nghệ.
Đặc biệt, các nghiên cứu hóa thực vật trên cây dương xỉ đã tiết lộ rằng chúng chứa nhiều chất quý giá có thể sử dụng để bào chế thuốc. Trên thị trường, đã có nhiều sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ dương xỉ như viên uống chống nắng, dầu gội đầu giúp mọc tóc, dạng nước sắc giúp tăng sức đề kháng khi bị nhiễm virus, cải thiện chứng sa sút trí tuệ (Alzheimer).
Không chỉ cây dương xỉ có giá trị “khủng” mà những nghiên cứu của TS. Lữ Thị Ngân về cây dương xỉ cũng rất “khủng”.
Sau hơn 10 năm thầm lặng nghiên cứu, đến nay, TS. Lữ Thị Ngân đã công bố 5 chi mới, 30 loài dương xỉ mới cho khoa học và 37 loài bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu của chị đã đóng góp không nhỏ cho cộng đồng các nhà khoa học nghiên cứu dương xỉ trên toàn thế giới. Đồng thời, những kết quả này còn giúp nâng cao và khẳng định giá trị đa dạng sinh học của cây dương xỉ ở Việt Nam.
Công việc nào cũng có những nỗi niềm riêng
Liên tiếp có những bài báo đăng tải trên các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó có những tạp chí quốc tế có tên tuổi, liên tục có những công bố phát hiện loài mới, nhưng đằng sau đấy là những khó khăn, vất vả của người làm khoa học, nhất là nhà khoa học nữ.
Với TS. Lữ Thị Ngân công việc nào cũng có khó khăn và vất vả riêng. |
TS. Lữ Thị Ngân kể, đến nay, chị không nhớ mình đã đi bao nhiêu chuyến thực địa, băng qua bao nhiêu cánh rừng, trèo bao nhiêu ngọn núi.
Nhưng những chuyến đi này chưa là gì so với lần chị quyết định sang Viện Sinh học Thành Đô, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc để làm nghiên cứu sinh. Thời điểm đó, người bạn đời của chị là TS. Đỗ Văn Trường cùng công tác tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đang làm nghiên cứu sinh tại Đức. Và con gái chị mới tròn 3 tuổi. Cứ như thế trong vòng vài năm gia đình ba người ở ba nơi.
Gần đây, trên trang Facebook cá nhân, TS. Lữ Thị Ngân đăng một bức ảnh chụp ba người nhân ngày sinh nhật chồng với lời chú thích “Đây là lần đầu tiên cả gia đình bên nhau trong một dịp đặc biệt”. Dòng tâm sự đủ để thấm thía nỗi vất vả của những người làm khoa học.
Tuy nhiên, TS. Lữ Thị Ngân lại rất bình thản. Với chị công việc nào cũng có khó khăn vất vả, cũng có nỗi niềm riêng. Quan trọng là mình biết khắc phục để làm nghề và yêu nghề. Với chị làm khoa học không chỉ là công việc mà còn là đam mê và chắc chắn trong thời gian tới, những nghiên cứu về cây dương xỉ Việt Namsẽ tiếp tục được công bố tới các tạp chí quốc tế.