PGS.TS Phạm Văn Nho, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ông có một số sản phẩm từ nano có tính ứng dụng cao như khẩu trang nano, xịt nano khử khuẩn... Ban đầu, để được lưu hành trên thị trường phải mất quá nhiều thủ tục, ông tìm cách liên kết với các đối tác ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm. Vì là sản phẩm tốt, rẻ nên bán chạy, nhưng các thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu quá rườm rà, nên sau đó ông phải mở công ty riêng để bán. Có công ty, khâu phân phối lại vô cùng phức tạp, chiếm đến 50 - 60% giá thành sản phẩm. Ông tìm cách nhờ các dự án hỗ trợ phát triển khoa học, nhưng vẫn không tìm được lối ra.
Sản phẩm của các nhà khoa học vào thực tế gặp nhiều khó khăn. |
"Các dự án này rất khó tiếp cận, nó mang nặng tính xin cho. Mà nhà khoa học có đủ lòng tự trọng để không đi xin, không đi "chạy". Để được hỗ trợ, người ta phải "chạy", phải có mối quan hệ quen biết, phải luồn lách... Khâu nào cũng phải tiền thì mới xong được. Mà tôi thì không làm được điều đó", PGS.TS Phạm Văn Nho chia sẻ. Hệ quả là những sản phẩm được làm ra có hàm lượng chất xám cao, do nhà khoa học Việt Nam chế tạo, bỏ tiền túi ra sản xuất, nhưng vẫn không thể bán được, vẫn chẳng ai biết đến. Theo lời của PGS.TS Phạm Văn Nho thì ông không có tiền tỷ để bỏ ra quảng cáo, trong khi có những sản phẩm rất vớ vẩn được quảng cáo thì hàng triệu người mua. Đã đến lúc ông thấy oải, thấy nản vì ông không thể đảm đương được việc vừa là một nhà khoa học, vừa là một "con buôn".
Các dự án đầu tư hỗ trợ phát triển KH&CN mỗi năm ngốn không ít tiền của Nhà nước, hàng chục tỷ đồng được phía đối tác nước ngoài hỗ trợ hằng năm. Thế nhưng, các nhà khoa học vẫn từng ngày ngóng chờ được giúp đỡ, các sản phẩm nghiên cứu ra chờ có tiền để ra thị trường. Tiền đâu, vẫn cứ là câu chuyện đầu tiên.