Trong vòng 2 tuần trở lại đây, thị trường chứng khoán chứng kiến sự vượt trội của nhiều cổ phiếu bất động sản, xây dựng vốn hóa vừa và nhỏ đặc biệt trong phiên 2/11.
Riêng với L14 của CTCP Licogi 14 có 2 phiên tăng trần liên tiếp và là phiên đi lên thứ 10 liên tục của cổ phiếu này. Trước đó, L14 đã có khoảng thời gian tăng "sốc".
Cổ phiếu này tăng từ 82.900 đồng/cp vào cuối tháng 8 lên 240.700 đồng/cp ở phiên 2/11, tương ứng gấp gần 3 lần, cao nhất sàn HNX và cao thứ 3 thị trường chứng khoán Việt Nam. Còn nếu tính từ cuối năm 2020, giá cổ phiếu L14 gấp hơn 4,5 lần.
Trong phiên giao dịch ngày 3/11, cổ phiếu L14 có thời gian tăng trần lên mức cao kỷ lục 264.700 đồng/cp khi dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản nói chung.
L14 giảm 70.000 đồng/cp trong 2 phiên. |
Tuy nhiên, khi áp lực bán tháo xuất hiện ở nhóm bất động sản, L14 cũng không nằm ngoài xu thế chung, giảm sàn xuống 216.700 đồng/cp. Nhà đầu tư mua ở mức giá trần thì bị lỗ ngay hơn 18% chỉ sau một phiên giao dịch.
Không dừng lại ở đó, trong bối cảnh nhiều cổ phiếu bất động sản giảm sâu hôm 3/11 có sự hồi phục mạnh mẽ trở lại ở phiên 4/11, nhưng L14 vẫn giảm 9,9% xuống sát mức giá sàn là 195.200 đồng/cp.
Như vậy, chỉ sau 2 phiên giao dịch, cổ phiếu L14 đã mất đến 70.000 đồng/cp. Nhà đầu tư mua vào cổ phiếu này ở mức giá trần hơn 3/11 dù cổ phiếu chưa về tài khoản đã mất 26,3% giá trị.
Bên cạnh kết quả kinh doanh tăng trưởng, thì L14 cũng có kết quả kinh doanh khả quan. Như trong quý 3 vừa qua, Licogi 14 ghi nhận doanh thu thuần 27,9 tỷ và lãi sau thuế 14,9 tỷ; tăng trưởng lần lượt 19% và 49% so với cùng kỳ 2020.
Lũy kế 9 tháng doanh thu thuần đạt 110,6 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng sau thuế tăng 72% lên mức 43 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, quy mô tài sản của Licogi 14 là gần 730 tỷ đồng, tăng gần 43% so với đầu năm. Đáng lưu ý, trong quý 3, Licogi 14 xuất hiện khoản chứng khoán kinh doanh hơn 160 tỷ đồng nhưng không được thuyết minh.
Điểm đáng chú ý khác là Licogi 14 đã đẩy mạnh đòn bẩy tài chính trong quý 3 khi tổng nợ vay tại ngày 30/9 là gần 121 tỷ trong khi cuối quý II nợ vay chỉ chưa tới 3 tỷ đồng.
Đây chủ yếu là nợ ngắn hạn nhưng cũng không được doanh nghiệp thuyết minh. Các giai đoạn trước đó nợ vay của Licogi 14 cũng chỉ ở mức vài tỷ đồng.