Thời buổi bão giá như hiện nay; việc chi tiêu, tính toán hợp lý với gia đình có mức thu nhập trung bình luôn được nhiều chị em quan tâm. Tuy nhiên, không phải bà nội trợ nào cũng biết cách chi tiêu “vừa đủ” vẫn dư giả được một khoản để gửi tiết kiệm phòng khi có việc cần.
Dưới đây là cách tiết kiệm chi phí cho gia đình trẻ 4 người với thu nhập 10 triệu đồng, vẫn dư khoảng 1 triệu (Gợi ý này dành cho hộ gia đình đã có nhà ở, không phải đi thuê trọ).
1. Chi phí cứng phải chi trong tháng:
- Tiền ăn: 4.500.000 đồng (chi phí này đã bao gồm cả tiền hoa quả).
+ Tiền ăn sáng: 30.000 đồng/ngày/4 người x 30 ngày = 900.000 đồng. (Bữa sáng gợi ý có thể là bánh mỳ, xôi hoặc nấu cơm ăn vào buổi sáng. Làm theo cách này vừa tiết kiệm và đảm bảo vệ sinh hơn rất nhiều so với ăn ngoài quán).
+ Tiền ăn trưa: 25.000 đồng/người x 2 người x 30 ngày = 1.500.000 đồng (Do buổi trưa 2 bé đi học mẫu giáo nên bạn có thể nấu cơm mang từ nhà đi làm cho cả ông xã và mình.
+ Tiền ăn tối: 60.000 đồng/4 người x 30 ngày = 1.800.000 đồng.
- Tiền điện: 200.000 đồng/tháng (do cả gia đình đi học, đi làm cả ngày chỉ dùng buổi tối; mùa đông có thể tiền điện sẽ rẻ hơn, có thể lấy tháng ít bù cho tháng nhiều).
- Tiền nước: 100.000 đồng/ngày.
- Tiền internet: 100.000 đồng/tháng (có thể nối mạng wifi chung với 1 gia đình khác để chia sẻ tiền mạng).
- Tiền xà phòng, dầu gội đầu, muối, gạo, tiền sữa cho bé ... = 1 triệu đồng.
- Tiền điện thoại: 100.000 đồng x 2 người = 200.000 đồng.
- Tiền xăng xe: 200.000 đồng x 2 người = 400.000 đồng.
- Tiền đám cưới, sinh nhật, đám ma,... = 500.000 đồng (chi phí này có tháng nhiều, tháng ít không cố định nên bạn dùng tiền tháng ít bù vào tiền tháng nhiều).
- Tiền học cho bé: 1 triệu đồng/tháng x 2 bé = 2 triệu đồng (mức chi phí này được áp dụng với các bé học trường mẫu giáo của nhà nước).
--> Tổng chi phí: 9 triệu đồng/tháng.
--> Chi phí dư: 1,3 triệu đồng (nếu biết cách “khéo co”, tiền tiết kiệm có thể tăng thêm khá nhiều).
- Để đảm bảo được với mức chi phí như trên, các bà nội trợ nên dậy sớm đi chợ sáng mua thực phẩm. Làm như vậy, bạn sẽ mua được thực phẩm ngon với giá rẻ. Một tuần, các bà nội trợ nên dành 3 buổi sáng để đi chợ. Đối với các thực phẩm như cá, tôm;... sẽ chế biến trước. Các thực phẩm như thịt bò, thịt gà, thịt lợn,... có thể chế biến sau. Đối với các loại rau ăn lá sẽ được sử dụng trước so với các loại củ, quả.
Các bà nội trợ nên hạch toán chi tiêu để hàng tháng có thể bỏ ra được một khoản tiền tiết kiệm. |
- Nên mua tích trữ các loại đồ khô như mỳ chính, lạc, đỗ, gạo,... với số lượng nhiều để được giảm giá. Tuy nhiên, số lượng mua cần được tính toán kỹ, tránh tình trạng không dùng hết, thực phẩm sẽ bị nấm mốc.
- Với các loại sản phẩm như dầu gội, sữa tắm, sữa uống dành cho bé,... bạn nên tìm các chương trình giảm giá, tặng kèm sản phẩm,... để được mua với mức giá ưu đãi.
- Với các loại trái cây, có thể chọn mua trái cây theo mùa. Làm như vậy, vừa đảm bảo an toàn, “mùa nào thức nấy”, giá cả cũng rẻ hơn so với mua trái cây trái mùa.
2. Một vài kinh nghiệm khác để không bị lạm chi:
- Với những tháng đầu chi tiêu, bà nội trợ nên ghi chép các khoản chi vào 1 quyển sổ. Nếu xuất hiện việc chi tiêu “vượt định mức”, tháng sau có thể căn cứ vào các khoản chi tiêu tháng trước để điều chỉnh.
- Nên săn hàng giảm giá với các sản phẩm đồ gia dụng hoặc rủ các gia đình khác mua chung sản phẩm để được khuyến mại, giảm giá. Bạn nên có danh sách của một số cửa hàng đồ gia dụng, tạp hóa để nhận được thông tin khuyến mại hấp dẫn. Trước khi chọn mua một món đồ (đặc biệt là đồ gia dụng) bạn nên cân nhắc giá trị sử dụng; tránh tình trạng bỏ cả đống tiền mua nhưng món đồ đó chỉ sử dụng vài lần trong năm.
- Hạn chế việc đi ăn, đi chơi, tụ tập bạn bè ở bên ngoài. Với những ngày lễ quan trọng như kỉ niệm ngày cưới, sinh nhật con,... bà nội trợ nên đi chợ, gia đình tự tổ chức nấu ăn. Làm như vậy, vừa tiết kiệm được khoản chi tiêu không nhỏ và các thành viên có cơ hội gắn kết tình cảm.