Trong nhiều thế kỷ, các nhà hàng hải đầy tham vọng đã bất chấp tính mạng để tới Vòng Bắc Cực khắc nghiệt. Ngày nay, khi băng đá giảm dần và thời tiết ôn hòa hơn, hành trình tới vùng biển cực Bắc dường như giống một chuyến nghỉ dưỡng hơn là thám hiểm.
Theo Trung tâm Dữ liệu Băng Tuyết Quốc gia, tháng 12 năm ngoái, diện tích bao phủ bởi biển băng Bắc Cực nhỏ hơn 1 triệu km2 so với trung bình năm 1981-2010. Đây là mức thấp thứ hai theo ghi nhận của vệ tinh kể từ năm 1979.
Mỗi mùa hè, băng Bắc Cực lại tan chảy xuống mức mà các nhà khoa học gọi là "tối thiểu" trước khi thời tiết lạnh hơn làm cho lớp băng bao phủ dày lên. Năm 2016, băng biển Bắc Cực tối thiểu bao phủ diện tích khoảng 3,5 triệu km2 theo dữ liệu vệ tinh của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Ảnh: NASA. |
Theo NBC News, các quốc gia Bắc Âu và Greenland đang dẫn đầu trong việc thu phí du lịch Bắc Cực.
Năm 1990, chỉ có 7.952 hành khách đi qua Iceland. Từ năm 2016, 250.000 người đã đến thăm đất nước này mỗi năm. Vùng Bắc Cực ở Nga cũng tăng 20% du khách trong năm ngoái với khách du lịch Trung Quốc chiếm đa số.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng lưu lượng hành khách ngày càng lớn đang làm tăng nguy cơ thảm họa như tràn dầu hoặc rò rỉ nước thải và có thể làm hỏng môi trường Bắc Cực.
Trải nghiệm hạng nhất ở vùng biển khắc nghiệt
“Đó là điều sớm muộn cũng xảy ra chứ không chỉ là giả thuyết”, Jackie Dawson, trợ lý giáo sư về địa lý, môi trường và địa toán tại Đại học Ottawa, cho biết. “Chúng ta sẽ chứng kiến một số loại thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu và sự tăng cường hoạt động của con người ở Bắc Cực”.
Xu hướng thời tiết khắc nghiệt và cực đoan ở Bắc Cực thường gây khó khăn cho đi lại và đe dọa các thủy thủ. Vĩ độ cao cũng phá vỡ hệ thống điều tiết hàng hải và truyền thông tin. Nếu xảy ra sự cố tràn dầu, tai nạn hoặc sự cố máy móc thì phản ứng khẩn cấp tại khu vực hẻo lánh này gần như không thể thực hiện được.
Bản đồ Bắc Cực: Hành lang Tây Bắc (đường màu đỏ), Vòng Bắc Cực (đường đứt đoạn), khu vực phía bắc Vòng Bắc Cực là Vùng Bắc Cực. Đồ họa: Britannica. |
Hành lang Tây Bắc lần đầu được thông suốt bằng đường biển vào năm 1906. Tuyến đường này cách Vòng Bắc Cực 805 km về phía bắc, đi qua Quần đảo Bắc Cực thuộc Canada và nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương
Theo Tiến sĩ Marta Bystrowska, nhà khoa học khí hậu tại Trung tâm nghiên cứu cực Địa cầu thuộc Đại học Silesia ở Ba Lan, các tàu nghiên cứu rất ít qua lại ở Bắc Cực kể từ khi tuyến đường biển được thông suốt.
Tuy nhiên, lượng hành khách tới Vòng Bắc Cực bằng du thuyền lại ngày một tăng. Theo Bystrowska, họ mong đợi trải nghiệm hạng nhất cùng với “thực đơn xa xỉ, phòng nghỉ tiện nghi và các hoạt động khác như lặn hoặc đi thuyền kayak khi tham gia chuyến hải trình”.
“Những chiếc du thuyền trong các chuyến hải trình có thể sẽ ngày càng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu tăng cao và thu lợi nhiều hơn”, bà nói với NBC News.
Năm 2016, du thuyền 13 tầng Serenity của Crystal Cruises đã đi qua Hành lang Tây Bắc. Ngoài thủy thủ đoàn 600 người, con tàu chở theo 900 hành khách. Họ có thể tận hưởng bữa tối trong nhà hàng sang trọng và ngắm băng trôi từ lan can trong phòng riêng.
Chuyến hải trình đầu tiên của Serenity đã tạo điều kiện kinh doanh cho nhiều công ty khác. Abercrombie và Kent, công ty du lịch cao cấp của Anh, cung cấp chuyến đi 24 ngày, bao gồm hành trình qua Hành lang Tây Bắc, với giá 30.995 USD. Khách hàng muốn sử dụng dịch vụ phục vụ cá nhân phải trả thêm 10.000 USD.
Quark Expeditions đẩy mạnh hoạt động vào trung tâm Bắc Cực với các chuyến tham quan có giá khởi điểm từ 28.695 USD. Hành khách có thể trả thêm 500 USD để ngắm Bắc Cực từ khinh khí cầu.
'Cơ hội du lịch cuối cùng'
Những con tàu tới Bắc Cực phải chịu được điều kiện khắc nghiệt để hoàn thành hải trình qua vùng biển đầy thách thức này. Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã đưa ra Bộ Quy tắc Bắc Cực vào năm 2016 nhằm đảm bảo các nhà khai thác du lịch chuẩn bị tốt cho địa hình hẻo lánh và thời tiết cực đoan của Bắc Cực. IMO cũng cấm các tàu xả thực phẩm dư thừa và nước thải.
Mặc dù bộ quy tắc này là bắt buộc theo hai công ước quốc tế nhưng việc thực hiện lại tùy thuộc vào 172 quốc gia thành viên của IMO. Bộ quy tắc cũng không chỉ ra những hình phạt nên được áp dụng trong trường hợp không tuân thủ.
Crystal Cruises đang lên kế hoạch sử dụng siêu du thuyền Endeavour vào năm tới. Con tàu này đạt tiêu chuẩn của Bộ Quy tắc Bắc Cực, dài gần 183 m với 2 máy bay trực thăng và 2 tàu ngầm chứa được 7 người.
Các xuồng cứu sinh của tàu được bao kín như tàu ngầm thay vì loại bè cứu hộ thông thường. Hành khách được cung cấp các bộ quần áo giữ nhiệt che kín từ đầu đến chân đi kèm áo phao cứu sinh. Phía sau tàu được trang bị xẻng và rìu để phá lớp băng tích tụ bên ngoài.
Trong khi biển băng mỏng dần mở ra vùng nước Bắc Cực cho du khách, đây cũng là dấu hiệu cho thấy những chuyến du lịch như vậy sẽ không kéo dài được bao lâu.
Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia cảnh báo khu vực này đang nóng lên nhanh gấp đôi so với phần còn lại của toàn cầu. Lợi dụng điều này, ngành du lịch Bắc Cực đang thu hút khách hàng bằng quảng cáo "cơ hội du lịch cuối cùng" nhằm thôi thúc mong muốn ngắm nhìn cảnh quan và các loài vật trước khi chúng biến mất của các du khách.
“Cơ hội du lịch cuối cùng đánh vào tâm lý của mọi người, khiến họ vội vã quyết định lên du thuyền trước khi quá muộn”, Dawson từ Đại học Ottawa, cho biết.
“Tôi thường nghe mọi người nói rằng họ từng nghĩ đến việc lên du thuyền tới Bắc Cực nhưng sự biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tới quyết định của họ, khiến họ muốn thực hiện ngay”, Dawson nói.
Đối với Dawson, đây là một sự trớ trêu. Khách du lịch có thể làm trầm trọng thêm tình trạng môi trường ở Bắc Cực nhưng trải nghiệm này cũng có thể thôi thúc họ hành động để bảo vệ môi trường sau khi trở về.
"Những chuyến đi này thực sự làm thay đổi con người. Bắc Cực là nơi màu nhiệm. Đây là một trong những địa điểm đẹp nhất trên Trái Đất", Dawson nói.