"Năm trước, kế hoạch về một kỳ nghỉ dài ngày bên gia đình của mình đã phá sản hoàn toàn. Sau vài hôm dọn dẹp, trang trí nhà cửa mướt mồ hôi, mình phải trả lời hàng loạt câu hỏi về người yêu, lương bổng đến từ họ hàng. Cuối cùng là những buổi tối rửa hàng chồng bát cao ngất ngưởng", Nguyễn Minh Tâm (25 tuổi, Giang Văn Minh, Hà Nội) kể.
Cô gái này dự đoán Tết năm nay của mình cũng sẽ diễn ra với kịch bản tương tự.
Danh sách những câu hỏi khó trả lời
Minh Tâm đi làm được 2 năm, đang trong giai đoạn đầu của sự nghiệp. Thế nhưng, đối với gia đình, họ hàng, đây đã là độ tuổi "vàng" để kết hôn.
"Những vị khách đến nhà chơi Tết chẳng bao giờ quên 'tra hỏi' mình những câu riêng tư như: Người yêu đâu? Bao giờ lấy chồng? Sao chưa mời mọi người ăn cỗ? Khi nào được ăn kẹo mừng? Ế rồi à? Những câu hỏi lãng xẹt như vậy khiến mình không thoải mái chút nào", cô thở dài nói.
Bài ca muôn thuở những ngày Tết: Bao giờ lấy chồng? Đồ họa: Châu Châu. |
Hàng loạt câu hỏi dồn dập của cô, dì, chú, bác luôn khiến Tâm có cảm giác chưa chồng là tội lớn. Thậm chí, nhiều người còn "sỗ sàng" tới mức gán cho cô gái tuổi ăn chơi những từ như "quả bom nổ chậm", "hàng tồn kho".
Những câu hỏi khó về tình trạng hôn nhân cũng chưa thấm vào đâu so với "tra khảo" về tiền lương, mức sống.
Trần Thu Hà (26 tuổi, nhân viên ngân hàng ở Vĩnh Phúc) liệt kê hàng loạt câu hỏi của họ hàng về mức lương mỗi dịp gặp mặt đầu xuân như: Đi làm lương bao nhiêu? Mang về cho mẹ bao nhiêu tiền? Thưởng Tết mấy chục (triệu)? Sắp mua nhà chưa?
Nỗi kinh hoàng mang tên dọn nhà, rửa bát
Năm mới đến ai cũng muốn nhà cửa sạch sẽ tinh tươm, nhưng việc dọn nhà quả là "cực hình" với nhiều cô gái. Chẳng hiểu sao ngày nào cũng quét dọn mà đến cuối năm rác, bụi cứ ở đâu đổ về.
Công việc của Trần Thiện Hoàng (27 tuổi, Minh Khai, Hà Nội) càng bận bịu hơn vào những ngày cuối năm. Hàng loạt dự án, kế hoạch, hợp đồng phải "cuốn chiếu" để kịp nghỉ Tết khiến chàng trai cuống cuồng với đủ thứ giấy tờ và các cuộc họp.
"Mẹ muốn sơn bếp vào ngày giáp Tết, không nỡ để người lớn vất vả nên mình làm. Xong gian bếp, bố lại muốn dọn dẹp khoảng sân để bày chậu cây, tất nhiên không thể để ông làm một mình. Việc ở công ty bận quá về nhà chỉ muốn lăn ra ngủ nhưng không được", Thiện Hoàng lắc đầu nói.
Còn với các cô gái, rửa bát thành nỗi ám ảnh những ngày Tết. Bắt đầu từ 23 tháng chạp, những bữa cỗ tiễn ông Táo, tất niên, tân niên, hóa vàng... với vòng luẩn quẩn cơm nước khiến các cô nghĩ tới đã sợ.
Dịp nghỉ ngơi như trong kỳ vọng của nhiều cô gái cũng "tan tành" cùng hàng loạt chồng bát đũa phải rửa trong 3 ngày Tết, sau những tốp khách của bố mẹ, họ hàng.
Năm mới, những chàng trai có bạn gái cũng ngại không muốn đưa tới nhà vì nghĩ tới công việc phải làm trong bếp nhà mình.
Nguyễn Duy Quốc (19 tuổi, Âu Cơ, Hà Nội) có bạn gái hơn năm nay, đã đưa về ra mắt gia đình. Thế nhưng, dịp Tết này, chàng trai đang băn khoăn không biết có nên đưa về nhà chơi.
"Mình không ngại việc rửa bát, dọn dẹp, nấu nướng vì hàng ngày vẫn làm cho mẹ. Nhưng đưa bạn gái về, cô ấy không thể không vào bếp mà thể hiện những ngày này đâu có đơn giản, mỗi nhà có một khẩu vị riêng", Duy Quốc giải thích.
Nỗi sợ ra giêng hết tiền
Chẳng có điều gì khiến các bạn trẻ "xanh mặt" vì Tết hơn là việc kỳ nghỉ này ngốn quá nhiều tiền bạc. Phần lớn các bạn nhận lương, thưởng trước Tết nhưng số tiền đó chẳng thấm vào đâu vì ai cũng sẽ biếu ông bà, cha mẹ, lì xì các em.
Vừa trải qua những ngày tốn kém, tháng giêng lại liên miên với những cuộc hẹn hò bạn bè, đồng nghiệp, đối tác...
Nguyễn Quang Vinh (27 tuổi, giáo viên ở Hà Nội) xác nhận: "Tết tốn kém lắm. Dù chi tiêu tiết kiệm đến thế nào mình cũng xác định ra giêng 'trắng tay' rồi. Phải cố gắng chờ tới ngày lĩnh lương thôi".
Còn với những bạn trẻ làm tự do thì kỳ nghỉ dài lại "đói" vì không đối tác nào làm việc. Thu nhập không có, trong khi chi quá nhiều khiến ngày đầu năm mới đáng lẽ phải được háo hức đón chờ, bỗng trở thành nỗi e ngại của nhiều chàng trai, cô gái.