Vào nhà nghỉ “tâm sự”, tiện tay trộm tài sản
Nguyễn Thị Mây đã 45 tuổi nhưng vẫn lận đận chưa ổn định cuộc sống: hai lần đổ vỡ trong hôn nhân, không có công việc ổn định.
Cáo trạng của VKSND Nghệ An truy tố với nội dung ngắn gọn: Khoảng 8h ngày 25/7, Mây cùng một người đàn ông đến nhà nghỉ ở thị trấn Tân Kỳ (Nghệ An) thuê phòng để “tâm sự”. Tại khu vực nhà để xe, thấy một chiếc điện thoại để trên yên xe máy, Mây đã cầm vào phòng nghỉ. Chừng 20 phút sau, thấy có người gõ cửa, Mây ra mở cửa thì thấy chủ nhà nghỉ cùng với vị khách nước ngoài.
Bị cáo tại phiên tòa. |
Với tang vật là chiếc điện thoại đang để trong phòng, Mây bị cơ quan chức năng bắt giữ để phục vụ công tác điều tra. Chiếc điện thoại của vị khách ngoại quốc được định giá 3,5 triệu đồng, đã được trả lại cho chủ nhân.
Tại tòa, Mây biện hộ: “Bị cáo thấy chiếc điện thoại đó để trên xe, xung quanh lại không có ai nên mới lấy chứ không trộm cắp. Nếu bị cáo có “dã tâm” đã tắt nguồn điện thoại, chứ không để nguyên như vậy. Lúc đó, bị cáo chỉ nghĩ mình cầm vậy, đến khi nào có người hỏi thì trả lại”.
Mây tiếp tục nói không cố tình lấy đồ của vị khách nước ngoài: “Do vậy, khi được chủ nhà nghỉ đến gõ cửa hỏi: “Có lấy điện thoại ở yên xe không?”, tôi liền trả lời: “Có”. Liền sau đó, tôi lấy điện thoại đưa cho chị ấy nhưng họ không cầm. Sau đó ít phút thì một người đàn ông nước ngoài đến cùng với hai công an và bắt tôi đi”.
Chủ tọa liền hỏi: “Không có ý định ăn cắp, tại sao lúc nhặt được trong khuôn viên nhà nghỉ, bị cáo không đưa đến bộ phận lễ tân để trả lại cho người đã mất? Đến khi chủ nhà nghỉ trích xuất camera xác định bị cáo là người lấy điện thoại nên đến gõ cửa phòng thì lúc đầu bị cáo một mực chối, sau đó mới thừa nhận”. Đến đây, bị cáo Mây mới thừa nhận hành vi.
Tại tòa, HĐXX đã công bố lời khai của chủ nhà nghỉ, cùng với người đàn ông đi cùng Mây. Hai lời khai ấy đều có nội dung lúc mới bị hỏi, Mây chối không lấy điện thoại. Sau một hồi quanh co, Mây mới thừa nhận hành vi lấy điện thoại và giao nộp.
Khi được hỏi về quan hệ với người đàn ông đi cùng, Mây khai đây là lần thứ hai gặp mặt anh ta ngoài đời. Biết anh này về quê đi đám cưới, Mây chủ động gọi điện rủ đi nhà nghỉ “tâm sự” dù biết người này đã có vợ con. Mây cho biết, do trải qua hai lần đổ vỡ chỉ vì không có con nên rất khao khát tình mẫu tử.
“Lần vào nhà nghỉ lần đó, bị cáo chỉ muốn “xin” mụn con với người đàn ông ấy, không ngờ khi khi tâm nguyện chưa thực hiện được thì vướng lao lý”, Mây nói. Nữ bị cáo liên tục nhắc lại: “Bị cáo chỉ muốn “xin” đứa con để nương tựa tuổi già, chứ không có ý phá hoại hạnh phúc gia đình người ta”.
Cảnh đời ái ngại
Người mẹ 73 tuổi của Mây chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều tham gia kháng chiến, được nhà nước trao tặng huân huy chương. Với bà con lối xóm, chúng tôi cũng có niềm tự hào riêng. Vậy mà con cái đã không cho cha mẹ được nhờ vả gì, nay lại dính vào vụ trộm tài sản”.
Người mẹ tâm sự, bản thân không hề biết chuyện con gái mình có ý muốn tìm kiếm mụn con với người đàn ông đã có gia đình. Nếu biết chuyện đó, bà đã ngăn cản từ đầu thì có thể con gái mình đã không vướng lao lý. Người mẹ tâm sự: “Nó đã trải qua nhiều trắc trở trong cuộc sống, không ngờ khi gần ở bên kia con dốc cuộc đời lại dính vết đen”.
Theo chia sẻ của người mẹ, khi là cô gái 22 tuổi, Mây từng có cuộc tình đẹp với người đàn ông quê huyện Diễn Châu (Nghệ An). Tuy nhiên, sau 10 năm chung sống, đôi vợ chồng ấy đã đường ai nấy đi. Nguyên nhân vì Mây không có con.
“Thời đó, nó cũng đi khám một số nơi. Sau đó còn đi cắt thuốc bắc về sắc uống với mong muốn có mụn con, thế nhưng chờ đợi mãi vẫn không có tin vui. Áp lực con cái khiến vợ chồng chúng nó phát sinh mâu thuẫn. Cuối cùng, vợ chồng nó quyết định đường ai nấy đi”.
Sau lần đổ vỡ hôn nhân, Mây có đi bước nữa với người đàn ông khác. Dù đã tâm sự hết nỗi lòng của mình trước khi đến với nhau, thế nhưng cũng vì lý do hiếm muộn nên cuộc hôn nhân ấy nhanh chóng chấm dứt. Bà Xuân kể: “Nó chung sống với người chồng thứ hai được hai năm thì bị chồng bỏ”.
Hai lần đứt gánh, người phụ nữ ấy khăn gói về chung sống với mẹ đẻ. Tại quê nhà, Mây mưu sinh bằng nghề buôn bán con cá, bó chè ở chợ làng. Nữ bị cáo cho hay, công việc bấp bênh, mỗi ngày thu nhập chừng 20 đến 30 nghìn đồng.
Người mẹ cũng biện hộ cho con gái mình. Rằng, cách đây hơn chục năm, khi kinh tế còn khó khăn, nhưng con gái mình đã hai lần trả lại tài sản nhặt được cho người đã mất. Lần đầu là sợi dây chuyền vàng, lần thứ hai là một túi tiền.
“Lần đó, người ta gửi tặng nó 400 nghìn đồng tiền cảm ơn, nhưng nó một mực không nhận. Tôi tin bản chất nó không phải là người xấu. Hôm đó, ma xui quỷ khiến thế nào mà khi thấy điện thoại để trên yên xe lại cầm lấy, để rồi giờ đây phải trả giá”, người mẹ nói.
Giá trị tài sản mà Mây trộm cắp không phải là lớn, tang vật cũng đã được tìm lại và trao trả cho chủ nhân của nó ngay sau đó. Tuy nhiên, HĐXX nhận định hành vi của bị cáo Mây đã xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của người khác, làm xấu hình ảnh của người Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài, do đó cần phải xử lý để răn đe. Bị cáo phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo là tình tiết giảm nhẹ. Do vậy, HĐXX tuyên phạt 6 tháng cải tạo không giam giữ.
Tòa kết thúc, nữ bị cáo dìu người mẹ già ra về. Dù bản án nhẹ nhàng, nhưng người mẹ vẫn không khỏi buồn phiền vì một phút sa ngã của con gái. Riêng với nữ bị cáo, thấy vẫn thở dài...