Thu phí điều trị đối với người nước ngoài là hợp lý
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về chủ trương thu phí điều trị đối với người nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, giao cơ quan chức năng đề xuất cụ thể theo quy định của pháp luật.
Theo đó, đối với người Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh dù Nhà nước còn khó khăn nhưng chúng ta chưa thu phí điều trị đối với những trường hợp nhiễm bệnh. Còn đối với người nước ngoài, nếu mắc bệnh thì phải trả phí điều trị, không phải trả chi phí cách ly và xét nghiệm.
Liên quan sự việc này, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đối với công dân Việt Nam thuộc trường hợp phải cách ly y tế hoặc đối với công dân bị nhiễm Covid 19 phải điều trị, pháp luật Việt Nam quy định sẽ được miễn chi phí khám, điều trị bệnh, xét nghiệm, chi phí tiền thuốc, vật tư y tế, chi phí đi lại, chi phí thăm khám…trong quá trình chữa bệnh.
Theo dõi ca bệnh nghi ngờ tại Bệnh viện dã chiến 2, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: NLĐ |
Nội dung này được quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 và điều 2, thông tư số 32 năm 2012 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, có khoản tiền ăn hàng ngày của người bị cách ly, người đang điều trị sẽ phải chi trả. Đối với trường hợp người nghèo sẽ được miễn phí thêm khoản tiền ăn hàng ngày.
Do vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, khi công dân bị cách ly, bị điều trị có nghĩa vụ phải chi trả tiền ăn hàng ngày. Tuy nhiên, từ thời điểm dịch bệnh xảy ra, các địa phương đều có hỗ trợ các khoản tiền ăn của người bị cách ly, điều trị theo khả năng ngân sách của địa phương.
“Trường hợp số lượng người bị cách ly, người nhiễm bệnh Covid 19 gia tăng hơn nữa sẽ là một gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Do vậy với người bị cách ly, người bệnh có kinh tế tốt nên tự mình chi trả tiền ăn trong thời gian điều trị, cách ly. Bởi với một người thì không phải lớn nhưng hàng trăm người, hàng nghìn người thì đó là con số không nhỏ”, Luật sư Cường nêu ý kiến.
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Đối với người nước ngoài đến học tập, lao động, du lịch tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật Việt Nam, họ có trách nhiệm phải chi trả tất cả các khoản chi phí khi bị cách ly, điều trị và quá trình chữa bệnh.
“Về mặt cơ sở pháp lý, chúng ta hoàn toàn có thể yêu cầu họ chi trả khoản tiền đó. Còn đối với chính sách hỗ trợ chi phí trong quá trình, cách ly, điều trị chỉ áp dụng với công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Du khách nước ngoài cố tình không đeo khẩu trang, phạt thế nào?
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Theo đó, bắt đầu từ ngày 16/3, việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng...được thực hiện nghiêm.
Tuy nhiên thực tế, không ít người (trong đó có cả du khách nước ngoài) không chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang. Theo quy định của pháp luật, nếu cố tình không đeo khẩu trang sẽ bị xử phạt thế nào?
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, ngày 16/3/2020 Thủ tướng Chính Phủ đã yêu cầu toàn dân đeo khẩu trang, đặc biệt là tại các địa điểm công cộng, hay nơi làm việc, cơ quan đoàn thể. Việc đeo khẩu trang là một trong những cách phòng chống bệnh, bảo vệ bản thân và góp phần đầy lùi dịch Covid – 19.
Luật sư Hoàng Tùng. |
Covid-19 đang là dịch bệnh được công bố toàn thế giới, tại Việt Nam đã được liệt vào danh sách nhóm A – nhóm dịch bệnh nguy hiểm. Vì vậy khi chính phủ đưa ra yêu cầu phải đeo khẩu trang thì mọi người dân cần phải chấp hành nghiêm túc.
Theo khoản 7 Điều 8 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định nghiêm cấm hành vi sau đây “Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
Trường hợp người dân không đeo khẩu trang, không thực hiện theo yêu cầu thì có thể sẽ áp dụng chế tài theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Nhiều du khách nước ngoài vẫn thờ ơ với việc đeo khẩu trang nơi công cộng. |
Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chông dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
“Thẩm quyền xử phạt được xác định có thể là thanh tra y tế hoặc chủ tịch UBND xã, phường”, Luật sư Hoàng Tùng cho hay.
>>> Mời độc giả xem video Bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng:
Nguồn VTC Now.
Phạt hành vi vứt bỏ khẩu trang không đúng quy định
Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trong cộng động, WHO và Bộ Y tế Việt Nam đã khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, trong đó có đeo khẩu trang y tế đúng cách. Thế nhưng hiện nay xuất hiện tình trạng người dân vứt bỏ khẩu trang bừa bãi, không đúng nơi quy định, làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.
Căn cứ quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cụ thể theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, người dân có thể bị:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản 1, Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.