"Năm nào nhà mình cũng nhặt được 20-30kg hạt dổi rừng. Nhà ăn không hết nên mình thường rao lên facebook bán. Khách mua thường là những đồng nghiệp ở Hà Nội hoặc những khách sành ăn. Họ từng ăn hạt dổi nếp nhà mình 1-2 lần đâm nghiện. Cứ hết họ lại đặt mua", anh Nguyễn Anh Tuấn (34 tuổi, Lạng Sơn) chia sẻ.
Hạt dổi khi chín có màu đỏ, sau khi phơi khô săn lại đổi thành màu đen sậm.
Trước đây đa phần chỉ có hạt dổi rừng nhưng sau này thấy loại này được chuộng, người dân ở Lạng Sơn nhân giống để trồng. Tuy nhiên, hạt dổi trồng thường rẻ hơn hạt rừng. Các thương lái muốn đặt hàng hạt dổi rừng thường phải liên hệ với người dân ở các vùng Tây Bắc từ rất sớm.
Cứ 3kg hạt dổi tươi phơi được 1kg hạt dổi khô.
Hạt dổi có 2 loại là dổi nếp và tẻ. Dổi nếp hạt nhỏ, màu vàng và đen, ăn rất thơm, giá 260.000-300.000 đồng một lạng, tức là khoảng 3 triệu đồng/kg. Loại tẻ hạt to, màu đen nhưng không thơm bằng và giá chỉ từ 150.000-180.000 đồng một lạng. Cây dổi tẻ có lá xanh và to hơn cây dổi nếp.
Hạt dổi rừng tươi khi phơi khô đã tự có mùi thơm quyến rũ, nhưng khi nào dùng nướng trên than củi hồng và đảo nhanh tay, hạt dổi rừng sẽ nở căng ra và mùi thơm bốc lên ngào ngạt.
Thậm chí, giá dổi rừng cổ lên đến 4 triệu đồng/kg vẫn được nhà giàu Hà thành lùng mua về sử dụng. Hạt dổi được ví như là "vàng đen" trong rừng. Hiện nay, thứ hạt này đã được xuất khẩu sang cả thị trường châu Âu.
Ngoài làm gia vị cho các món chấm hay món tẩm ướp thì một điều đặc biệt là hạt dổi rừng cũng được dùng để ngâm với ớt, măng hay các loại củ muối.
Dổi là cây thân gỗ lớn, mọc thẳng, gỗ có hương thơm. Người ta vẫn dùng dổi làm đồ gỗ, sàn gỗ, làm nhà... Hạt dổi được làm gia vị trong ẩm thực. Hạt to bằng hạt ngô, sau khi lấy về phơi nắng thì chuyển sang màu đen bóng hoặc cánh gián.
Trước khi dùng, hạt dổi được nướng sẽ giữ được mùi thơm. Sau đó, giã hạt ra cho vào các món ăn làm gia vị rất thơm. Hạt dổi thường được dùng làm gia vị chấm, gia vị ướp các món ăn đặc sản như: thịt bò khô, lợn khô, trâu gác bếp, các món nướng,...
Hạt dổi sau khi nướng thơm lên đem giã nhỏ trộn với muối trắng và vắt thêm ít nước chanh vào làm gia vị để chấm.
Với những món ăn như ăn thịt gà, ngan, vịt, thỏ, nai... dùng nước chấm khô rất thích hợp. Nhiều người có thể chấm ướt khi hạt dổi đã hòa vào bát nước mắm đều thấy ngon tuyệt vì mùi thơm đặc trưng của hạt dổi rừng.
Tuy nhiên, người tiêu dùng khi mua cũng nên cẩn trọng bởi dổi rừng và mắc khén là hai loại hạt đặc trưng để làm gia vị ẩm thực. Song, hạt dổi rừng thơm và ngon hơn hạt mắc khén, đồng thời, giá bán cũng cao hơn hạt mắc khén gấp cả 7-8 lần vì độ ngon và hiếm của nó.