Người đồng tính Ai Cập bị đánh đập vì hẹn hò qua ứng dụng smartphone

Các ứng dụng hẹn hò ở Ai Cập được cộng đồng LGBTQ biết đến như “nơi trú ẩn”. Tuy nhiên, chúng đang trở thành những chiếc “bẫy người” vô hình.

Ở quốc gia nơi đồng tính vẫn được xem như tội ác, thì ứng dụng hẹn hò là phương thức phổ biến nhất để cộng đồng LGBTQ Ai Cập tìm đến những người chung cảnh ngộ. Nhưng chốn bình yên ấy giờ đây trở thành công cụ để cảnh sát và kẻ xấu đẩy những con người vô tội vào vòng xoáy dưới ác danh “sỉ nhục công chúng”.
Theo đó, cuộc chiến để được sống thật với bản thân đang diễn ra hàng ngày, không chỉ với các cá nhân của cộng đồng, mà với cả những công ty công nghệ như Grindr, Hornet hay GrowlerSau.
Ứng dụng hẹn hò là bẫy người tinh vi. Ảnh: The Verge
Ứng dụng hẹn hò là bẫy người tinh vi. Ảnh: The Verge 
“Bẫy người” tinh vi qua ứng dụng hẹn hò
Trường hợp của nam đồng tính Firas là câu chuyện tiêu biểu nhất cho cách mà “bẫy người” bằng ứng dụng hẹn hò hoạt động.
Firas và người bạn online cùng là thành viên cộng đồng người đồng tính Ai Cập sử dụng các dịch vụ như Grindr, Hornet và GrowlerSau. Sau nhiều lần trò chuyện trực tuyến, anh đã quyết định gặp gỡ bạn trai ấy.
Ngoại trừ yêu cầu mang theo bao cao su có phần quá thẳng thừng, Firas vẫn hy vọng vào buổi hẹn hò lãng mạn tại quảng trường Mesaha Square. Nhưng không như mong đợi, đối phương đã để Firas phải chờ đến gần cuối ngày. Khi xuất hiện, anh ta đột ngột đưa Firas về thẳng nhà của mình. Đó là lúc Firas có dự cảm chẳng lành.
Chiếc xe băng qua vài tòa nhà, Firas nhìn thấy chốt kiểm soát, một điều khá khác thường ở khu vực dân cư yên bình như Mesaha. Khi xe dừng lại, người viên chức đã trò chuyện với bạn trai Firas về sự trì hoãn, thân thuộc như đang nói với đồng nghiệp. Firas mở cửa và bỏ chạy.
“7 hay 8 người đuổi theo tôi. Họ bắt, đánh và xúc phạm tôi với những lời lẽ tồi tệ nhất có thể. Họ cột tay trái của tôi và cố gắng buộc cả tay phải. Tôi chống cự. Vào lúc đó, một người đàn ông từ chốt cảnh sát với cây dùi cui bước đến. Tôi sợ bị đánh vào mặt nên đã chịu trói”, Firas tường thuật lại câu chuyện với tổ chức hoạt động vì nhân quyền Ai Cập (Egyptian Initiative for Personal Rights), nhóm địa phương về quyền lợi của LGBT.
Sau đó, Firas được đưa đến Mogamma, tòa nhà chính đồ sộ tại quảng trường Tahrir, nơi có Tổng cục Ai Cập về bảo vệ đạo đức công cộng. Cảnh sát buộc anh mở khóa điện thoại để cung cấp chứng cứ.
"7 hay 8 người đuổi theo tôi. Họ bắt, đánh và xúc phạm tôi với những lời lẽ tồi tệ nhất có thể"
- Firas, nạn nhân đồng tính ở Ai Cập.
Bao cao su Firas mang theo cũng được đưa vào làm bằng chứng. Các nhà điều tra thuyết phục Firas khai rằng anh bị quấy rối khi còn nhỏ và vụ việc đó là nguyên do cho xu hướng tình dục hiện tại. Tin tưởng sẽ được đối xử tốt hơn bằng cách này, Firas đã đồng ý. Nhưng mọi thứ trở nên tồi tệ hơn từ đó.
11 tuần tiếp theo anh ở trong trại giam, chủ yếu tại đồn Doqi. Cảnh sát đã có bản in lịch sử trò chuyện lấy từ điện thoại của anh sau khi bị bắt. Họ đánh Firas thường xuyên và chắc chắn rằng các tù nhân khác biết anh ta đang làm gì.
Firas được đưa đến Cơ quan Pháp y, nơi các bác sĩ kiểm tra hậu môn của anh để lấy dấu hiệu cho việc hoạt động tình dục, nhưng vẫn không có bằng chứng thực sự về tội ác xảy ra. Sau 3 tuần, Firas bị kết tội về hành động suy đồi, mất kiểm soát và nhận án một năm tù.
Nhưng luật sư của Firas đã có thể khiếu nại về sự xác thực, lật ngược bản án 6 tuần sau đó. Anh vẫn bị nhốt 2 tuần kế tiếp, trong khi cảnh sát từ chối cho phép người ngoài gặp mặt, thậm chí phủ nhận giam giữ Firas.
Cuối cùng, chính quyền đã đề nghị trục xuất anh không chính thức với cơ hội rời khỏi đất nước, để đổi lấy việc xin tị nạn và tự trả tiền vé. Tất nhiên, Firas nắm lấy ngay thời cơ, để lại Ai Cập đằng sau mãi mãi.
Người đồng tính bị bắt và tra tấn. Sau đó bị trục xuất khỏi Ai Cập. Ảnh: The Verge
Người đồng tính bị bắt và tra tấn. Sau đó bị trục xuất khỏi Ai Cập. Ảnh: The Verge 
Khi đồng tính là cái tội
Đây là câu chuyện đáng báo động, nhưng nó diễn ra hết sức phổ biến. Khi cộng đồng LGBTQ Ai Cập tìm đến các ứng dụng như Grindr, Hornet, Growlr để đổi lấy nơi sống thật với bản thân, họ phải đối mặt mối đe dọa từ cảnh sát và kẻ tống tiền. Bản thân các ứng dụng trở thành công cụ và bằng chứng cho “tội ác” đồng tính.
Phần lớn các vụ bắt giữ đều bắt đầu giống như câu chuyện của Firas. Mục tiêu gặp gỡ người lạ thân thiện trên trang web hẹn hò đồng tính, đôi khi nói chuyện nhiều tuần trước khi hẹn hò trực tiếp, để cuối cùng nhận ra rằng họ đang là “con mồi” tiếp theo cho một vụ kiện ác ý.
Lần đàn áp gần đây nhất bắt đầu vào tháng 9 năm ngoái với hơn 75 người bị buộc tội và bắt giam. Sự việc xảy ra sau khi khán giả giơ cao lá cờ LGBTQ tại buổi hòa nhạc rock, điều mà chế độ coi là xúc phạm nhân phẩm.
Đồng tính luyến ái không bất hợp pháp ở Ai Cập, nhưng cộng đồng LGBTQ ở đây đã trở thành “vật tế thần” hữu ích cho chế độ el-Sisi. Trong khi tổng cục Bảo vệ Đạo đức được sử dụng như công cụ để bắt giam và truy tố.
Ngay cả khi cáo buộc không được thành lập, nạn nhân vẫn bị gán cho tội danh như sỉ nhục công chúng để chịu hình phạt vài tuần tù, thậm chí là trục xuất. Tổ chức hoạt động vì nhân quyền Ai Cập (EIPR) đã ghi nhận khoảng 230 vụ bắt giữ liên quan đến LGBTQ từ 10/2013 đến tháng 3/2017, nhiều hơn 13 năm trước đó cộng lại
Lằn ranh mong manh giữa riêng tư và công khai
Mối đe dọa bạo lực trở thành nỗi ám ảnh bao trùm những cá nhân thuộc cộng đồng. “Tôi mất ham muốn tình dục trong thời gian dài. Có rất nhiều câu chuyện kinh khủng về cá nhân bị cầm tù, tống tiền hoặc bị đặt dưới áp lực nào đó bởi xu hướng tình dục của họ. Điều này thật đáng lo ngại”, Omar, một công dân Ai Cập chia sẻ.
Phương tiện truyền thông nhà nước của Ai Cập phần lớn cổ vũ cho cuộc đàn áp. Đột kích tại các quán bar, tiệc nhà và không gian đồng tính khác đã trở nên phổ biến. "Điều này có nghĩa như xã hội muốn công bố mọi thứ riêng tư của cộng đồng LGBTQ", Omar nói.
Do đó, vai trò của các kênh cá nhân như ứng dụng hẹn hò Grindr và Hornet trở nên đặc biệt quan trọng. Với phạm vi khác nhau, cả hai nền tảng đều cảm thấy rằng họ có trách nhiệm giữ an toàn cho người dùng của mình.
Trong những tuần sau cuộc đàn áp tháng chín, cả Grindr và Hornet bắt đầu gửi cảnh báo và đưa ra lời khuyên cho người dùng của mình thông qua ứng dụng. Một trong số đó là việc thuê luật sư và theo dõi tài khoản của cảnh sát. Các tin nhắn hoạt động như hệ thống cảnh báo sớm, một cách để truyền bá tin tức về mối đe dọa mới càng nhanh càng tốt.
Kể từ năm 2014, Grindr đã cảnh báo người dùng Ai Cập về những kẻ tống tiền, đề nghị giữ tài khoản riêng tư và ẩn danh nhất có thể. Do đó, nếu kiểm tra ứng dụng ở Cairo, người dùng thường thấy chuỗi các hình ảnh không lộ mặt.
Một số người dùng thậm chí tạo hồ sơ để chỉ ra cá nhân cụ thể nào đó là kẻ tống tiền hoặc cảnh sát. Trên Hornet, hơn nửa số tài khoản có hình ảnh nhưng bị che khuất. Một người đàn ông Ai Cập bộc bạch rằng, trong kỳ nghỉ đến Berlin, anh đã sốc khi thấy mỗi hồ sơ Grindr đều hiển thị rõ khuôn mặt.
Khó khăn để bảo vệ bản thân khỏi những chiếc “bẫy người”
Các nhóm LGBTQ địa phương cũng có đề xuất riêng để giữ an toàn. Trước khi gặp mặt, họ đề nghị nên có luật sư được chỉ định từ nhóm, thông báo cho ai đó biết vị trí bản thân trong trường hợp bị cảnh sát bắt. Cũng như không giữ ảnh chụp màn hình trên điện thoại hoặc dịch vụ đám mây như Google Photos mà cảnh sát có thể truy cập được.
Nếu sử dụng trò chuyện video thay vì gửi ảnh, sẽ khó có bằng chứng cáo buộc hơn. Ảnh chụp màn hình cũng là mối nguy hiểm khác cần hạn chế. Bởi lẽ, có ứng dụng trên điện thoại đã là một rủi ro.
Đó là lời khuyên tốt, nhưng thật khó để làm theo. Ngay cả khi nắm toàn bộ các quy tắc, một phút sơ sẩy cũng đủ để đẩy bạn vào cái bẫy giăng sẵn. Một công nhân phi lợi nhuận địa phương tên là Youssef cho biết, anh ấy khuyên bạn bè không nên sử dụng ứng dụng hẹn hò nếu họ có lựa chọn khác. Đến giờ, anh đã quen với việc bị phớt lờ. “Đó là sự tra tấn tinh thần. Phải đấu tranh hàng ngày chỉ bởi vì bạn muốn thể hiện xu hướng tình dục của mình", anh nói.
Sẽ dễ dàng hơn nếu các biện pháp bảo vệ được tích hợp vào chính ứng dụng. Grindr vẫn thu thập vị trí người dùng ở Ai Cập và gợi ý theo xếp hạng khoảng cách từ gần đến xa nhưng không hiển thị rõ chính xác bao nhiêu km. Đồng thời, Grindr đã đấu tranh với chuỗi vấn đề bảo mật gần đây, bao gồm rò rỉ dữ liệu hồ sơ thông qua plugin của bên thứ 3 và chia sẻ trạng thái HIV cho đối tác phân tích. Không ai trong số những nạn nhân gần đây có dấu hiệu bị tiết lộ bởi các nhóm ở Ai Cập, nhưng công ty khó lòng yên tâm với người dùng.
Hornet, đối thủ cạnh tranh chính của Grindr ở Ai Cập, không hề cố gắng che giấu vị trí người dùng. Chủ tịch Hornet Sean Howell giải thích đây là quyết định có chủ ý, cho phép người dùng tìm kiếm những đối tượng ở gần mình. “Chúng tôi gửi cảnh báo. Nhưng chúng tôi có 100.000 người dùng ở Cairo. Họ sẽ không bắt giữ tất cả những người này. Không lẽ chúng ta phải ngăn cản sự phát triển của công nghệ?”, ông đồng thời chia sẻ.
Thách thức lớn nhất trong việc thiết kế các tính năng là cách biệt văn hóa giữa những người dùng như Firas và kỹ thuật viên tại Grindr, Hornet. Grindr được thành lập bởi một người nhập cư Israel, sinh sống tại LA; đội điều hành Hornet nằm ở San Francisco, Toronto và New York.
Cả 2 ứng dụng này đều được xây dựng giữa nền văn hóa cởi mở với đồng tính nam nói riêng và LGBTQ nói chung. Không đơn thuần như thách thức công nghệ, đây là vấn đề văn hóa: làm thế nào để nhà phát triển phần mềm biết rằng các quyết định như đóng dấu một ảnh chụp màn hình có thể dẫn đến việc ai đó bị bắt hoặc trục xuất?
Chung tay vì tương lai an toàn hơn
Những nhà nghiên cứu về nền tảng công nghệ này đã vật lộn nhiều năm với câu hỏi trên. Ứng dụng tương tự Grindr là đã mở ra con đường mới để trả lời những băn khoăn, để tiếp cận cộng đồng LGBTQ ở các quốc gia còn nhiều kỳ thị như Ai Cập. Điều này đã dẫn dắt vài tổ chức phi lợi nhuận tìm kiếm đến Grindr như công cụ nghiên cứu.
Vào năm 2016, tổ chức phi chính phủ “Article 19” đã gửi đến Harrison-Quintana, giám đốc bộ phận tầm nhìn xã hội của Grindr đề xuất về một cuộc khảo sát lớn với những người dùng dễ bị tổn thương nhất. Dự án sẽ tập trung vào ba nước Trung Đông (Ai Cập, Iran và Lebanon) nơi có mức độ đàn áp khác nhau đối với người đồng tính.
Dự án đạt đỉnh điểm tại hội nghị bàn tròn 18 người bao gồm đại diện từ Grindr, Article 19, các nhóm địa phương như EIPR, các nhóm công nghệ liên quan đến bản quyền nội dung số như Witness và Guardian Project. Sau khi Article 19 và các bên trình bày kết quả của cuộc khảo sát, hội nghị đã bỏ phiếu thông qua những sửa đổi có thể.
“Đây là cuộc họp rất dân chủ. Tôi đã nói về những thứ mà cộng đồng từng thấy hữu ích. Các nhóm địa phương nói về những gì họ nghĩ có thể giúp cho thành viên của mình. Các nhà công nghệ đã nói về tính năng có thể tạo ra. Và rồi những người như Jack (Harrison-Quintana) từ phía doanh nghiệp nói về điều công ty đủ khả năng tiếp tục”, Afsaneh Rigot thay mặt Article 19 chia sẻ.
Kết quả cuối cùng là danh sách các đề xuất được đưa ra, một vài trong số đó đã có mặt ở ứng dụng Grindr. Kể từ tháng 10, người dùng Grindr ở 130 quốc gia đã có thể thay đổi cách ứng dụng xuất hiện trên màn hình chính. Biểu tượng Grindr thay thế bằng ứng dụng máy tính thông thường hoặc tiện ích khác.
Ngoài ra, Grindr giờ đây cũng có tùy chọn cho mã PIN. Ngay cả khi điện thoại được mở khóa, ứng dụng sẽ không thể truy cập nếu thiếu mật mã bổ sung. Như vậy, trong trường hợp bị dừng tại trạm kiểm soát (tình huống phổ biến ở các quốc gia cấm đồng tính như Lebanon), cảnh sát sẽ khó phát hiện Grindr bằng cách xem qua điện thoại, cũng như không thể mở ứng dụng nếu cá nhân sở hữu từ chối cho phép. Một thay đổi nhỏ mà thậm chí nhiều người dùng ở Ai Cập không nhận thấy, nhưng đồng thời cũng là bước tiến quan trọng trong dự án vĩ mô của Article 19.
Bên cạnh đó vẫn có các khuyến nghị khác khó thực hiện hơn. Nhóm này cho rằng các ứng dụng sẽ thêm an toàn với việc tin nhắn biến mất, khó chụp màn hình hơn, ảnh sẽ được lưu vào thư viện trong ứng dụng thay vì cuộn camera hay việc có “nút hoảng loạn” cho phép người dùng xóa ứng dụng và liên hệ với bạn bè chỉ trong một lần nhấn nút.
Nhưng cho đến nay, không có ứng dụng nào xây dựng theo tính năng đó. Không khó để hiểu nguyên do. Các thay đổi có thể dẫn đến can thiệp quá sâu vào bản thân dịch vụ, thiết kế ứng dụng và phản ứng người dùng. Mặc dù gia tăng tính an toàn cho người, nhưng liệu các nâng cấp có đáng giá? Một câu hỏi thậm chí còn khó hơn được đặt ra: tại sao các công ty công nghệ lại gặp khó khăn như vậy đối với loại rủi ro này?
Đã đến lúc phải nói ra
Việc rút khỏi các quốc gia như Ai Cập chắc chắn sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Với các ứng dụng hẹn hò không thu phí, một phần lớn lợi nhuận đến từ việc nhận quảng cáo. Sự khắt khe dành cho cộng đồng LGBTQ khiến cho hoạt động kinh doanh này khó phát triển thuận lợi. Chưa kể đến chi phí phát sinh khi bổ sung các tính năng đặc biệt để nâng cao sự an toàn. Tuy nhiên, Hornet và Grindr đều tin tưởng vào tiềm năng của dịch vụ mà họ cung cấp.
“Ở những quốc gia thiếu an toàn cho LGBTQ, không có quán bar đồng tính, không có không gian mở tuyệt vời, ứng dụng Grindr cung cấp cho người dùng cơ hội tìm thấy cộng đồng của họ”, Quintana-Harrison cho hay.
Khi đến thăm Ai Cập vào tháng 12, Howell cũng có kết luận tương tự. Hornet đã thực hiện một số nâng cấp bảo mật nhỏ sau chuyến đi của vị chủ tịch, như làm cho việc thêm mật khẩu hoặc xóa hình ảnh dễ dàng hơn. Nhưng phần lớn công việc của ông là cho người dùng biết điều gì đang xảy ra và khiến các nhà lãnh đạo thế giới lên tiếng.
“Người dùng Ai Cập không muốn chúng tôi đóng cửa”, ông nói. “Người đồng tính sẽ không trở lại trong vỏ bọc của mình. Họ sẽ không từ bỏ cuộc sống thật ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt nhất. Đó là những gì có thể thấy ở Ai Cập”, Howell chia sẻ thêm.
Song, ông cũng bày tỏ sự hoài nghi về giá trị của các biện pháp bảo mật mới. "Tôi nghĩ cảm giác an toàn sai lầm có thể khiến người dùng bị tổn hại. Tôi nghĩ điều quan trọng hơn là đảm bảo họ hiểu rõ về tình hình thực sự”, Howell nói.
Cộng đồng LGBTQ Ai Cập luôn sống trong nỗi ám ảnh về những biến cố thay đổi hàng ngày. Omar đã bị tấn công vài tuần sau đợt khám xét bất ngờ vào mùa thu. Dường như ngày nào cũng có một vụ bắt giữ mới và không còn chỗ nào là an toàn.
"Tôi đang đi bộ trên đường phố, và tôi cảm thấy như có ai đó đang theo tôi. Vào thời điểm đó, tôi nhận ra nỗi lo sợ cho cuộc sống của mình. Tình hình không an toàn ở Ai Cập. Nó thực sự nguy hiểm. Và tôi quyết định, nếu nó thực sự nguy hiểm, thì đã đến lúc phải nói ra rồi”, anh chia sẻ.

Đọc nhiều nhất

Tin mới

Cận cảnh Honda CBR1000RR-R Fireblade 2025 tiền tỷ

Cận cảnh Honda CBR1000RR-R Fireblade 2025 tiền tỷ

Tham gia triển lãm Ô tô Việt Nam (VMS) 2024 khai mạc vào sáng ngày 23/10, Honda Việt Nam bên cạnh giới thiệu phiên bản nâng cấp của dòng xe Civic với khách hàng trong nước, còn tung ra chiếc siêu môtô Honda CBR1000RR-R Fireblade 2025 mới.
Chi tiết xe chạy điện Skoda Enyaq iV

Chi tiết xe chạy điện Skoda Enyaq iV

Tại VMS 2024, thương hiệu ôtô tới tới CH Séc Skoda đã mang tới trưng bày và giới thiệu khá nhiều mẫu xe đáng chú ý và một trong số đó là mẫu CUV thuần điện mang tên Skoda Enyaq iV 2025 mới.
Chi tiết Toyota Camry 2025 đầu tiên về Việt Nam

Chi tiết Toyota Camry 2025 đầu tiên về Việt Nam

Chiếc xe sedan cỡ D - Toyota Camry 2025 mới được nhập về Việt Nam để phục vụ cho việc trưng bày cũng như ra mắt các khách hàng tại triển lãm Vietnam Motor Show 2024 diễn ra vào ngày hôm nay 23/10.
Xe ga Suzuki US125 2024 giá chỉ 35,6 triệu đồng

Xe ga Suzuki US125 2024 giá chỉ 35,6 triệu đồng

 Thương hiệu Jinan Qingqi Suzuki tại Trung Quốc vừa cho ra mắt mẫu xe tay ga mang tên Suzuki US125T 2024 mới. Về ngoại hình, xe nổi bật với phong cách retro hoài cổ kết hợp cùng công nghệ hiện đại khá giống với những chiếc Piaggio Vespa.