Theo đó, Salim Khan, một người đàn ông 45 tuổi ở Odisha, Ấn Độ, bất ngờ bị rắn độc cắn khi đang làm đồng, anh lập tức tóm lấy con rắn và cắn lại, sau khi cắn, anh lấy con rắn quấn quanh cổ mình và đi khoe khắp mọi nơi như một chiến tích.
Người dân trong làng cho biết, trong lúc làm ruộng, Salim bị rắn cắn vào chân nhưng anh đã tóm lấy con rắn và dùng răng cắn lại một cách điên cuồng. Con rắn đã bị anh cắn chết. Sau khi thực hiện hành vi kỳ quái gây náo loạn, Salim cho hay, sau khi cắn chết con rắn, vì không muốn đốt trực tiếp nó nên anh treo tạm nó vào cổ và đem đi chôn sau đó.
Những người dân trong làng tiết lộ rằng, Salim tự nhận mình là một phù thủy, đó có thể là lý do khiến anh làm những hành động kỳ lạ này, sau đó, anh còn khẳng định rằng mình đã tự chữa khỏi bệnh một cách thần kỳ mà không cần đến bác sĩ.
Người đàn ông bị rắn hổ mang cắn và làm một điều mà dân mạng phải ‘mắt tròn mắt dẹt’. (Ảnh: Prameya) |
Hành động này của Salim được cộng đồng mạng cho rằng vô cùng lạ thường và nguy hiểm. Thông thường, khi bị rắn cắn, mọi người sẽ tránh xa con rắn và tìm cách cứu chữa, nhất là đó còn là một con rắn độc. Còn Salim lại làm ngược lại tất cả mọi việc, không phải vì anh tự tin tự chữa khỏi bằng các biện pháp khoa học mà bằng tâm linh. Điều này có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của Salim vì không được chữa trị kịp thời.
Trước đó, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí eLife vào năm 2020, có khoảng 1,2 triệu người đã chết do rắn cắn ở Ấn Độ trong 20 năm qua.
Cụ thể, gần một nửa số nạn nhân trong độ tuổi từ 30 đến 69 và một phần tư trong số họ là trẻ em.
Các loài rắn như hổ lục, cạp nong và hổ mang là thủ phạm trong hầu hết các ca tử vong do rắn cắn ở Ấn Độ. Những ca còn lại là do ít nhất 12 loại rắn khác gây ra.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng từ năm 2001 đến 2014, khoảng 70% trường hợp tử vong do rắn cắn đã xảy ra ở 8 bang của Ấn Độ.
Theo nghiên cứu, trung bình 1 người dân Ấn Độ có nguy cơ bị rắn cắn là khoảng 0,004%, nhưng ở một số khu vực nguy hiểm, tỉ lệ này ở mức 0,01%.
Các nhà nghiên cứu cho biết, những người sống trong vùng nông nghiệp ở nông thôn thường có nguy cơ bị rắn cắn cao nhất trong mùa gió mùa. Họ khuyến cáo những người dân ở khu vực này nên đeo ủng, găng tay và đèn pin khi thu hoạch mùa màng để giảm rủi ro bị rắn cắn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rắn cắn hiện là vấn đề “ưu tiên sức khỏe toàn cầu”. WHO cho hay, các biến chứng do rắn tấn công là một trong những bệnh nhiệt đới đang bị lãng quên.
Khoảng 81.000-138.000 người trên toàn cầu đã bị chết vì rắn cắn mỗi năm. Số người bị rắn cắn nhưng may mắn sống sót và để lại khuyết tật cả đời gấp 3 lần con số trên.