Theo thông tin đăng tải, Anh La, 27 tuổi, làm nghề lái máy xúc, sống ở huyện Đan Trại, châu Kiềm Đông Nam, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.
Mới đây, anh La và anh Vương đi chơi ven sông và bắt được hai con cua nước ngọt. Anh La nói rằng người dân địa phương đồn đại, cua là một vị thuốc, ăn cua sống thoải mái vì vậy hai người đều muốn thử nghiệm, mỗi người ăn một con.
Không ngờ, ngay ngày hôm sau, cả anh La và anh Vương đều bị tiêu chảy và nôn mửa liên tục. Lúc đó, hai người không nghĩ nhiều, cho rằng đau bụng tiêu chảy nên mua thuốc ở hiệu thuốc uống.
Đến nửa tháng sau, anh La cảm thấy tay trái không còn sức lực, cơ thể mềm nhũn, đau đầu, ho, đau bụng và tiêu chảy.
Ảnh minh họa. |
Vì thể trạng ảnh hưởng đến công việc nên anh La đến bệnh viện kiểm tra. La vẫn cho rằng đó chỉ là một cơn cảm lạnh, kết quả kiểm tra tại bệnh viện thực sự khiến anh bị sốc: CT sọ não cho thấy xuất huyết ở thùy đỉnh trái, chức năng đông máu bất thường rất nghiêm trọng và bạch cầu ái toan cao tới 57,4% (giá trị bình thường 0,5 - 5) .
Sau khi kiểm tra thêm, các bác sĩ phát hiện cơ thể anh La nhiễm nhiều loại ký sinh trùng khác nhau. Tiếp đó, diễn tiến bệnh của anh La chuyển nặng nên được đưa đến Bệnh viện trực thuộc Đại học Y Tuân Nghĩa để điều trị.
Bác sĩ Lưu Đồng Anh - khoa cấp cứu của bệnh viện cho biết, anh La bị xuất huyết não ở thùy thái dương và đỉnh bên phải, phù não ở thùy thái dương phải và thùy đỉnh, tràn khí màng phổi bên trái, tràn dịch màng phổi ở phổi phải.
Ngoài ra, thùy gan phải của La cũng bị tổn thương. Dựa trên kết quả khám nghiệm, bác sĩ kết luận, anh La sống ở khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm, con cua mà anh ăn sống chứa đầy ký sinh trùng và lây sang anh.
Sau đó, bác sĩ Lưu đã lập một kế hoạch điều trị cho anh La. Sau một thời gian, tình trạng của La khá hơn nhiều. Các triệu chứng chóng mặt, đau đầu giảm bớt. Hiện, chàng trai đã bình phục và xuất viện.
Theo bác sĩ, ký sinh trùng là sinh vật nhân chuẩn cấp thấp, có khả năng gây bệnh, có thể chính là mầm bệnh hoặc vật trung gian truyền bệnh, gây tổn thương ở các mức độ khác nhau đối với gan, ruột và não của con người. Một số ký sinh trùng có thể ấp trong 10 năm và có thể tồn tại đến 20 năm.
Ký sinh trùng rất phổ biến trong cuộc sống, con người và động vật là vật chủ cuối cùng của nó. Ký sinh trùng truyền qua vật chủ trung gian như cua, ốc… xâm nhập vào cơ thể người qua đường miệng, vỡ ra ở ống tiêu hóa, ấu trùng nhô ra và chui vào ổ bụng qua thành ruột, chui qua cơ hoành và chui vào khoang ngực, tiến đến phổi, dẫn đến nhiễm trùng lồng ngực và hình thành tràn dịch màng phổi.
Đồng thời ký sinh trùng phát triển trong cơ thể người sẽ làm ảnh hưởng nhiều loại mô và cơ quan khác nhau như não, tủy sống, đường tiêu hóa, khoang bụng và các mô dưới da, gây ra các triệu chứng tương ứng. Trong trường hợp nặng, sẽ để lại di chứng không thể hồi phục.
Qua chuyện này, bác sĩ đề nghị mọi người hãy xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh, tránh xa các bệnh nhiễm ký sinh trùng, không uống nước lã, không ăn thức ăn sống , rửa tay bằng xà phòng trước và sau bữa ăn. Hải sản, thủy sản, thịt phải nấu chín mới được ăn.
Mời quý độc giả theo dõi video: Cảnh báo những món ăn chứa cả ổ giun sán