GS, TS, NGND Đặng Kim Chi. |
Chung sức đặt nền móng cho lĩnh vực môi trường
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, GS. TS. NGND Đặng Kim Chi được giữ lại trường làm giảng viên của khoa Hóa. Năm 1978, trong công cuộc xây dựng đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì môi trường trở thành một vấn đề cấp thiết, bà được cử đi Cộng hòa Dân chủ Đức để đào tạo về lĩnh vực bảo vệ môi trường, với mong muốn đem những kiến thức quý giá được đào tạo ở nước ngoài để phát triển ngành môi trường còn rất mới mẻ ở nước ta. Sau khi về nước, bà đã cùng các cán bộ được đào tạo về lĩnh vực bảo vệ môi trường thành lập nhóm chuyên ngành về môi trường.
Năm 1994 nhóm chuyên ngành về môi trường được phát triển thành Trung tâm Khoa học và Công nghệ Môi trường, đến năm 1998 phát triển thành Viện Khoa học và Công nghệ môi trường. Theo bà, sự thành lập của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi các lứa kỹ sư chuyên ngành Kỹ thuật môi trường đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu được đào tạo từ thời điểm này. Từ đây, bà cùng các đồng nghiệp chung sức xây dựng nền móng cho lĩnh vực môi trường ở Việt Nam.
Trong quá trình hoạt động khoa học của bà, có những kỉ niệm không thể nào quên, bà tình cờ được tiếp cận một đề tài về đánh giá hiện trạng môi trường của ba loại hình làng nghề Việt Nam ở Bắc Ninh, Hưng Yên và Hà Tây vào năm 1999, bà nhận ra vấn đề môi trường của một loại hình sản xuất rất đặc trưng của Việt Nam này lại đang bị bỏ ngỏ.
Xuất phát từ suy nghĩ đó, bà quyết tâm đi sâu vào nghiên cứu và thực tiễn về môi trường ở các làng nghề. Càng tìm hiểu, bà lại càng nhận thấy được nhiều điểm đặc biệt của làng nghề Việt Nam, cũng như càng nhận thức được sự cấp thiết của việc giải bài toán về môi trường ờ loại hình sản xuất này. Bà cho rằng,làng nghề là một hình thức rất đặc thù của nông thôn Việt Nam và chỉ ở Việt Nam mới có nhiều làng nghề như vậy.
Đó là một hoạt động phi nông nghiệp nhưng lại tồn tại trong vùng nông thôn. Ra đời nhằm tận dụng lao động lúc nông nhàn nhưng lại kế thừa truyền thống của những sản phẩm phi nông nghiệp ấy và thương mại hóa. Ban đầu, các sản phẩm làng nghề chỉ được trao đổi mua bán trong làng xã nhưng rồi lại được mở rộng giao thương ra các tỉnh và thậm chí là xuất khẩu. Nói tóm lại đây là hướng phát triển kinh tế nông thôn rất đặc thù. Cũng chính vì là hoạt động kinh tế tự phát từ những người nông dân nên sản xuất làng nghề có nhiều điểm hạn chế nhất định.
Ví dụ: Công nghệ sử dụng lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ và xen kẽ với đời sống gia đình. Vì vậy, vấn đề chất thải phát sinh từ các hoạt động nghề thủ công thậm chí còn nhiều hơn các hoạt động hiện đại, quy mô lớn. Một trong những điều khiến bà băn khoăn nhất chính là việc các cơ sở sản xuất làng nghề thường nằm ngay trong khu dân cư, nên gây tác động trực tiếp đến những người dân vừa sinh sống vừa sản xuất tại đây. Nhận thức được trách nhiệm của mình về một vấn đề môi trường đang rất nóng, nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mực này, bà đã quyết định đi sâu vào lĩnh vực môi trường các làng nghề Việt Nam. Sau 16 năm nghiên cứu khoa học, công trình “Môi trường các làng nghề Việt Nam” đã khẳng định những giá trị to lớn góp phần giải quyết bài toán về ô nhiễm ở các làng nghề Việt Nam.
Một đời làm khoa học
GS. TS. NGND Đặng Kim Chi đã chủ trì và tham gia 42 đề tài, nhiệm vụ, dự án cấp nhà nước, cấp tỉnh, thành phố và bộ ngành thuộc lĩnh vực môi trường. Bà đã công bố 82 công trình, bài báo khoa học trên các tạp chí trong và ngoài nước, các hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế. Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, thiết kế mô hình, phần mềm đã được cấp “Quy trình chế tạo xúc tác oxit kim loại AB2O4 xử lý NOx trong khí thải Công nghiệp, Cục hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (2006), viết 12 đầu sách chuyên khảo, giáo trình.
Bà đã tham gia công tác giảng dạy liên tục từ năm 1972-1994 đào tạo ra các kĩ sư, thạc sĩ, tiến sỹ ngành Kỹ thuật Hóa học, xây dựng và phát triển ngành khoa học công nghệ Môi trường tại Đại học Bách khoa Hà Nội Bà cũng tham gia nhiều Hội đồng xét chọn và nghiệm thu các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ môi trường của các chương trình khoa học cấp nhà nước, các Bộ: Khoa học công nghệ, Tài nguyên Môi trường, Công thương, Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng từ nhiều năm nay.
Ngoài ra, Bà đã tham gia nhiều Hội đồng bình chọn các giải thưởng khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường với tư cách Chủ tịch, Phó Chủ tịch như: giải thưởng Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam Vifotec, lĩnh vực Bảo vệ Môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, Hội đồng giám khảo chấm giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc, Hội đồng giám khảo chấm giải Cuộc thi sáng tạo dành cho Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ II, Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học các cấp trường Đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sách vàng Sáng tạo khoa học Việt Nam từ nhiều năm nay. Bà là Phó Chủ nhiệm Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia lĩnh vực bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai 2 nhiệm kì KC08/10-15 và KC08/16-20...
GS, TS, NGND Đặng Kim Chi (thứ 5 từ phải sang) nhận Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020. |
Một gia đình trí thức
Trong ứng xử hằng ngày GS. TS. NGND Đặng Kim Chi luôn coi trọng chữ Tín, đồng cảm, giúp đỡ mọi người, sống giản dị, khiêm nhường. Sự tử tế trong bà có lẽ là kết quả bẩm thụ từ sự giáo dục của một gia đình trí thức có bề dày văn hoá. Bà là thứ nữ của cố Giáo sư, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ - một chuyên gia đầu tiên của Việt Nam về bệnh phong và bệnh da liễu, Chủ nhiệm bộ môn Da liễu Bệnh viện Bạch Mai, giáo sư Trường Đại học Y Hà Nội, nhà khoa học đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên, năm 1996, Bà cũng là em ruột của Giáo sư, Viện sỹ Đặng Vũ Minh – Chủ tịch danh dự Liên hiệp Hội Việt Nam hiện nay.
Sinh trưởng trong một gia đình có lòng yêu nước, yêu dân tộc, có truyền thống hy sinh, cống hiến cho cách mạng, gắn bó với đất nước từ những năm tháng khó khăn nhất, có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đổi mới, đó là tài sản vô giá của dân tộc. Với những gì để lại cho nền khoa học nước nhà, GS. TS. NGND Đặng Kim Chi cũng như gia đình bà luôn là niềm tự hào, là những con người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học của Vệt Nam.