(Kienthuc.net.vn) - Cầu siêu là một hình thức sám hối tội lỗi cho người quá vãng, mong hương linh (người chết - PV) có thần thức người được nhẹ nhàng, thảnh thơi và siêu sinh về nơi thế giới tịnh lạc.
Cầu siêu là một trong những nghi lễ Phật giáo
Cũng như nghi lễ cầu an, nghi thức cầu siêu gồm 3 phần: khóa lễ, chính kinh và hồi hướng. Hình thức này chủ yếu được tụng vào các dịp lễ tang, cúng giỗ, cúng cô hồn cho các hương linh chết oan, chết tự vẫn, chết bất đắc kỳ tử mà chưa được siêu thoát do nghiệp chướng hoặc thiếu sự gia trì của Tam bảo.
Đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông |
Nghi lễ cầu siêu xuất phát từ việc tôn giả Mục Kiền Liên làm trai đàn để cứu độ vong linh của thân mẫu đang bị cảnh khổ não dưới địa ngục vào ngày tự tứ Rằm tháng 7 (ngày Vu Lan báo hiếu - PV).
Do vậy, theo Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó chủ tịch HĐTS TƯGHPGVN, nếu cầu an là mong những điều tốt lành đến với những người còn sống thì cầu siêu là để cầu mong cho những người đã mất được siêu thoát về một thế giới tốt lành hơn.
Tuy nhiên, nghi lễ cầu siêu chỉ được tổ chức tại các nước theo truyền thống Bắc phương Phật giáo tức là Phật giáo Đại thừa. Dùng ảnh hưởng oai lực của câu Kinh tiếng kệ, bằng rung động của tình thương để dẫn dắt những linh hồn còn bơ vơ biết đường mà tìm về cõi giác.
“Từ một nghi lễ của Phật giáo, hiện nay cầu siêu dần dà đi vào đời sống của con người Việt vì nó phù hợp với truyền thống tốt đẹp của văn hóa và tín ngưỡng của người nhân dân ta” - HT Thích Gia Quang nhấn mạnh.
Mặc dù, nghi lễ cầu siêu là một hình thức bày tỏ lòng biết ơn, tôn kính hay thương xót nguời đã khuất song nghi lễ của Phật giáo không phải là một tập tục mà xuất phát từ tinh thần độ sinh. Cho nên những chuyện bày biện màu mè, hình thức âm thanh sắc tướng không phải là nghi lễ của Phật giáo.
Trong một bài pháp thoại, Thượng tọa Thích Chân Quang (Viện chủ Thiền tôn Phật Quang - Bà Rịa Vũng Tàu) cho rằng: “Việc cầu siêu là cần thiết, là nếp sống nhân bản rất đáng tôn trọng nhưng phải làm đúng cách mới mang lại lợi lạc cho cả người còn đang sống và người đã mất. Bởi cầu siêu nhằm cho âm siêu dương thới”.
Siêu thoát do nghiệp lực
Khi nói đến Phật giáo là phải nói đến thuyết: Vô ngã, Vô thường và Nhân quả. Mặc dù cầu siêu là nghi lễ của Phật giáo, tuy nhiên hương linh (người chết - PV) có siêu thoát được hay không là do nghiệp lực của mình.
Tỳ kheo Thích Đức Trí: “Người chết siêu thoát hay không là do nghiệp lực” |
Theo giáo lý nhà Phật, tất cả chúng sinh đã từng có nhân duyên nghiệp lực với nhau nhiều đời kiếp trong chốn sinh tử này. Do vậy, trong Kinh Trường Bộ, Đức Phật dạy: “Vô thỉ luân hồi, này các Tỳ - kheo, không dễ gì tìm thấy một chúng sinh trong một thời gian dài lại không một lần nào làm mẹ, làm cha”.
“Nhân sinh đều từ nghiệp mà sinh ra. Nghiệp ấy do tâm tạo, chuyển nghiệp cũng từ tâm mà chuyển. Khổ đau hay hạnh phúc thì do nghiệp quyết định. Do vậy ý nghĩa cầu siêu, cứu giúp người âm thoát khỏi khổ đau có hiệu quả hay không là do tâm lượng con người quyết định” - Theo Tỳ kheo Thích Đức Trí (chùa Tam Bảo ở Mỹ).
Theo đó, nếu khi còn sống, chúng ta gieo trồng những điều lành thì sẽ nhận được thiện nghiệp, còn ngược lại chúng ta sẽ nhận ác nghiệp. Đó chính là nghiệp lực của hương linh cần cầu siêu.
Ngoài nghiệp lực ra, khi cầu siêu chúng ta phải có tâm thành kính, có tình thương và lòng kính trọng người đã mất. Tình thương đó phải chân thành, biết đau xót và rung cảm trước cảnh khổ đau của người đã qua đời.
Ví như ai đã từng đọc kinh Vu lan mới thấy giọt nước mắt của Tôn giả Mục Kiền Liên đã khóc vì thương mẹ đến cầu Phật chỉ dạy pháp cứu độ.
“Đặc biệt là phải nhận thức rõ người qua đời mong mỏi điều gì và đời sống người sau khi chết ra sao thì nên đọc kinh điển Đại thừa như Kinh Vu lan; Kinh Địa tạng; văn Thủy sám và Lương hoàng sám” - Tỳ kheo Thích Đức Trí nhấn mạnh.
Cũng theo thầy Đức Trí thì người có đức hạnh từ bi thì có phước đức trong đời sống. Tín ngưỡng cầu siêu trong Phật giáo có nhiều lợi ích nhưng quan trọng nhất là giới thiệu cho mọi người nhận thức về thế giới quan của Phật giáo Đại thừa.
Bùi Hiền
[links()]