Ban Nội chính Trung ương mới đây có văn bản gửi TAND Tối cao đề nghị giải quyết sự việc ông Dương Thế Hảo (65 tuổi, trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh tòa án ở Hà Nội chậm trễ xử lý yêu cầu đòi trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội bồi thường thiệt hại. Trao đổi với báo chí, đại diện nhà trường cho biết, sẽ sớm có thông tin phản hồi, trường nhiều lần muốn hòa giải với ông Hảo nhưng bị từ chối.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. |
Ông Dương Thế Hảo thừa nhận từ chối hòa giải với nhà trường và đề nghị TAND quận Hai Bà Trưng sớm mở phiên tòa xét xử vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại theo đúng quy định pháp luật. Thời gian qua, ông Dương Thế Hảo nhiều lần đề nghị Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Bộ Giáo dục và Đào tạo đính chính thông tin trên bằng tốt nghiệp đại học của mình. Ông Hảo khẳng định tốt nghiệp đại học năm 1989, nhưng nhà trường nhầm lẫn, ghi tốt nghiệp năm 1994.
Trong đơn khởi kiện, ông Hảo cho biết sau khi xuất ngũ, ông về học tại trường Đại học Kinh tế quốc dân, khóa 26-27. Năm 1989, ông đã hoàn thành khóa học, vượt qua kỳ thi tốt nghiệp đại học. Hồ sơ cá nhân ông Hảo đã nộp vào trường khi nhập học và bị giữ suốt thời gian dài bao gồm Sơ yếu lý lịch cá nhân, Giấy khai sinh, Bằng tốt nghiệp và học bạ cấp 3, Quyết định xuất ngũ, Lý lịch quân nhân… Ông Hảo liệt kê thiệt hại của cá nhân mình trong đơn gửi tòa án như không thể đăng ký kết hôn, không thể đăng ký khai sinh cho các con ở Hà Nội, không thể cho con theo học các trường ở Hà Nội mà phải gửi về quê, dù tôi vẫn sống và làm việc ở Hà Nội.
Ông Hảo phản ánh tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1989 nhưng đến năm 2019 mới được nhà trường trả bằng. |
Ông Hảo cũng cho biết: "Tôi không thể mua bán các tài sản thiết yếu và quan trọng để phục vụ cuộc sống hàng ngày như ô tô, xe máy, nhà đất,… và không thể tiếp cận các chế độ ưu đãi dành cho bộ đội phục viên chuyển ngành. Đến năm 2004, ông Hảo mới làm được thủ tục "cắt khẩu" khỏi trường Đại học Kinh tế quốc dân về phường Vĩnh Hưng. "Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã từ chối trả bằng tốt nghiệp đại học và hồ sơ cá nhân cho tôi trong suốt 30 năm. Điều đó đã tước đi mọi cơ hội việc làm cùng các cơ hội thăng tiến về học vấn, nâng cao nghiệp vụ cũng như quyền công dân của tôi", ông Hảo nêu trong đơn gửi tòa án.
Do bị giữ các giấy tờ gốc nên đến năm 2004, ông Hảo mới làm được thủ tục "cắt khẩu" khỏi trường Đại học Kinh tế quốc dân. |
Đến năm 2018 tòa án ở Hà Nội thụ lý đơn khởi kiện đòi bằng cử nhân và giấy tờ gốc của ông Hảo. Đến năm 2019 nhà trường "bất ngờ" cấp bằng tốt nghiệp đại học và trả lại các giấy tờ gốc để ông Hảo rút đơn khởi kiện. "Hành vi nêu trên của trường Đại học Kinh tế quốc dân đã gây thiệt hại cho tôi về tinh thần và vật chất trong suốt mấy chục năm qua", ông Hảo nêu trong đơn gửi tòa án. Người đàn ông 65 tuổi đang tiến hành thủ tục thuê luật sư để tính toán cụ thể các thiệt hại mà gia đình mình gặp phải, từ đó đưa ra mức tiền yêu cầu nhà trường phải bồi thường như sau:
Không trả bằng tốt nghiệp Đại học thời gian 25 năm mỗi năm 120.000.000 đồng. Tổng cộng 3.000.000.000 đồng. Gây tổn thất tinh thần do hành vi không trả bằng thời gia 25 năm mỗi năm 100.000.000 đồng. tổng cộng 2.500.000.000 đồng. Mất cơ hội thăng tiến về học vấn và nghiệp vụ 1.200.000.000 đồng. Không trả học bạ và bằng cấp ba, lý lịch quân nhân, quyết định xuất ngũ gây tổn thất về vật chất và tinh thần trong thời hạn 30 năm là 1.200.000.000 đồng.
Làm mất cơ hội thụ hưởng chính sách ưu tiên cho người đã phục vụ quân đội (về quyền đi học,bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng bậc, nhà ở và các quyền lợi khác) là 720.000.000 đồng. Không được thụ hưởng 4 năm phục vụ quân đội mỗi năm 120.000.000 đồng tổng cộng là 480.000.000 đồng. Mất quyền nhân thân không làm được chứng minh nhân dân, hộ chiếu, không thể đăng ký kết hôn, đăng ký tạm trú trong thời gian15 năm mỗi năm 120.000.000 đồng, tổng cộng là 3.400.000.000 đồng.
Mất quyền sở hữu và định đoạt tài sản như mua bán ô tô, xe máy, nhà cửa đất đai trong thời gian 15 năm mỗi năm 500.000.000 đồng, tông cộng là 7.500.000.000 đồng. Ly tán gia đình, các con phải khai sinh, sinh sống và học tập tại quê nội hoặc ngoại 36.000.000 triệu x 17x2 = 1.080.000.000 đồng. Chi phí cho việc đi lại ăn ở nghỉ không lương cho việc đi khiếu kiện suốt 30 năm là 600.000.000 đồng. Chi phí thuê tư vấn, thuê luật sư theo các vụ kiện là 6000.000.000 đồng. Tổng cộng là 18.180.000.000 đồng.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, sự việc ông Dương Thế Hảo không được trả bằng cử nhân đúng thời hạn có thể thấy rất rõ có sự sai sót khi thực hiện công việc, nhiệm vụ được phân công của các cán bộ, viên chức tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Theo luật sư Hùng, căn cứ theo quy định tại Nghị định 27/2012/NĐ-CP, viên chức khi thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được phân công có lỗi gây thiệt hại cho người khác thì đơn vị sự nghiệp công lập phải bồi thường thiệt hại do viên chức thuộc quyền quản lý gây ra theo quy định của pháp luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vì vậy, Trường Đại học Kinh tế Quốc hoàn toàn phải có trách nhiệm phải bồi thường những thiệt hại phát sinh nếu có cho ông Hảo do lỗi của cán bộ, viên chức của mình gây ra.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Ngoài ra, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, quy định: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác. Như vậy căn cứ theo quy định pháp luật, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh có các điều kiện như: Có thiệt hại xảy ra, có hành vi xâm phạm quyền và lợi ích của người khác. Nếu ông Dương Thế Hảo có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh các thiệt hại của mình khi Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giữ bằng cử nhân như thiệt hại về sức khỏe, tinh thần; thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín; thu nhập thực tế bị mất;... thì hoàn toàn có cơ sở để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo đó, ông Hảo có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần. Tuy nhiên, nếu việc thỏa thuận không thành, ông Hảo hoàn toàn có thể khởi kiện một vụ án mới để yêu cầu Tòa án giải quyết, yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường thiệt hại cho mình. Tại Điều 588 Bộ luật Dân sự 2015, quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm".
>>> Xem thêm video: Chốt" phương án bồi thường cho hộ dân khu 4,3 ha ở Thủ Thiêm