Ngày 14/4, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng kiểm tra tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn qua tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn qua tỉnh Thanh Hóa có tổng chiều dài 98,8km, gồm 3 dự án thành phần: Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 với chiều dài 49,02km; Dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn với chiều dài 43,28km; Dự án Nghi Sơn - Diễn Châu với chiều dài 6,5km. Dự án đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có chiều dài, khối lượng giải phóng mặt bằng lớn.
|
Hầm Tam Điệp thuộc Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 đã hoàn thành. |
Với tầm quan trọng của Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đến ngày 20/10/2021, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành, bàn giao cho các Ban quản lý dự án và nhà thầu thi công 98,8km/98,8km, vượt tiến độ so với yêu cầu 10 ngày theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nguồn vật liệu cung cấp cho dự án đã được đáp ứng. UBND tỉnh Thanh Hóa đang xem xét giao đất, cho thuê đất đối với các mỏ đất của Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Hải Phát có trữ lượng được khai thác 946.588m3, công suất khai thác 230.000m3/năm) và mỏ đất tại Khu công nghiệp Đồng Vàng của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát có trữ lượng 1.820.423m3, công suất 600.000m3/năm. Các chủ mỏ đất trên đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để thuê đất, dự kiến sẽ khai thác trong tháng 5-2023, đáp ứng nhu cầu đất đắp của Dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trực tiếp đến kiểm tra đoạn từ nút giao Mai Sơn (gói thầu xây lắp 10) đến nút giao thông Đông Xuân (gói thầu xây lắp 14), thuộc Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45; các gói thầu thuộc Dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Dự án Nghi Sơn - Diễn Châu. Tại các nơi kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã nắm bắt tiến độ triển khai dự án, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thi công của các nhà thầu và địa phương.
Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo tình hình triển khai các dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng trong liên kết vùng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước nói chung và các địa phương có dự án đi qua nói riêng.
Theo dự kiến, Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ thông tuyến và đưa vào sử dụng từ ngày 30/4/2023, vì vậy, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đề nghị các Ban QLDA phát huy vai trò, trách nhiệm vào cuộc quyết liệt, đôn đốc, giám sát các nhà thầu khẩn trương thi công hoàn thành công tác thảm mặt đường một số đoạn còn lại, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thiện các tuyến đường gom và hộ lan, kẻ vạch đường để sớm phục vụ việc đi lại của nhân dân.
Được biết, với khoảng cách từ TP Thanh Hoá đến TP Hà Nội là hơn 160km bình thường phải mất từ 2 giờ 30 phút đến 3 giờ, tuỳ thuộc vào thời điểm trên đường. Còn đi cao tốc từ Hà Nội về Thanh Hoá chỉ mất khoảng 2 giờ, rút ngắn khoảng hơn 30 phút đến 1 giờ.
Đối với Dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 2/9/2023, quỹ thời gian còn lại rất ngắn, chậm tiến độ so với kế hoạch. Để đảm bảo tiến độ của dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đề nghị Ban quản lý dự án, các nhà thầu cần rà soát, đánh giá lại kế hoạch thực hiện các gói thầu thuộc Dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn.
Đồng thời, lên đường găng tiến độ dự án từ thời điểm 14/4 đến 30/8 và các nhà thầu cần bám vào đường găng tiến độ để thi công các hạng mục công trình. Bên cạnh đó, huy động tài chính và nhân lực, phương tiện, máy móc đẩy nhanh tiến độ dự án theo đúng kế hoạch để kịp hoàn thành, đưa vào sử dụng từ ngày 2/9/2023. Quá trình triển khai thi công phải bảo đảm chất lượng kỹ thuật, cần đặt lợi ích của đất nước, lợi ích của Nhân dân lên trên hết.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với các Ban quản lý dự án giải quyết một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu thi công dự án thành phần, bảo đảm đúng và vượt tiến độ đề ra.