Người dân xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn ngày ngày ca tụng, lấy hình ảnh một ngư phủ khiếm thị để làm gương răn dạy con cháu về nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Lặn sâu chục mét bình thường
Ngư phủ ấy chính là Lê Viết Hải (67 tuổi), ở thôn Phú Hải. Hôm chúng tôi đến ông không ra khơi như mọi ngày mà dầm mình dọc bờ biển Kỳ Phú “mò” hến.
Ông Hải đang dầm mình dọc bờ biển Kỳ Phú “mò” hến. |
Phải đi bộ gần 2km chúng tôi mới đến được địa điểm ông đang “hành nghề”. Không biết có người lạ đến, mặt vẫn “bán” cho đất, lưng vẫn “bán” cho trời, đôi tay ông thoăn thoắt mò mẫm dưới bãi cát nhặt từng con hến cho vào đạy (túi đựng bằng lưới - PV), dưới chân ông sóng biển trắng xoá vỗ vào bờ. Cứ thế bắt hết vị trí này ông lại dời đến vị trí khác, chẳng cần gậy gộc dẫn đường như những người khiếm thị khác tôi từng thấy, đôi chân ông bước đi chắc nịch, dứt khoát. Quả thực nếu chỉ nhìn vào bước chân, dáng đi của ông chẳng ai có thể nhận ra đấy là một ngư phủ khiếm thị.
Ngưng tay khi chúng tôi gọi, ông cởi mở nở nụ cười tươi rói để lộ “hàm răng” chỉ còn vài ba chiếc rồi chậm rãi nhặt từng ký ức, kể: Năm lên 5 tuổi, sau dịp Tết Nguyên đán ông bị đau mắt nhưng lúc bấy giờ điều kiện gia đình khó khăn nên cha mẹ không có tiền đưa ông đi bệnh viện chạy chữa, chỉ mời thầy lang đến “lể”, đắp thuốc. Ít ngày sau, mắt ông mờ dần rồi khiếm thị hẳn. Ông bắt đầu tập làm quen dần với cuộc sống chỉ có bóng đêm.
Khi còn sống chung với bố mẹ ông phải đi chăn bò cho hợp tác xã (HTX) lấy điểm đổi gạo ăn. Để biết được đâu là bò của mình ông dùng tay cảm nhận từng chi tiết, đặc điểm trên cơ thể con bò, hiểu “tính tình” từng con một rồi dùng trí óc, tay chân mình để phân biệt với bò hàng xóm. Ruộng HTX chia cho gia đình, sau một vài lần đi cùng người dẫn đường, lần sau ông tự tìm đến bón phân, bón đạm, chăm sóc lúa... Thời gian này, ông cũng theo ngư dân trong thôn ra biển học mò hến, bắt tôm.
Năm 35 tuổi ông kết duyên với một phụ nữ trong xã nhưng chỉ sống chung với nhau được vài tháng. Hai năm sau đó ông gặp người phụ nữ là vợ ông bây giờ, bà Nguyễn Thị Thuận. Hai vợ chồng sinh được 3 người con, 2 trai, 1 gái. Lúc bấy giờ gia đình quá nghèo khó, bà Thuận giao lại ba đứa con thơ cho ông Hải (đứa lớn lớp 2; đứa vừa lớp 1; đứa nhỏ hơn 3 tháng) ngược ngàn lên cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) làm thuê, kiếm sống. Một mình gà trống nuôi con nhưng ông bảo rằng không có việc gì ông không làm được, từ lên rừng kiếm củi, bửa củi đến xuống biển bắt cá, bắt tôm; đi xin sữa cho con bú, nấu ăn, giặt giũ, đưa con đi học...
Sau hơn 3 năm xa xứ, bà Thuận trở về. Lúc này ông Hải quyết định vươn khơi. Ngặt một nỗi mắt kém, vốn liếng đóng thuyền không có nên ông xin làm thuê cho cá tàu thuyền trong xã. Ban đầu các thuyền trưởng ái ngại, sợ ông bị mù gặp nguy hiểm, không làm được việc nên từ chối nhưng kiên trì mãi, cuối cùng ông cũng được một vài bạn thuyền cho đi thử.
“Dù là người có sức khỏe nhưng vì mắt không nhìn thấy gì nên nhiều lần kéo lưới vấp ngã chết đi sống lại. Lâu dần “trăm hay không bằng tay quen”, bây giờ việc kéo lưới, lặn dưới độ sâu hơn chục mét với tôi dễ như trở bàn tay”, ông Hải tự tin nói.
Gỡ lưới dưới đáy biển
Tiếp tục câu chuyện, ông bảo: Mỗi chuyến ra khơi bắt đầu từ 14-15h đến khoảng 19h tối vào bờ, hôm nào muộn thì đi xuyên đêm. Chủ thuyền trả công tùy theo sản lượng hải sản đánh bắt được, bình quân mỗi chuyến ông được trả từ 150.000 - 200.000đ, đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày trong gia đình. Hôm nào biển động, không ra khơi đánh cá thì ông xách đạy đi học bờ biển mò hến.
Sau khoảng 2 tiếng bắt hến ông thu được 6-8kg. |
Bây giờ dân Kỳ Phú nói về ông như một “siêu nhân”. Ông không chỉ giỏi mò hến mà còn giỏi cả việc ngụp lặn gỡ lưới. “Lần đầu, khi nghe các thuyền viên bảo với nhau lưới bị mắc vào đá, tôi xin mọi người lặn xuống gỡ lưới. Nghe tôi nói, một số người sợ, bởi từ trước tới nay chỉ thấy tôi lặn phía trong bờ chứ ngoài khơi này chưa thấy. Năn nỉ mãi mọi người đồng ý và sau lần lặn xuống đáy biển gỡ lưới thành công đó, về sau tôi được các chủ thuyền tin tưởng cho lặn xuống đáy biển mỗi khi lưới mắc vào đá”, ông Hải kể.
Theo lão ngư Hải, việc gỡ lưới mắc vào đá ngầm là việc làm hết sức khó khăn và nguy hiểm đối với cả những người mắt sáng chứ đừng nói đến người mù cả hai mắt như ông. Theo đó, người gỡ lưới phải mò mẫm sắp xếp thứ tự gỡ từng mắt lưới sao cho cá trong lưới không có cơ hội thoát ra ngoài, đồng thời phải giữ cho thân mình không bị mắc vào lưới.
Một chủ tàu cá thường xuyên thuê ông Hải đi biển thán phục nói: “Mặc dù bị mù 2 mắt, thân hình gầy còm nhưng với ông Hải không có việc gì là trở ngại. Ông có kinh nghiệm đi biển từ nhỏ nên việc kéo lưới, lặn gỡ lưới mắc đá ngầm không có gì khó khăn, thậm chí còn thành thạo hơn cả những thuyền viên trẻ tuổi, mắt sáng”.
Đối với “nghề” bắt hến, cách làm của ông cũng khác hẳn với người mắt sáng. Tôi hỏi ông sao không bắt trên cạn như hàng xóm? Ông Bảo: “Người mắt sáng có thể nhìn được con hến đã chết, bụng rỗng phơi giữa cát để tránh, còn tôi bị khiếm thị nên phải mò dưới nước mới cảm nhận được con hến còn sống mà bắt”.
Cứ như vậy, suốt hai tiếng đồng hồ, một chiếc đạy đeo dưới cổ, hai tay mò cát đi thụt lùi ông Hải thu hoạch được 6-8kg hến, bán với giá 30.000đ/kg, trung bình mỗi buổi ông thu nhập 180.000đ - 240.000đ.
Chị Dương Thị Thu, thôn Phú Hải, “đồng nghiệp” bắt hến với ông Hải, cho hay: “Ông ấy tài lắm, mắt không thấy đường nhưng đi trên bãi biển cứ băng băng. Chúng tôi mắt sáng bắt trên bờ cát ba bốn tiếng đồng hồ không bằng ông ấy bắt dưới nước vài tiếng. Ở cái xã biển này, ông ấy được đánh giá là người có nghị lực và siêng năng nhất nhì đó”.
Chị Thu cũng nói rằng, tuy hai vợ chồng ông Hải rất nỗ lực nhưng hoàn cảnh gia đình vẫn chồng chất khó khăn.
Trời xế trưa, sóng biển vẫn vỗ rì rào. Trên bờ cát gần chục người dân thôn Phú Hải miệt mài đào, bới cát bắt hến, ông Hải cũng ngưng cuộc trò chuyện với chúng tôi trở lại với công việc thường ngày của mình. Với ông, nghề đi biển đã ăn sâu vào máu thịt nên dù đôi mắt có bị mù cũng không ngăn được ông bám biển mưu sinh.
Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú Trần Đình Hậu: “Ông Lê Viết Hải là một người đàn ông giàu nghị lực. Mặc dù mù cả 2 mắt nhưng ông không đầu hàng số phận, luôn luôn nỗ lực để sinh hoạt, làm việc được như người bình thường. Trường hợp ngư dân mù có thể vươn khơi đánh bắt cá như ông Hải đúng là hiếm có, khó tìm”.