Chủ đề của Ngày Quốc tế Thanh thiếu niên năm nay, Liên Hợp Quốc mong muốn nhấn mạnh sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số và việc trao nhiều quyền quyết định hơn cho những người trẻ thông qua các công nghệ kỹ thuật số này.
Liên Hợp Quốc trao quyền cho người trẻ
Thiết bị di động, dịch vụ và trí tuệ nhân tạo đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Ước tính, công nghệ kỹ thuật số và dữ liệu sẽ đóng góp ít nhất 70% vào các Mục tiêu Phát triển bền vững, đồng thời giúp giảm chi phí lên tới 55.000 tỷ USD để đạt được các mục tiêu này.
Hiện nay, những người trẻ tuổi đang đi đầu trong việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số và tiên phong trong các sáng kiến đổi mới. Trong bối cảnh thời hạn năm 2030 cho các Mục tiêu Phát triển bền vững đang đến gần, vai trò của thanh, thiếu niên trong việc thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số là vô cùng cần thiết để giải quyết các thách thức toàn cầu và thanh niên cần được trao quyền để định hình tương lai.
Phát biểu trước báo giới, ông Michal Mlynar, Quyền Giám đốc Điều hành Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: "Trao quyền cho thanh niên và đổi mới kỹ thuật số là cần thiết để tạo ra một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người. Kỷ niệm Ngày thanh niên quốc tế, chúng ta hãy cùng nhau tái cam kết khai thác tiềm năng đổi mới và lãnh đạo của thanh niên. Chúng ta hãy cùng nhau làm việc để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và đảm bảo rằng mọi người trẻ có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững và toàn diện của xã hội".
Ngày Quốc tế Thanh thiếu niên được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 12/8/2000, đánh dấu sự khởi đầu của một sự kiện thường niên được thiết kế để thu hút sự chú ý đến các vấn đề mà thanh, thiếu niên trên toàn thế giới đang phải đối mặt.
Theo Liên Hợp Quốc, Ngày Quốc tế Thanh thiếu niên nhắc nhở một sự thật cơ bản, đó là thế giới cần những người ở mọi lứa tuổi, trong đó lấy thanh thiếu niên làm trọng tâm để cùng chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả. Để làm được điều đó, các quốc gia cần hỗ trợ người trẻ tuổi bằng các khoản đầu tư lớn vào giáo dục và xây dựng kỹ năng, hỗ trợ bình đẳng giới và mở rộng cơ hội cho người trẻ tham gia vào đời sống chính trị - xã hội.
Nhân kỷ niệm 24 năm Ngày Quốc tế Thanh thiếu niên, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẳng định, chỉ lắng nghe là chưa đủ mà cần đưa người trẻ vào các cơ chế ra quyết định ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế: "Trên khắp thế giới, những người trẻ đang biến những cú nhấp chuột thành tiến bộ, tận dụng tối đa các công cụ kỹ thuật số để giải quyết các thách thức cục bộ và toàn cầu - từ biến đổi khí hậu đến bất bình đẳng gia tăng cho đến cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần đang gia tăng. Nhưng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi một sự thay đổi lớn - điều này chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta trao quyền cho những người trẻ tuổi và làm việc với họ như những người bình đẳng".
Nhân Ngày Quốc tế Thanh thiếu niên (12/8), Tổ chức Lao động Quốc tế ILO đã công bố báo cáo "Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên 2024".
Báo cáo đã cung cấp cái nhìn toàn diện về xu hướng việc làm của thanh niên toàn cầu trong những năm gần đây.
Theo đó, triển vọng thị trường lao động toàn cầu dành cho người trẻ đã được cải thiện trong 4 năm qua và xu hướng tăng này dự kiến sẽ tiếp tục trong 2 năm nữa.
Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên năm 2023 ở mức 13%, tương đương với 64,9 triệu người, là mức thấp nhất trong 15 năm qua và giảm so với tỷ lệ trước đại dịch COVID-19 là 13,8% vào năm 2019.
Dự kiến tỷ lệ này sẽ giảm thêm xuống còn 12,8% vào năm nay và năm tiếp theo.
Báo cáo cũng cảnh báo về tình trạng lao động giản đơn ngày càng tăng đối với những người trẻ tuổi và khoảng cách ngày càng lớn giữa nguồn cung ứng lao động trẻ mới tốt nghiệp và số lượng công việc phù hợp mà họ có thể đảm nhận.