"Ngày hôm nay đẹp lắm thật mà..." (Thư pháp: Thích Nhất Hạnh). |
Lựa chọn bình yên…
Tôi nhớ lời Phật dạy, “tướng từ tâm sinh”, nên nét từ bi, nhân ái sẽ thấm nhuần qua ánh mắt, nụ cười.
Có đôi khi, cái đẹp nơi một con người trong mắt một ai đó không phải đến từ cái mặt sáng ngời. Ảnh minh họa. |
Tôi trả lời với P., rằng tôi ủng hộ em, không phải vì em bỏ việc mà vì quyết định ấy là quyết định mang tên khí tiết, em phải gìn giữ lòng tôn quý và ngưỡng vọng đến cùng bậc Thầy của mình, em thà mất việc chứ không thể chịu nghe người ta phỉ báng Thầy mình dẫu em cũng hiểu, rất hiểu về nhân-quả, ai ăn nấy no, gieo chi thì gặt nấy. Người ta phỉ báng một bậc Thánh, bậc Thầy đáng kính thì họ tổn hại phước đức, không ảnh hưởng tới em. Nhưng, làm sao em có thể cộng sự với một người mà ở nơi họ không hề có niềm tôn kính bậc Thầy của mình, lại còn không tôn trọng niềm kính ngưỡng riêng tư của em?
Tôi hiểu cảm giác đó, hiểu đến cùng cái khó khăn của một quyết định mà em đã phải đắn đo không phải ngày một ngày hai, mà là cả một quá trình nhẫn nhịn, vượt qua. Nhưng, sức người vốn có hạn, sự tu cũng là một quá trình tập tành, biết là bậc Thầy khả kính đó sẽ không chấp trách những lời nặng nhẹ, phỉ báng của chúng sinh nhưng trong vai học trò thì em sẽ không thể thỏa hiệp, làm cộng sự cho họ, dẫu ở đó em sẽ có một chỗ làm, nơi em rèn nghề và mưu sinh.
Ai sinh ra là người thì đều phải lao động, kiếm sống như một bản năng sinh tồn và phát triển, nhưng, không phải ta sẽ cam chịu để thỏa hiệp với cái xấu, cái ác để được sống, vì ngoài cái sống của thể xác, tâm hồn ta cũng cần phải ăn.
Người ta nói, “đói cho sạch” chính là ở ý nghĩa này nữa, ta thà chịu đói, thậm chí thân hoại mạng vong chứ mình không thể sống trên sự thiếu từ bi, dựa vào những kẻ xấu ác, hợp tác với những điều vô luân, bất nhân, bất nghĩa để sống. Bởi sự sống ấy nếu có thì chỉ là cái sống giản đơn của một sinh thể, còn sự tồn tại theo nghĩa tinh thần, phẩm chất cao thượng thì không có mặt ở đây.
Cũng là về P., tôi nhớ có lần em chia sẻ, rằng, “em thấy cô bạn xinh xinh, muốn tìm hiểu, nhưng một lần nghe người đó khen ăn thịt chó, giò hầm, heo quay, gà rô-ti ngon, thèm ăn những món được vay mượn từ xương thịt chúng sinh khác... tự nhiên em mất thiện cảm, không thể quen được, dẫu họ cũng thích mình”.
Có đôi khi, cái đẹp nơi một con người trong mắt một ai đó không phải đến từ cái mặt sáng ngời, mái tóc đen mượt, làn da tươi mát, mà nó đến từ lòng từ bi, sự thương quý con người và muôn loại nơi người kia.
Không ai phủ nhận những cái đẹp bên ngoài là dễ hút người ta về mặt ánh nhìn, xúc chạm bằng các giác quan. Nhưng, đằng sau những cái đẹp hình thể, thuộc về mắt thấy, tai nghe, tay chạm... thì tâm hồn trong sáng, tinh anh, sạch sẽ từ ý-khẩu-thân nhiều khi mới là điều thuyết phục người khác tin tưởng, yêu thương, trao gửi cảm xúc, tình thâm. Có lẽ vì thế mà có những người đẹp chỉ để nhìn rồi thôi, thậm chí nếu họ biết đằng sau vẻ ngoài đẹp đẽ ấy là dao găm, là thuốc độc, là thiếu chất người tối thiểu... thì người ta cũng chẳng nhìn, còn tìm cách hủy hoại.
Tôi nhớ lời Phật dạy, “tướng từ tâm sinh”, nên nét từ bi, nhân ái sẽ thấm nhuần qua ánh mắt, nụ cười, và, người ta sẽ cảm được và mình sẽ trở nên gần gụi, ưa nhìn đối với số đông dẫu mình chưa phải là người hoàn hảo.
Mong là em sẽ vững chãi, và tin là nơi em luôn gìn giữ được thiên lương trong sáng từ việc biết khước từ những cơ hội làm việc, những cái đẹp bên ngoài vì ở bên trong nó ngầm chứa những điều không đẹp, không dựa trên nền tảng bi-trí của Phật dạy!