Ngành Dệt may trên đà hồi phục là nhận định của Chứng khoán VNDirect trong báo cáo vừa công bố.
Hoạt động xuất khẩu đã cho thấy sự phục hồi, KQKD 6 tháng phân hóa
7 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu toàn ngành Dệt may của Việt Nam giảm 16,7% so cùng kỳ, đạt mức 21,5 tỷ USD (theo số liệu ước tính từ Bộ Công Thương). Hoạt động xuất khẩu chịu ảnh hưởng từ nhu cầu yếu tại các thị trường lớn, trong bối cảnh chi phí đi vay cao và kinh tế tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên dữ liệu qua các tháng đã cho thấy sự phục hồi, giá trị xuất khẩu toàn ngành trong tháng 7/2023 đã tăng 4,1% so với tháng trước, đạt 3,65 tỷ USD (sau khi tăng 13,2% trong tháng 6).
Tổng doanh thu và lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp Dệt may niêm yết trong nửa đầu năm 2023 lần lượt giảm 17,5% và 73% so cùng kỳ, chủ yếu chịu tác động từ tiêu thụ yếu trong lĩnh vực vải và hàng may mặc và phi phí lãi vay tăng 42,5% so cùng kỳ.
Biên lợi nhuận gộp của toàn ngành giảm 4,3 điểm % do các nhà cung cấp xơ sợi phải giảm giá bán trong khi các nhà sản xuất vải và hàng may mặc vẫn đang chịu chi phí đầu vào cao.
Tình trạng sức tiêu thụ yếu đối với các sản phẩm may mặc kéo dài khiến cho lượng hàng tồn kho của của các nhà sản xuất duy trì ở mức cao cho đến quý 2/2023, dẫn đến đơn hàng mới sụt giảm và kết quả kinh doanh theo đó lao dốc tại các doanh nghiệp may.
Sơ lược KQKD của các doanh nghiệp Dệt may niêm yết |
Trong 6 tháng 2023, doanh thu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (UpCOM: VGT) giảm 15,5% so cùng kỳ về 8.119 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận ròng chỉ đạt 62,3 tỷ đồng, giảm mạnh 88,4% do chi phí lãi vay tăng 57% khi chiếm 189,4 tỷ đồng và công ty gia tăng trích lập dự phòng lên 71,8 tỷ đồng (từ mức 13,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022).
Đối mặt với những khó khăn tương tự trong việc doanh số bán hàng sụt giảm và chi phí tài chính tăng cao, CTCP May Sông Hồng (HOSE: MSH) chứng kiến doanh thu giảm 20,4% so cùng kỳ về mức 2.179 tỷ đồng và lợi nhuận ròng giảm 41% về mức 110,6 tỷ đồng sau 2 quý đầu năm 2023. Trong khi CTCP Dệt May Thành Công (HOSE: TCM) ghi nhận doanh thu 6 tháng 2023 đạt 1.591 tỷ đồng (giảm 26,7%) và lợi nhuận ròng đạt 56,4 tỷ đồng (giảm 55,9%).
Doanh thu lũy kế 6 tháng của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) tăng nhẹ 2,8% lên 3.334 tỷ đồng nhờ thực hiện các đơn hàng đã ký trong quý 4/2022, tuy nhiên lợi nhuận ròng của công ty đã sụt giảm 21,3% về mức 98,6 tỷ đồng.
Nhờ giảm ghi nhận khoản hàng bán trả lại (giảm 70,4% về mức 759,3 triệu đồng trong 6T2023), doanh thu của Tổng CTCP May Việt Tiến (UpCOM: VGG) tăng 6% lên 4.124 tỷ đồng và lợi nhuận ròng cũng chỉ giảm nhẹ 0,2% về mức 76,4 tỷ đồng.
Riêng đối với MSH, doanh nghiệp đã bù đắp lượng đơn hàng sụt giảm từ các khách hàng hiện có bằng việc tìm kiếm và ký kết hợp đồng mới, qua đó ghi nhận doanh thu Q2/23 đạt 1.542 tỷ đồng – tăng trưởng ấn tượng ở mức 142% so với quý trước. Lợi nhuận ròng của công ty trong kỳ đạt 75,9 tỷ đồng, tăng 119% so với Q1/23.
Mặt khác, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sợi đã cải thiện dần từ trong nửa đầu năm 2023 khi giá nguyên liệu cotton đã giảm đáng kể so với vùng giá trong nửa đầu năm 2022 và nhu cầu từ thị trường Trung Quốc trở lại. CTCP Damsan (HOSE: ADS) ghi nhận doanh thu 6T2023 tăng 14,1% so cùng kỳ lên 970 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận ròng giảm 20,7% so cùng kỳ về 37,3 tỷ đồng chủ yếu do phải gia tăng chi phí cho việc nâng cấp máy móc (từ mức 10,6 triệu đồng của cùng kỳ năm 2022 lên 3,3 tỷ đồng). Tính riêng Q2/2023, doanh thu và lợi nhuận ròng của công ty đều tăng trưởng tích cực, lần lượt tăng 66,7%/ 13,4% so cùng kỳ và tăng 129,2%/89,2% so Q1/2023.
Các doanh nghiệp sản xuất sợi polyester ghi nhận mức tăng trưởng yếu hơn do có nền cao trong 6T2022. Doanh thu và lợi nhuận ròng của Tổng CTCP Phong Phú (UpCOM: PPH) lần lượt giảm 13,0%/34,6% so cùng kỳ về mức 781 tỷ đồng và 210 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm 2023. Doanh thu của CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) giảm 40,6% so cùng kỳ về mức 695 tỷ đồng, lợi nhuận ròng sụt giảm 73,4% so cùng kỳ (về mức 39 tỷ đồng) sau khi chi phí lãi vay tăng mạnh 203% so cùng kỳ (lên 8,6 tỷ đồng) trong 6T2023. Tuy nhiên nhu cầu đối với sản phẩm thuộc phân ngành này đã và đang dần phục hồi, trong quý 2 STK đã ghi nhận doanh thu tăng 41,5% so với quý trước (đạt 407,3 tỷ đồng) và lợi nhuận ròng gấp 22 lần so với Q1/2023 (đạt 37,5 tỷ đồng).
Nhu cầu cho sản phẩm phân khúc thượng nguồn sẽ tích cực hơn, thị trường Mỹ sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng của nhóm trung và hạ nguồn từ 2024
Theo VNDirect, tình trạng tiêu thụ yếu đối với các sản phẩm may mặc mặc kéo dài khiến cho lượng hàng tồn kho của của các nhà sản xuất duy trì ở mức cao cho đến Q2/2023, dẫn đến đơn hàng mới sụt giảm và kết quả kinh doanh theo đó lao dốc tại các doanh nghiệp may.
Mặt khác, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sợi đã cải thiện dần từ trong nửa đầu năm 2023 khi giá nguyên liệu cotton đã giảm đáng kể so với vùng giá trong nửa đầu năm 2022 và nhu cầu từ thị trường Trung Quốc trở lại.
Nhu cầu cho các mặt hàng ngành Dệt may có xu hướng tăng cao vào quý cuối năm để phục vụ cho các dịp lễ, Tết, do đó VNDirect kỳ vọng hoạt động xuất khẩu các sản phẩm ở khâu thượng nguồn (xơ sợi) sẽ sôi động hơn kể từ Q3/2023. Chỉ số giá đầu vào cho các nhà sản xuất sợi ở Trung Quốc đã tăng lên trong tháng 5 và 6, cho thấy nhu cầu đang phục hồi. VNDirect kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ cho thấy các tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn vào Q4/2023-Q1/2024.
VNDirect kỳ vọng nhu cầu cho các sản phẩm vải và may mặc tại Mỹ sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng kể từ Q1/2024 nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô trở nên tích cực hơn. VNDirect thấy rằng công cuộc kiểm soát lạm phát của Mỹ đang tiến triển tích cực, VNDirect kỳ vọng chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ đảo chiều sau năm 2023, điều này sẽ giúp dần cởi bỏ gánh nặng lên sức tiêu thụ tại các mặt hàng không thiết yếu – trong đó bao gồm quần áo và các sản phẩm khác của ngành Dệt may.
Trong bối cảnh đó, VNDirect ưa thích STK và đưa ADS, TNG, MSH vào danh mục theo dõi.