Phần lớn ghi nhận lợi nhuận tăng, Bảo Việt vẫn giữ vị trí đầu ngành
9 tháng năm 2019, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) vẫn tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về thị phần ở cả hai mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.
Bảo Việt ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với tổng doanh thu hợp nhất đạt 23.985 tỷ đồng, tăng 15% so với 9 tháng năm 2018. Trong đó tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 18.198 tỷ đồng, tăng trưởng 17,4%. Lãi ròng của Bảo Việt trong 9 tháng đạt gần 1.005 tỷ đồng, tăng 12% so cùng.
Tổng tài sản tại ngày 30/9 của Bảo Việt đạt gần 121.900 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm trước. Trong đó các khoản đầu tư ngắn hạn tăng 13% lên 62.355 tỷ đồng, đầu tư tài chính dài hạn tăng nhẹ 1,4% lên 41.572 tỷ đồng.
Hiện nay, Bảo Việt đang là một trong số những doanh nghiệp có số dư quỹ dự phòng nghiệp vụ lớn nhất trong ngành với 82.513 tỷ đồng.
Tại CTCP PVI (PVI), trong 9 tháng tổng doanh thu đạt 4.565 tỷ đồng, tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Lãi ròng ghi nhận ở mức 600 tỷ đồng, tăng hơn 33% so cùng kỳ, chủ yếu nhờ kết quả khả quan trong 2 quý đầu năm 2019.
Tại thời điểm cuối tháng 9, PVI ghi nhận giá trị tài sản ngắn hạn gần 20.219 tỷ đồng, tăng gần 22% so với hồi đầu năm. Trong đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm gần 8.160 tỷ đồng, khoản phải thu ngắn hạn 10.605 tỷ đồng.
Ngược lại, khoản nợ phải trả ngắn hạn của PVI cũng tăng gần 24% lên mức 15.542 tỷ đồng. Trong đó, khoản dự phòng phải trả ngắn hạn chiếm hơn 11.765 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp bảo hiểm lãi lỗ thế nào trong 9 tháng năm 2019. |
Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) cũng báo lãi tăng trong quý 3/2019. Theo đó, Công ty có lãi sau thuế trong quý đạt gần 63 tỷ đồng, tăng đến 42% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân lãi tăng cao là do lãi hoạt động tài chính tăng đến 18%, lãi kinh doanh bảo hiểm tăng đến 64% so với cùng kỳ.
Lũy kế trong 9 tháng, BIC có lãi ròng đến 185 tỷ đồng, tăng 28% so với 9 tháng năm 2018.
Chỉ riêng Bảo Minh (BMI) đi ngược thị trường khi 9 tháng chỉ có lãi gần 138 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ gần 165 tỷ đồng, tương đương giảm 16% do sự sụt giảm lợi nhuận của 2 quý liền trước.
Tuy nhiên xét riêng trong quý 3 thì lợi nhuận của BMI ăng 30% so cùng kỳ, đạt hơn 46 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu phí bảo hiểm gốc trong quý tăng gần 182 tỷ đồng trong khi phí nhượng tái lại giảm gần 24 tỷ đồng. Cụ thể doanh thu tăng chủ yếu là từ nhóm nghiệp vụ bảo hiểm tín dùng người vay, có đặc điểm là không phát sinh phí nhượng tái, các chi phí khác theo doanh thu có tăng nhưng thấp hơn giá trị gia tăng của doanh thu.
Theo báo cáo Chiến lược tháng 11 vừa được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố, ngành bảo hiểm ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 3/2019 tăng 26% so với cùng kỳ. Tất cả đều tới từ sự đóng góp của Bảo Việt khi lợi nhuận sau thuế của Công ty này tăng gần 3 lần nhờ doanh thu tăng mạnh và chi phí được kiểm soát bằng cách thay đổi cơ cấu sản phẩm.
Lợi nhuận sau thuế 9 tháng của ngành bảo hiểm tăng 18% chủ yếu tới từ sự đóng góp của Bảo Việt và PVI.
Lợi nhuận trong quý 3 của ngành bảo hiểm tăng 26%, trong 9 tháng tăng 14%. |
Doanh nghiệp bảo hiểm đón triển vọng gì cho quý còn lại của năm 2019?
Thông tư số 01/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính đã có hiệu lực từ ngày 16/2, sửa đổi Thông tư số 50/2017/TT-BTC, được kỳ vọng sẽ giúp tình hình về vốn, lãi của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được cải thiện.
"Tháng 2/2019, Bộ Tài chính đã có quyết định cho phép các công ty bảo hiểm thực hiện một số thay đổi liên quan đến lãi suất được sử dụng để trích lập dự phòng nghiệp vụ. Với sự điều chỉnh này, dự phòng nghiệp vụ sẽ giảm và khoản giảm này sẽ được ghi nhận vào lợi nhuận hoạt động của công ty trong năm 2019", đại diện Bảo hiểm Generali cho biết khi kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan hơn trong năm 2019.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng kỳ vọng, từ nay đến cuối năm, lãi suất trái phiếu Chính phủ sẽ có diễn biến đi lên.
Hoạt động tăng trưởng tốt, do đâu cổ phiếu BVH của Bảo Việt lại giảm?
Ngược với kỳ vọng của nhiều người, khi công ty làm ăn tốt và có lãi phần nào sẽ phản ánh vào thị giá của cổ phiếu. Thế nhưng, cổ phiếu BVH của Bảo Việt – một “ông lớn” trong ngành lại thu về kết quả đáng buồn, cổ phiếu giảm hơn 20% trong vòng 1 năm qua. Hiện đang được giao dịch quanh mức 74.000 đồng/cp.
Mặc cho hoạt động hiệu quả, cổ phiếu BVH của Bảo Việt vẫn giảm. |
Ngược lại, những cổ phiếu của các công ty bảo hiểm khác như PVI, Bảo Minh, Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đều tăng. Theo đó, cổ phiếu PVI tăng hơn 5% trong 1 năm qua, hiện có giá quanh mức 32.000 đồng/cp; cổ phiếu BMI của Bảo Minh tăng 35% trong vòng 1 năm, đang có giá quanh mốc 27.000 đồng/cp; còn cổ phiếu BIC tăng 9% và đang có giá gần 26.000 đồng/cp.
Diễn biến cổ phiếu PVI trong năm qua. |
Diễn biến cổ phiếu BMI trong năm qua. |
Diễn biến cổ phiếu BIC trong năm qua. |