Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán VNDirect tin rằng xu hướng cầu tiêu dùng dồn nén đang giảm dần trong môi trường lãi suất tăng và đồng VND yếu khiến người tiêu dùng phải thắt chặt hầu bao.
Ban đầu Thế giới số (DGW) đặt mục tiêu quý 4 với doanh thu thuần đạt 7.500 tỷ đồng tăng 23,7% so với quý 3, lợi nhuận ròng đạt 300 tỷ đồng, tăng 66,4% so với quý 3. DGW đặt mục tiêu trên xuất phát từ việc mở bán sớm Iphone 14 tại Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, triển vọng về kết quả kinh doanh quý 4, DGW khá tiêu cực mà theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nguyên nhân là do: nhu cầu suy giảm và vấn đề nguồn cung.
Việc khan hiếm nguồn cung Iphone 14 Pro và Pro Mã do chính sách Zero Covid Trung Quốc tác động lên hoạt động sản xuất. Từ đó kéo theo sự sụt giảm về doanh thu của các doanh nghiệp bán lẻ ICT trong những tháng cuối năm. Cùng chịu tác động tiêu cực nguồn cung như DGW và MWG.
Thậm chí MWG còn bị nặng nề hơn khi doanh thu điện thoại di động cấp thấp và thiết bị điện tử tiêu dùng chậm lại trong tháng đầu tiên của quý 4.
Bán lẻ gặp khó về cuối năm. |
Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 23/11, đại diện Thế giới Di động (MWG) cho biết, doanh thu thuần trong tháng 10 của chuỗi thế giới di động và Điện máy xanh giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức giảm trên một phần đến từ mức tăng trưởng cao trong cùng kỳ năm 2021 sau quá trình giãn cách nhưng cũng cho thấy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm điện tử như điện thoại di động đang chững lại.
Đây cũng chính là nguyên nhân MWG không nhấn mạnh và không đề ra mục tiêu cụ thể cho việc mở rộng mạng lưới cửa hàng của từng chuỗi kinh doanh trong năm 2023. Như vậy, việc MWG hạn chế chia sẻ kế hoạch cho thấy thị trường bán lẻ không còn dễ ăn như trước đây.
Hay tại Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (PET), trong BCTC quý 3, mảng điện thoại đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu. Cụ thể, doanh thu điện thoại đạt 1.721 tỷ đồng, trong khi mảng laptop và hạt nhựa chiếm lần lượt 41% và 9%. Nhưng biên lợi nhuận gộp trong kỳ của PET chỉ đạt 4,9% so với 5,1% của quý 3 năm ngoái.
Nguyên nhân do giá bán các sản phẩm như laptop giảm mạnh khi văn phòng và trường học trở lại hoạt động bình thường. Với những dự báo kém sáng sủa về mảng điện thoại, khả năng PET bắt đầu đi vào chu kỳ tăng trưởng âm là rất cao.
Càng đáng lo hơn, doanh nghiệp này cũng thường xuyên sử dụng tiền đầu tư không hợp lý. Trong quý 3 vừa qua, PET phải trích lập khoản dự phòng 166 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán và chi phí lãi vay tăng mạnh lên 94 tỷ đồng tăng 158%.
Theo giới phân tích, bên cạnh sức mua giảm, các doanh nghiệp bán lẻ chịu áp lực từ việc lãi suất tín dụng tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Xu hướng tiêu dùng sẽ hồi phục từ năm sau
Dù cầu tiêu dùng đang có dấu hiệu sụt giảm, song Chứng khoán VNDirect ước tính tiêu dùng Việt Nam sẽ chỉ bị ảnh hưởng mạnh trong nửa đầu năm 2023 và dần phục hồi đà tăng trưởng kể từ quý 3/2023 nhờ tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại trong năm 2023 khi lãi suất điều hành Fed dần hạ nhiệt; biến động vĩ mô tại Việt Nam đang dần ổn định, giúp nâng cao niềm tin tiêu dùng của người dân.
Bên cạnh đó, tiêu dùng phục hồi tại khu vực EU và Hoa Kỳ mang lại đơn hàng cho các khu công nghiệp Việt Nam hay việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 với thông tin kể từ 23/7/2023, lương cơ sở sẽ tăng 20,8% so với hiện hành lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, có thể làm tăng thu nhập của cán bộ, công chức Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ tiêu dùng phục hồi.
VNDirect cho rằng, trong khi chi tiêu của những người tiêu dùng có thu nhập thấp bị siết chặt bởi lạm phát, thì những người giàu có thường là những người cuối cùng cảm nhận được tác động từ các ảnh hưởng tiêu cực này vì quy mô tài sản lớn mà họ đang nắm giữ.
Vẫn còn cơ hội lớn cho ngành bán lẻ vào năm sau. |
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG kỳ vọng, quý 4/2023, Bách hóa xanh sẽ có lãi. Trong năm 2023, Bách hóa xanh có chiến lược kéo khách hàng đến với siêu thị bằng các chương trình khuyến mại, đến từ sự kết hợp với các nhãn hàng.
Bách hóa xanh sẽ gặt hái thành quả sau tái cấu trúc, như tổ chức cửa hàng tươm tất hơn, nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống vững chắc hơn (chuyển sang các đối tác bền vững) và trải nghiệm khách hàng tốt hơn.
Thực tế, Bách hóa xanh đang dần thu hẹp khoảng cách với các chợ truyền thống và siêu thị, kỳ vọng thu hút thêm nhiều khách hàng mới nhờ các yếu tố tiện lợi, đây là động lực chính cho tăng trưởng doanh thu trong tương lai.
Theo Statista, thị trường hàng hóa cao cấp cá nhân của Việt Nam đạt 976 triệu USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng 6,7% mỗi năm lên mức 1 tỷ USD vào năm 2025. Một báo cáo khác của Knight Frank cho biết có khoảng 72.135 cá nhân tại Việt Nam có quy mô tài sản hơn 1 triệu USD vào năm 2021.
Dù vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi nhưng thị trường xa xỉ Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể nhờ sự gia tăng của tầng lớp người dân thu nhập cao ngày càng có nhu cầu lớn hơn đối với các mặt hàng xa xỉ (như du lịch cao cấp, trang sức, đồng hồ, xe hơi, sản phẩm kỹ thuật số cao cấp…).
Mặc dù người tiêu dùng giàu có sẽ trở nên kén chọn hơn trong bối cảnh khó khăn hiện tại, nhưng VNDirect cho rằng các thương hiệu/công ty có kinh doanh trong ngành hàng xa xỉ có thể đối mặt với rủi ro thấp hơn từ đợt suy giảm tiêu dùng này.
Nhìn chung, theo đánh giá của VNDirect, các công ty tiêu dùng có tình hình tài chính tốt hơn so với các ngành khác. Với lãi suất vay tăng dần trong giai đoạn hạn mức tín dụng hạn chế và điều kiện vĩ mô toàn cầu không ổn định, nhóm phân tích cho rằng các doanh nghiệp có dòng tiền mạnh, với vị thế tiền mặt ròng và đòn bẩy thấp sẽ ổn định hơn khi đối phó với các biến động vĩ mô.