Theo OCB, tháng 3/2019, ngân hàng nhận được yêu cầu của bà Huỳnh Tuyết Hằng, thông qua đại diện là Công ty Luật Hưng Yên, về việc OCB phải hoàn trả số tiền tiết kiệm gần 6 tỷ đồng. Khi nhận được yêu cầu, OCB đã kiểm tra và xác định: Sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi đứng tên bà Hằng là giả.
Do vậy, OCB cho rằng không có căn cứ xác định OCB có nhận tiền huy động của bà Hằng với số tiền 6 tỷ như trình bày, vì toàn bộ hồ sơ liên quan của bà Hằng cung cấp là hồ sơ giả.
OBC cho rằng, bà Hằng là người thân của Thảo (dì – cháu) nên việc giao dịch giữa hai dì cháu với khoản tiền 6 tỷ hoàn toàn không trong tầm kiểm tra, kiểm soát của OCB. |
Về trường hợp bà Vũ Phương Thảo - cựu nhân viên ngân hàng thì OCB cho rằng, bà Thảo không được giao bất kỳ nhiệm vụ, quyền hạn gì liên quan đến huy động vốn của khách hàng tại OCB.
Theo thông tin của Cơ quan điều tra, Công An TP HCM (PC02), bà Thảo đã lợi dụng mối quan hệ quen biết với các nạn nhân, dụ dỗ các nạn nhân chuyển tiền cho Thảo để hưởng lãi suất cao. Thảo đã lập sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi giả để chuyển cho các cá nhân này.
Sau đó, Cơ quan điều tra Công An TP HCM đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Vũ Phương Thảo, tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức”.
Theo OCB, giao dịch giữa bà Thảo và bà Hằng có thể xem như các giao dịch cá nhân. Trên thực tế, bà Hằng là người thân của Thảo (dì – cháu) nên việc giao dịch giữa hai dì cháu với khoản tiền 6 tỷ hoàn toàn không trong tầm kiểm tra, kiểm soát của OCB.
Hiện nay toàn bộ vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Vũ Phương Thảo đối với các nạn nhân đang được cơ quan cảnh sát điều tra thụ lý theo quy định. Vì thế, mọi thông tin, kết quả của vụ việc đều cần kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra.
Trước đó, bà Huỳnh Tuyết Hằng (SN 1972, ngụ quận 1, TPHCM) gửi đơn tố cáo ngân hàng TMCP Phương Đông về việc tiền tiết kiệm gần 6 tỷ đồng của mình “không cánh mà bay”, còn phía ngân hàng OCB “phủi” trách nhiệm.
Theo trình bày của bà Hằng, ngày 7/9/2011, bà đến Hội sở OCB tại địa chỉ: 41-45 Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) gửi số tiền 150 triệu đồng vào tài khoản 0111100000503xxx. Tại đây, bà được nhân viên OCB tên Vũ Phương Thảo giới thiệu ngân hàng đang có chương trình tiền gửi với lãi suất ưu đãi tính từ 12/3/2012 và đưa cho bà Hằng Thông báo số 54/2011-TB-OCB-DCTC&DNT do ông Hoàng Kiều Phong ký.
Đến ngày 8/6/2016, bà Hằng nộp thêm 700 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm tại OCB với lãi suất 13%/năm. Đến ngày 3/12/2012, OCB có xác nhận số dư tiền gửi. Việc xác nhận này do ông Hoàng Kiều Phong (Phó Tổng Giám đốc vào thời điểm năm 2011) ký.
Nhận lãi đều đặn sau khi gửi 1 tỷ đồng, bà Hằng quyết định nộp thêm 4,9 tỷ đồng vào 21/6/2016 cũng tại Hội sở OCB.
Số tiền gửi của bà được gộp lại thành 2 sổ tiết kiệm với số tiền 5,7 tỷ đồng. Trong đó, 1 sổ do bà Huỳnh Tuyết Hằng đứng tên với giá 4,7 tỷ đồng. Sổ còn lại do chồng bà là Ngô Vĩnh Thắng đứng tên với trị giá 1 tỷ đồng (bao gồm 100 triệu đồng tiền lãi).
Tuy nhiên, bất ngờ từ tháng 1/2019 OCB không gửi tiền lãi cho bà Hằng. Tưởng rằng có trục trặc, nhưng mãi đến tháng 8/2019 vẫn không nhận được tiền, bà đến OCB để hỏi.
Ngay sau đó, ngân hàng OCB trả lời là 2 sổ tiết kiệm của bà trong thời gian qua là sổ giả và đổ hết trách nhiệm cho người có tên Vũ Phương Thảo (nhân viên OCB tại thời điểm bà Hằng gửi tiền). OCB cũng ban hành Văn bản số 398A/2020/CV-OCB ngày 30/3/2020 để trả lời thông tin về việc sổ giả của bà Hằng. Bà Hằng yêu cầu làm việc nhưng OCB cho rằng, không phải trách nhiệm của mình nên không giải quyết.