Đó là nhận định của hai nhà phân tích Henri Barkey và William Pomeranz , giám đốc và phó giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson, trong một bài viết đăng trên mạng tin CNN.
Tổng thống Bashar al-Assad "ngư ông đắc lợi" trong vụ "Nga, Thổ mổ nhau". |
Theo hai nhà phân tích Barkey và Pomeranz, thế giới trở nên đổi khác chỉ sau 12 tiếng đồng hồ. Khi các cuộc đàm phán hòa bình Syria ở Vienna đang tiến triển, thì không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga và tuyên bố rằng nó đã vi phạm không phậnnước này. Tồi tệ hơn, một phi công Nga bị bắn chết khi nhảy dù khỏi máy bay xuống đất và một lính thủy đánh bộ Nga thiệt mạng trong vụ giải cứu phi công còn lại.
Vụ việc này đã gây khó cho sứ mệnh hình thành “đại liên minh” chống Nhà nước Hồi giáo (IS) của Tổng thống Pháp Francois Hollande, trong chuyến đi tới Washington và Moscow. Tổng thống Putin đã gọi vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga là “một cú đâm sau lưng của những kẻ đồng lõa của bọn khủng bố" và cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng.
Nga-Thổ đã bất đồng âm ỉ về nội chiến Syria
Một lần nữa, những sự kiện trên thực địa lại tiếp tục vượt qua những nỗ lực quốc tế nhằm quản lý cuộc khủng hoảng Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã có nhiều bất đồng về Syria ngay từ đầu của cuộc nội chiến. Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tìm cách lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, ông ta đã đẩy mình vào tình thế mâu thuẫn với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Erdogan đã dẫn đầu một chiến dịch nhằm cô lập Assad và hỗ trợ toàn bộ của các tổ chức và các nhóm vũ trang theo đuổi mục tiêu lật đổ chính phủ Syria. Điều này trái ngược với mục tiêu của Nga, nước đã có mối quan hệ lâu dài với chế độ Assad.
Mặc dù có những bất đồng sâu sắc về chế độ Assad, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công trong việc bỏ qua những khác biệt để duy trì mối quan hệ thân mật, giống như Ankara đã làm với Iran. Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào khí đốt của Nga, trong khi Nga phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ trên cương vị một khách hàng lớn.
Nhưng mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trở nên xấu đi khi Moscow quyết định tích cực can thiệp vào cuộc nội chiến Syria và không quân Nga tăng cường chiến dịch không kích yểm trợ cho Quân đội Syria. Ankarra đã khiếu nại về việc không quân Nga tấn công các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều gấp bội các cuộc không kích phiến quân IS.
Tổng thống Putin “không bao giờ nói suông”
Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga có thể dẫn leo thang căng thẳng trong quan hệ hai nước. Tổng thống Putin hứa sẽ trả đũa và nếu thế giới đã học được một điều gì đó trong vòng 18 tháng qua thì điều đó chính là nhà lãnh đạo Nga này không bao giờ nói suông.
Hiện chưa rõ Tổng thống Putin dự định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào, nhưng có một điều rõ ràng là không quân Nga sẽ mạnh tay tấn công vào các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ ở Syria mà không cần sử dụng chiêu bài tấn công IS như trước. Ông Putin có thể cũng có thể trả đũa bằng cách cho phép các nhóm người Kurd ở Syria như Đảng Liên minh Dân chủ (PYD) mở văn phòng tại Moscow và cung cấp vũ khí cho người Kurd.
Ngoài ra, ông Putin có thể trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về kinh tế. Bộ Ngoại giao Nga đã khuyến cáo khách du lịch Nga không đến Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ có điều trừng phạt kinh tế là “con dao hai lưỡi” và các biện pháp trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ có thể đẩy nền kinh tế Nga lún sâu hơn vào vũng lầy khủng hoảng.
Vấn đề đối với Tổng thống Putin là thời điểm hiện nay không mấy thích hợp cho các hành động trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi âm ỉ nhiều tháng, cuộc khủng hoảng Ukraine đã bùng phát trở lại với các vụ nổ tại một nhà máy điện ở Kherson khiến cho bán đảo Crimea ngập chìm trong bóng tối. Thật vậy, bán đảo Ctimea vẫn còn phụ thuộc nặng nề vào Ukraine về nguồn cung điện và Nga vẫn còn mất nhiều năm nữa mới có thể mang lại nguồn cung năng lượng thay thế cho bán đảo này.
Tổng thống Assad “ngư ông đắc lợi”
Tất cả những phân tích trên cho thấy rằng người đắc lợi nhiều nhất trong vụ “Nga, Thổ mổ nhau” chính là Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Suy cho cùng thì cuộc đối đầu giữa thế lực chống đối ông mạnh nhất (Thổ Nhĩ Kỳ) và thế lực hậu thuẫn quan trọng nhất(Nga) sẽ làm suy yếu triển vọng thành lập một liên minh lớn để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Cho đến nay, không một quốc gia nào đề xuất được một kế hoạch khả thi để giải quyết các mối đe dọa ISIS hoặc lập lại hòa bình ở Syria. Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Nga không làm thay đổi thực tế này mà chỉ làm cho triển vọng đạt được thỏa thuận giữa các cường quốc trở nên xa với hơn nữa.