Hãng thông tấn TASS ngày 2/9 dẫn lời Giám đốc Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) Yury Borisov cho biết, các hệ thống siêu tên lửa Sarmat đã được đưa vào trạng thái nhận nhiệm vụ chiến đấu ở Nga. Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 6 khẳng định, hệ thống tên lửa Sarmat là một "siêu vũ khí" và khiến đối phương phải "suy nghĩ thật kỹ trước khi hành động".
RS-28 Sarmat là hệ thống tên lửa đặt trong hầm phóng hiện đại của Nga, được trang bị ICBM, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và hệ thống đa đầu đạn. Với tầm bay 18.000 km, Sarmat có thể vươn đến hầu hết mọi địa điểm trên trái đất. Tên lửa này được phát triển để thay thế ICBM R-36M2 Voyevoda, vốn hoạt động trong Lực lượng Tên lửa Chiến lược từ năm 1988.
Siêu tên lửa Sarmat rời bệ phóng tại sân bay vũ trụ Plesetsk hồi tháng 4/2022. Ảnh: Sputnik. |
Chuyên gia Vladimir Degtyar – kỹ sư trưởng tại Cục Thiết kế Tên lửa Makeyev, nơi phát triển RS-28 chia sẻ: "Hệ thống điều khiển đường bay của Sarmat có khả năng điều chỉnh quỹ đạo thông qua GLONASS (hệ thống định vị toàn cầu dựa trên vệ tinh GPS, Galileo và BeiDou của Nga), giúp đảm bảo độ chính xác cao, kể cả sau khi bị tên lửa phòng không tác động. Thậm chí, Sarmat rất khó bị phát hiện ra vì chúng được thiết kế để ẩn mình khi đang bay, cả trong lẫn bên ngoài bầu khí quyển trái đất".
Lãnh đạo Roscosmos trước đó từng thông tin, Nga có kế hoạch chế tạo tổng cộng 46 tên lửa Sarmat để đáp ứng nhu cầu của quân đội.
Giới chuyên gia nhận định, một khi Sarmat được triển khai, hệ thống này sẽ trở thành một lá chắn đáng tin cậy cho Nga trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu vô cùng phức tạp. Đây sẽ là nhân tố chính trong năng lực răn đe hạt nhân của nước này và là lý do để nối lại các cuộc đàm phán thực sự về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Theo Reuters, Người Phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby mới đây nêu rõ, Washington chưa thể xác nhận các báo cáo về việc Moscow đã đưa Sarmat vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.