Camera ảnh nhiệt cho phép quan sát mục tiêu trong đêm (Ảnh minh họa: Getty).
|
Forbes đưa tin, các UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) đang trở thành một trong những vũ khí mà Nga và Ukraine tăng cường sử dụng trong thời gian qua để loại bỏ các mục tiêu binh sĩ, khí tài, thiết bị quân sự đối phương một cách hiệu quả với giá thành thấp.
Để nâng cao hiệu suất tấn công của UAV tự sát, Nga đang bổ sung cho các vũ khí này thiết bị ảnh nhiệt để chúng có thể thực hiện các cuộc tấn công vào ban đêm hiệu quả.
Forbes nhận định, thiết bị ảnh nhiệt được xem là công nghệ giúp "thay đổi cuộc chơi" trong cuộc xung đột gần 20 tháng giữa Nga và Ukraine. Công nghệ dựa vào tín hiệu nhiệt của mục tiêu, cho phép binh lính phát hiện và xác định vị trí đối phương ngay cả trong bóng tối hoàn toàn hoặc trong khói bụi.
Việc tích hợp thiết bị ảnh nhiệt lên UAV tự sát có thể khiến những vũ khí này trở nên đặc biệt nguy hiểm, do chúng có khả năng bay lảng vảng trong đêm, chờ thời cơ hợp lý để lao xuống mục tiêu.
Một nhóm tình nguyện có trụ sở ở St Petersburg, Nga đã phát triển UAV Gortensiya và tuyên bố có khả năng sản xuất 3.000 chiếc mỗi tháng. Đây là UAV tầm ngắn, với khả năng tấn công trong khoảng cách 6,5km, bay trong 10 phút với đầu đạn 2kg, và 5 phút với đầu đạn 3kg.
"Đây là sự phát triển tự nhiên của công nghệ UAV góc nhìn thứ nhất", chuyên gia quân sự Samuel Bendett của tổ chức CNA (Mỹ), nhận định. Ông cho biết, truyền thông nhà nước Nga đang ngày càng nhắc tới nhiều các nhóm tình nguyện hỗ trợ quân đội bằng UAV FPV.
Tuy nhiên, theo Forbes, việc đưa công nghệ camera ảnh nhiệt lên UAV có thể không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
Ví dụ, một chuyên gia từ nhóm tình nguyện Aerorozvidka của Ukraine thừa nhận rằng, việc đưa thiết bị trên lên UAV có thể khiến mỗi chiếc tốn thêm vài nghìn USD để sản xuất. Con số này ngang bằng với giá trị của chính UAV.
Trong điều kiện ban đêm, UAV cần camera ảnh nhiệt có độ phân giải cao để người điều khiển có thể xác định rõ chướng ngại vật trên đường bay. Các thiết bị ảnh nhiệt chất lượng thấp, giá rẻ sẽ không hiệu quả.
Các thử nghiệm của Aerorozvidka cho thấy, UAV của Ukraine gắn thiết bị ảnh nhiệt chỉ phát hiện được mục tiêu ở khoảng cách 4,8-6km. Ngoài ra, chúng rất khó phân biệt được loại mục tiêu vì dòng camera này chỉ hiện lên tín hiệu nhiệt chứ không có độ phân giải cao như camera hiện đại.
Aerorozvidka cho rằng, Ukraine lúc này nên đầu tư ngân sách vào nâng cấp pin và thiết bị kiểm soát mặt đất để nâng cao hiệu quả của UAV tự sát hơn là triển khai camera ảnh nhiệt.
Ví dụ, UAV tự sát SwitchBlade 300 mà Mỹ cấp cho Ukraine có camera ảnh nhiệt và giá thành lên tới 50.000 USD mỗi chiếc. Vì vậy, phía Ukraine vẫn đang khá ngần ngại với việc tích hợp công nghệ này vì tính hiệu quả trên thực tế liên quan tới chi phí.
Tuy nhiên, Nga là cường quốc quân sự và vấn đề mà Ukraine gặp phải có thể sẽ không làm khó Moscow. Ví dụ, nhóm tình nguyện ở St Petersburg tuyên bố có khả năng sản xuất 3.000 chiếc Gortensiya mỗi tháng.
Nga cũng tự chủ được nhiều công nghệ khác nhau và họ có thể có cách giải quyết bài toán chi phí mà Ukraine gặp phải để triển khai hiệu quả UAV gắn camera ảnh nhiệt.