Năm 220, Quan Vũ vong mạng trong tay Đông Ngô. Không lâu sau đó, Lưu Bị vì nóng lòng muốn báo thù cho vị tướng này nên đã khởi binh phạt Ngô.
Không ngờ rằng quân Thục Hán lại thảm bại tại Di Lăng. Lưu Bị sau đó cũng u sầu mà qua đời.
Tuy nhiên giả sử Lưu Bị thắng trận Di Lăng, liệu mối thù của Quan Vũ có thực sự được báo hay không?
Theo quan điểm của Qulishi, muốn rửa hận cho Quan Vân Trường, mấu chốt không chỉ nằm ở việc đánh thắng quân Ngô mà còn phải bắt được và tiêu diệt Tôn Quyền.
Thế nhưng ngay cả khi Thục Hán thắng trận thì việc bắt Tôn Quyền để báo thù cho Quan Vũ cũng không đơn giản hay dễ dàng vì những nguyên nhân dưới đây.
Đầu tiên, Di Lăng ở vào địa phận tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) ngày nay. Dựa theo phân chia lãnh thổ thời Tam Quốc thì nơi này thuộc về biên giới Kinh Châu.
Trong khi đó, Tôn Quyền lại ở trung tâm vùng Giang Đông. Cho nên nếu như Lưu Bị đánh thắng trận Di Lăng thì cũng chỉ thu về một phần hoặc toàn bộ đất Kinh Châu.
Trong trường hợp vị quân chủ này tiếp tục đánh sâu vào lãnh thổ Đông Ngô, Tôn Quyền ắt sẽ liều chết chống lại, còn Tào Tháo ở phía Bắc cũng sẽ không ngồi yên đứng nhìn.
Vì thế cho nên dù Thục Hán có giành được thắng lợi trong trận Di Lăng thì khả năng bắt được Tôn Quyền vẫn là rất thấp.
Hơn nữa, Tôn Quyền là lãnh đạo tối cao của Đông Ngô, trong những trường hợp quá rủi ro, ông tất nhiên sẽ không phải đích thân ra chiến trường liều mạng.
Một khi tình thế chuyển biến xấu, Tôn Quyền ắt sẽ tung ra chiêu bài cuối cùng. Đó có thể là tử chiến hoặc chủ động xin đàm phán. Cũng có thể vị quân chủ lắm mưu nhiều kế này sẽ hoán đổi thân phận, trà trộn vào dân gian để chạy trốn.
Chưa dừng lại ở đó, Tôn Quyền còn có mối quan hệ với nhiều thế lực bên ngoài khác. Tiêu biểu trong số này có thể kể đến Công Tôn Uyên ở Liêu Đông, tướng quân Vệ Ôn, Gia Cát Trực chiếm lĩnh Di Châu khi ấy.
Cho nên nếu bị dồn vào đường cùng, vị quân chủ này hoàn toàn có thể chạy trốn tới những vùng đất khác. Trong trường hợp như vậy, Lưu Bị dù thâu tóm Đông Ngô cũng khó mà bắt được Tôn Quyền.
Lưu Bị sinh thời là một chính trị gia kiệt xuất. Cho nên dù có thể bắt sống Tôn Quyền, việc xử lý nhân vật này ra sao cũng sẽ khiến ông phải cân nhắc, đắn đo kỹ càng.
Thực tế là thâu tóm Đông Ngô không phải toàn bộ mục đích của Lưu Bị. Phần lãnh thổ rộng lớn ở phía Bắc cũng nằm trong khao khát của ông.
Tuy nhiên nếu muốn đối kháng với Tào Phi, vị quân chủ này nhất định phải thu xếp ổn thỏa toàn bộ thế lực ở phía Đông.
Vì thế việc xử lý Tôn Quyền cũng phải thật thích đáng thì mới có thể khiến người đời tâm phục khẩu phục.
Và không khó để nhận thấy, giết hại Tôn Quyền chưa bao giờ là một lựa chọn tốt.
Điều này cũng tương tự như việc Tào Phi lựa chọn không giết cho Hán Hiến Đế sau khi lên ngôi, Tư Mã Chiêu không giết Lưu Thiện sau khi đã tiêu diệt Thục Hán.
Vào thời Tam Quốc, các vị quân chủ đều cần phải chú ý cách cư xử để thu phục lòng người. Cho nên khi đối mặt với các thế lực thù địch, rất ít người sẽ lựa chọn cách đuổi cùng giết tận.
Cũng bởi vây nên Tào Phi năm xưa sau khi soán vị đã phong Hán Hiến Đế thành Sơn Dương Công.
Trương Thêu lúc sinh thời từng đẩy ái tướng Điển Vi và con trai Tào Ngang của Tào Tháo vào cửa tử. Thế nhưng khi nhân vật này xin hàng, Tào Mạnh Đức vẫn bỏ qua thù cũ mà đối xử tử tế.
Ngay tới gia tộc họ Tào bị người đời xem như loạn thần soán Hán còn có không nỡ đại khai sát giới, vậy thì một người luôn giương cao ngọn cờ nhân nghĩa như Lưu Bị đương nhiên sẽ không bỏ qua cơ hội để thể hiện sự nhân nghĩa của mình.
Vì thế ngay cả khi Lưu Bị thắng được trận Di Lăng và thậm chí bắt được Tôn Quyền thì mối thù của Quan Vũ cũng khó có cách nào mà báo được.
Và thực tế lịch sử cũng đã cho thấy, Lưu Bị chẳng những thảm bại ở Di Lăng mà không lâu sau đó cũng nối gót Quan Vũ buông tay trần thế vì u sầu và bệnh tật.