Chiều 10/4, TAND TP HCM cho biết đã nhận được đơn kháng cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) về bản án ly hôn sơ thẩm tuyên hôm 27/3.
Theo đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nộp đơn hôm 5/4, kháng cáo toàn bộ bản án. Trong đó, về quan hệ hôn nhân bà xin được đoàn tụ với ông Vũ; không đồng ý quan điểm của tòa về việc chia tài sản theo tỷ lệ 6/4 và giao quyền điều hành công ty cho ông Vũ. Trong khi đó ông Vũ kháng cáo yêu cầu chia các tài sản tranh chấp theo tỷ lệ ông sở hữu 70%, bà Thảo 30% như quan điểm trình bày ở tòa.
Dư luận quan tâm, trong trường hợp vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên có thể tái hợp với nhau như kháng cáo và ý nguyện của bà Thảo thì cặp vợ chồng này có phải đóng mức phí sơ thẩm hơn 8 tỷ đồng hay không?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng luật sư Tinh thông luật, đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, có thể hiểu bản án sơ thẩm xét xử vụ án ly hôn của vợ chồng cà phê Trung Nguyên đã bị kháng cáo (cả hai vợ chồng cùng kháng cáo) trong thời hạn luật định 15 ngày, kể từ ngày tuyên án thì chưa có hiệu lực pháp luật.
Nói về án phí phúc thẩm, Luật sư Bình cho biết, sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật, nếu họ không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Theo Danh mục án phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 thì án phí dân sự phúc thẩm đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động là 300.000 đồng.
“Như đã nói ở trên xét xử phúc thẩm tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị do đó việc tuyên án phí trong trường hợp này mới có hiệu lực pháp luật”, luật sư Bình cho biết.
Luật sư Diệp Năng Bình dẫn giải điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về nghĩa vụ chịu án phí dân sự phúc thẩm như sau:
1. Đương sự kháng cáo phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm.
2. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo liên quan đến phần bản án, quyết định phải sửa không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 26, Điều 27 của Nghị quyết này.
3. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử sơ thẩm lại thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
4. Đương sự rút kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm. Đương sự rút kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm.
5. Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm thì đương sự kháng cáo phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm, về án phí dân sự sơ thẩm, nếu các đương sự tự thỏa thuận được với nhau thì các đương sự chịu án phí dân sự sơ thẩm theo thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án xác định lại án phí dân sự sơ thẩm theo nội dung thỏa thuận về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm.
6. Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm và được bị đơn đồng ý thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm.
“Như vậy, trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm thì vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên phải chịu án phí phúc thẩm là 300.000 đồng cùng với án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà cấp sơ thẩm đã tuyên.
Trường hợp cấp phúc thẩm sửa bản án ví dụ chấp nhận tỷ lệ 70/30 theo ông Vũ thì ông Vũ không phải chịu án phí phúc thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch theo quy định.
Trong trường bà Thảo rút đơn khởi kiện (được sự đồng ý của ông V) và hai vợ chồng về sống chung lại với nhau thì vẫn phải chịu mức án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 và 50% án phí dân sự cấp phúc thẩm. Do họ đoàn tụ lại, không còn tranh chấp tài sản nữa nên không phải chịu án phí của phần tài sản tranh chấp có giá ngạch.
Còn trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án cấp sơ thẩm đã tuyên và yêu cầu cấp sơ thẩm xét xử lại thì họ không phải đóng án phí phúc thẩm, nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm”, Luật sư Bình nêu ý kiến.