NATO và mối đe doạ sống còn từ Tổng thống Trump

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thường được xem là “liên minh thành công nhất lịch sử”. Liệu điều này còn đúng nếu một ngày NATO không còn Mỹ?

Người dọa rút Mỹ khỏi NATO không ai khác chính là Tổng thống Donald Trump. Cung cách ngoại giao kỳ lạ của ông chưa bao giờ thôi gây chú ý. Tuần trước, ông nhận xét một thành viên của NATO là “hung hăng”, dù trước đó đẩy thủ tướng nước này một cách thô bạo trước mặt nhiều quan chức. Quốc gia bị ông Trump "chụp mũ" chính là Montenegro, thành viên mới gia nhập NATO năm 2017.

“Nguyên tắc của NATO là khi một thành viên bị tấn công, các quốc gia còn lại phải cùng bảo vệ. Nhưng tại sao con trai tôi (và các thế hệ công dân Mỹ tương lai) phải bảo vệ Montenegro nếu nước này bị tấn công?”, nhà báo Tucker Carlson của Fox News đặt câu hỏi với Tổng thống Trump trong cuộc phỏng vấn phát sóng hôm 17/7.

 
“Tôi hiểu điều anh nói, tôi cũng đặt câu hỏi tương tự. Dân tộc Montenegro nhỏ bé nhưng mạnh mẽ… Họ là những người vô cùng hung hăng. Họ có thể trở nên hung tợn và chúc mừng, Thế chiến thứ 3 bắt đầu”, Trump đáp. 

Thái độ hằn học của Tổng thống Trump đối với Montenegro có lẽ không phải vì quốc gia này đã làm điều không phải với bản thân ông hoặc nước Mỹ. Chính xác hơn, Trump đang khó chịu với NATO về việc các thành viên không chi đủ ngân sách cho quốc phòng, điều ông cho là bất công.

Hành trình đi tìm "công bằng" cho nước Mỹ
Tối 10/7, Tổng thống Donald Trump đặt chân đến Bỉ để tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO 2018. Đúng như các chuyên gia dự đoán, chương trình nghị sự tại hội nghị diễn ra căng thẳng với việc tổng thống Mỹ giữ lập trường cứng rắn, đòi hỏi đồng minh tăng ngân sách cho quốc phòng để san sẻ gánh nặng với Washington.

"Nước Mỹ đã chi trả quá nhiều. Phần đóng góp của các thành viên NATO hiện vẫn chưa đủ", Trump than phiền về sự “bất công” mà Mỹ phải gánh chịu.

Ông chủ Nhà Trắng cho rằng điều này là một sự bất công đối với người đóng thuế ở Mỹ và khẳng định sẽ "đòi lại công bằng" cho người dân. Ông thậm chí đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi NATO nếu các thành viên không nâng mức chi tiêu quốc phòng mỗi năm lên ít nhất 2% GDP trước tháng 1/2019.

 
Cơn thịnh nộ của nhà lãnh đạo Mỹ không khiến các đồng minh trong khối bất ngờ. Đương kim tổng thống không ít lần khẳng định Mỹ đang chịu thiệt thòi trong quan hệ với các đồng minh. Trước khi nhậm chức, ông từng than phiền về việc NATO "lỗi thời” và "không màng đến vấn đề chống khủng bố".
Tuy vậy, điều khiến Trump bận lòng nhất có lẽ vẫn là việc các nước NATO không đáp ứng được cam kết chi tiêu quốc phòng của toàn khối. Ông chỉ trích đối tác châu Âu đẩy gánh nặng lên vai Washington và khẳng định các thành viên đang "nợ" Mỹ và NATO "rất nhiều tiền".
Sự bất mãn của Tổng thống Trump không phải không có cơ sở. Theo báo cáo của hai học giả Lucie Béraud-Sudreau và Nick Childs thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Mỹ đóng góp hơn 70% cho chi tiêu của toàn NATO. Trong khi Washington bỏ ra đến 3,5% GDP cho quốc phòng, một số quốc gia khác đóng góp chưa đầy 2% GDP, trong đó có Pháp (1,8%), Đức (1,2%), và Ý (1,2%).
Tuy nhiên trên thực tế, các nước thành viên NATO không bắt buộc đóng góp cho một quỹ chính thức nào. Cam kết chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng được liên minh đề ra như một chỉ tiêu và các đồng minh của Mỹ không vi phạm luật lệ nếu không đạt mức này. Không quốc gia nào mắc nợ Mỹ hoặc NATO như cách ông Trump cáo buộc.
Tổng thống Trump phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO 2018. Ảnh: AFP.
Tổng thống Trump phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO 2018. Ảnh: AFP.
Giới phân tích cho rằng cách hành xử cứng rắn của Tổng thống Trump trong vấn đề chi tiêu quân sự của NATO một phần là vì ông sẵn sàng đưa ra quyết định táo bạo nếu nhận thấy nước Mỹ đang chịu thiệt. Đây có thể là chiến lược gây sức ép của đương kim tổng thống Mỹ nhằm khiến thiết chế an ninh tập thể (collective security) này "trở nên mạnh mẽ hơn”, như cách ông khẳng định sau buổi họp căng thẳng tại Bỉ. Là một tỷ phú bất động sản, sẽ không bất ngờ nếu Tổng thống Trump nhìn mọi thứ dưới góc độ thương mại.
“Tổng thống chỉ muốn NATO trở nên vững vàng hơn”, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nhấn mạnh trong buổi phỏng vấn với đài CBS hôm 1/7.
Trụ cột gìn giữ hoà bình châu Âu đang bị đe doạ
Dù thông điệp khuyến khích châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng là có thể hiểu được, sự thịnh nộ của Tổng thống Trump đang khiến mức độ tín nhiệm của liên minh bị lung lay”, cựu đô đốc Hải quân Mỹ James Stavridis nhận định. Từng là chỉ huy quân sự NATO dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Stavridis cho rằng căng thẳng giữa Mỹ và các nước thành viên liên minh “chưa bao giờ leo thang cao như thế”.

Theo cựu đại sứ Mỹ tại NATO Ivo Daalder, sự bất ổn và khó đoán của Tổng thống Trump là điều NATO chưa từng đối mặt. “Kể cả khi khủng hoảng tại Việt Nam và Iraq đang trong giai đoạn cao trào nhất, các thành viên chỉ bất đồng về chính sách chứ chưa bao giờ mâu thuẫn về nguyên tắc cơ bản của NATO”, ông Daalder nói.

“Điều này có thể khiến 'liên minh thành công nhất lịch sử' tan rã nhanh chóng hơn mọi người tưởng”, CNN dẫn lời cảnh báo của cựu đại sứ Mỹ tại NATO.

Ông Daalder đồng thời cho rằng đe dọa mới nhất của Tổng thống Trump nhằm vào NATO sẽ “gây thiệt hại sâu sắc tới liên minh được xây dựng dựa trên nền tảng lòng tin và sự tín nhiệm”.

Ngoài tính khí thất thường, Tổng thống Trump còn cho thấy ông là một người dám nói dám làm khi sẵn sàng rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, thỏa thuận khí hậu Paris và áp thuế cao với các nước đồng minh nếu ông nhận thấy đây là điều có lợi, dù là ngắn hạn.

Trong hơn 65 năm, NATO đóng vai trò trụ cột đảm bảo an ninh cho khu vực châu Âu từ sau Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 17 tháng kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã phá vỡ sự gắn kết của phương Tây và liên tục nghi ngờ giá trị của liên minh.

Tổng thống Trump và các lãnh đạo khác của khối NATO ngày càng bất đồng sâu sắc. Ảnh: AFP..
Tổng thống Trump và các lãnh đạo khác của khối NATO ngày càng bất đồng sâu sắc. Ảnh: AFP..
Mỗi lần lặp lại yêu cầu quen thuộc về việc tăng chi tiêu quốc phòng, Tổng thống Trump lại miêu tả các đồng minh châu Âu không khác gì kẻ lợi dụng sự hào phóng của Mỹ thay vì đối tác lâu năm. Trong khi nhiều nhà ngoại giao châu Âu tỏ ra bối rối tại cuộc họp hôm 11/7 và 12/7, một số nước thành viên vẫn giữ vững lập trường. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh Berlin sẽ không để ai tác động đến quá trình hoạch định chính sách của nước Đức.
Hai ngày trước Hội nghị thượng đỉnh NATO, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thậm chí phải lên tiếng kêu gọi Mỹ tôn trọng đồng minh sau khi ông chủ Nhà Trắng nhiều lần buông lời chỉ trích nặng nề. "Tổng thống Trump thân mến, nước Mỹ không và sẽ không có đồng minh nào tốt hơn châu Âu", ông Tusk cảnh báo.
Sự thiếu đoàn kết giữa các thành viên liên minh đang rõ ràng hơn bao giờ hết. Và như thế, Nga trở thành “ngư ông đắc lợi” trong bối cảnh các quốc gia phương Tây hục hặc. Nếu mục tiêu của Tổng thống Vladimir Putin là làm suy yếu các thể chế phương Tây thì dường như Tổng thống Trump đang thay người đồng cấp tại Nga thực hiện mong muốn này.
"Dường như ngài tổng thống đang thực hiện điều mà ông Putin hằng mong ước. Tổng thống Nga chắc chắn không muốn điều gì hơn là chứng kiến các liên minh của phương Tây trở nên suy yếu hoặc mất chức năng”, giáo sư Jim Butterfield, chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học Western Michigan (bang Michigan, Mỹ), trả lời Zing.vn.
Giới phân tích nhận định trong quá khứ, Tổng thống Putin hiểu rõ Nga không thể “qua mặt” được một NATO đoàn kết, dù sở hữu lực lượng quân sự hùng hậu. Tuy nhiên, trong bối cảnh liên minh phương Tây đang có dấu hiệu rạn nứt, viễn cảnh Điện Kremlin lợi dụng tình hình để bành trướng thế lực tại châu Âu là hoàn toàn có thể xảy ra.

“Tổng thống Trump chắc chắn đang gây tổn hại đến liên minh. Câu hỏi đặt ra là liệu NATO có khả năng tồn tại đến hết nhiệm kỳ của ông Trump hay không”, nhà phân tích chính sách đối ngoại Max Boot của CNN đặt nghi vấn.

“Ông Trump có thể nghĩ Mỹ tốt nhất nên rời NATO. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống chính sách đối ngoại của Mỹ, gồm cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa, đều không ủng hộ quan điểm này”, giáo sư Butterfield thẳng thắn chia sẻ với Zing.vn.

Trong mắt nhiều người, hòa bình ở châu Âu sau Chiến tranh Lạnh tồn tại như một sự thật hiển nhiên. Tuy nhiên, những diễn biến trong thập kỷ qua chứng tỏ nhận định này là sai lầm, nền hòa bình luôn mong manh và cần được bảo vệ trong mọi hoàn cảnh. Dù một số nghi vấn và chỉ trích dành cho NATO là có cơ sở, thái độ gay gắt và việc đe dọa rút khỏi NATO của Tổng thống Trump cũng đủ để khiến các đồng minh bắt đầu lo ngại cho trụ cột gìn giữ hòa bình châu Âu.

Tương lai nào cho "Liên minh Quốc phòng mạnh nhất của nước Mỹ"?
Trong nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Béraud-Sudreau và Tiến sĩ Childs chỉ ra rằng một trong những yếu tố làm nên “sức mạnh Mỹ” đó là hệ thống liên minh. Chính những mối quan hệ đặc biệt đã tạo nên lợi thế cạnh tranh không thể chối cãi của nước Mỹ so với nhiều cường quốc khác. Tuy nhiên, quan điểm của ông Trump không phải như vậy.

“Chúng ta phải đối mặt với sự thật là chúng ta không biết Tổng thống Trump sẽ làm gì để đối phó với cuộc khủng hoảng an ninh bắt nguồn từ Nga, bởi cả Bộ Ngoại giao Mỹ, Lầu Năm Góc và Hội đồng An ninh Quốc gia của chính ông Trump cũng không biết ông có ý định gì”, cựu ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski viết trên Washington Post hôm 17/7.

Trả lời Zing.vn, ông Boris Toucas, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng việc Tổng thống Trump yêu cầu các thành viên NATO tăng ngân sách quốc phòng không phải điều gì mới mẻ. Cuộc tranh cãi về việc chia sẻ gánh nặng đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước, và tất cả đã đi đến thống nhất tăng chỉ tiêu.

"Vấn đề của Tổng thống Trump là ông ấy thường xuyên chế giễu và chỉ trích các đồng minh châu Âu. Ông ấy dường như không hiểu khái niệm đồng minh là gì", ông Touscas nhận xét.

Trái ngược quan điểm cho rằng NATO đã "lỗi thời", nhiều chuyên gia đánh giá thiết chế an ninh tập thể này vẫn là "liên minh quốc phòng mạnh nhất của nước Mỹ". Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, khẳng định NATO góp phần gia tăng ảnh hưởng của Mỹ ra khắp châu Âu, đồng thời giảm bớt vai trò của Nga đối với các đồng minh cũ trong thời Chiến tranh Lạnh.

"Nếu Washington quyết định rút khỏi NATO chỉ vì không đồng tình với chi phí đóng góp quốc phòng, các thiết chế đa phương khác do Mỹ thiết lập có thể sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền, ví dụ như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới hay Liên Hợp Quốc. Uy tín của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng xấu và có thể phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục được", ông Trung nhận định.


Theo vị chuyên gia, trong trường hợp NATO tan rã vì Mỹ rút khỏi liên minh, tình hình an ninh ở châu Âu có thể biến đổi khó lường khi khái niệm an ninh tập thể không còn, và các quốc gia phải tự lo cho an nguy của bản thân. Ông Trung đồng thời cảnh báo một cuộc chạy đua vũ trang mới có thể sẽ diễn ra ở châu Âu nếu NATO tan rã.
Trong một bài viết đăng tải trên The Atlantic, nhà nghiên cứu Philip Gordon của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng cái giá của việc duy trì NATO chỉ bằng một phần nhỏ số tiền các quốc gia phải bỏ ra để gia tăng năng lực quốc phòng hoặc tiêu tốn cho một cuộc chiến tranh trên bình diện khu vực hoặc thế giới.
Theo ông Gordon, nền hòa bình mà NATO chịu trách nhiệm giữ gìn đã giúp châu Âu trỗi dậy từ đống đổ nát của hai cuộc chiến tranh thế giới và trở thành cộng đồng thịnh vượng nhất lịch sử. Nhờ có sự bảo vệ của thiết chế an ninh tập thể này, châu Âu có thể tập trung phát triển kinh tế, từ đó trở thành đối tác an ninh và thương mại lớn nhất của nước Mỹ.
Nếu NATO tan rã, các nước châu Âu buộc phải đầu tư nhiều hơn cho an ninh và quốc phòng, tìm sự an toàn trong việc xoa dịu Moscow hoặc trong những sự đối đầu có thể dẫn đến mâu thuẫn. Chuyên gia Gordon cho rằng những viễn cảnh này không chỉ dừng lại là một cơn ác mộng kinh hoàng. Nó đang dần trở thành hiện thực khi người đứng đầu nước Mỹ tỏ ra nghi ngờ những nguyên tắc cơ bản của “liên minh thành công nhất lịch sử”.
"Và đối với một vị tổng thống chỉ thích giành chiến thắng, đây có thể là khởi đầu của một thất bại chết người", ông Gordon nhận định.
Một quan chức cấp cao Mỹ từng lập luận khi Tổng thống Trump tỏ ý nghi ngờ sự cần thiết của NATO: “Ý nghĩa của việc thiết lập liên minh vững mạnh không phải để tham chiến với Nga, mà là nhằm ngăn chặn Nga sử dụng sức mạnh quân sự để đạt mục tiêu tại châu Âu. Nếu các lãnh đạo liên minh NATO thể hiện sự yếu đuối hoặc lưỡng lự, thiết chế được xây dựng hơn 65 năm qua sẽ bị phá hủy”. Người đưa ra nhận định này chính là John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia vừa được Tổng thống Trump bổ nhiệm hồi tháng 3.
Mặt khác, chuyên gia Toucas có cái nhìn lạc quan hơn. Ông cho rằng trong thời gian ngắn hạn, Nga có thể hưởng lợi từ sự chia rẽ nội bộ của NATO. Tuy nhiên, sự khó lường của Tổng thống Trump sẽ có tác dụng tích cực là thúc đẩy các nước châu Âu điều chỉnh lại thái độ và tăng cường năng lực quốc phòng.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng thể hiện niềm tin đối với thiết chế an ninh đã giữ gìn nền hòa bình cho châu Âu trong hơn 65 năm. Trả lời CNBC, ông nói: “Ý nghĩa của NATO là tạo cơ chế nhằm xây dựng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bền vững, vì vậy thật khó để hình dung một NATO mà không có Bắc Mỹ hoặc nước Mỹ. Nhưng dù gì thì tôi cũng hoàn toàn tin chắc là NATO sẽ vẫn hoạt động bởi đây là liên minh thành công nhất trong lịch sử".

Trở lại câu chuyện Tổng thống Trump gọi dân tộc Montenegro là những kẻ "hung hăng". Ông ngụ ý rằng nước Mỹ không cần bảo vệ bất kỳ thành viên nào của NATO nếu quốc gia đó chủ động tấn công. Đây là nguyên tắc cơ bản của liên minh.

Tuy nhiên, Trump đã quên mất rằng trước đây NATO từng một lần vi phạm nguyên tắc này. Đó là khi họ gửi quân đến Afghanistan để cùng sát cánh với Washington trong một cuộc chiến mà chính Mỹ khơi mào. Khi đó, các đồng minh của Mỹ có quan tâm đến sự "hung hăng" của quốc gia này không, hay chỉ đơn giản đặt câu hỏi: "Chúng tôi có thể làm gì để giúp đỡ?"

Mặc cho những ý định không ai lường được của Tổng thống Trump, mặc cho lời nhận xét “hung hăng” quy chụp cả một dân tộc, nhiều người chỉ đơn giản cười lớn.

“Mùa hè tới rồi. Tôi nghĩ phần lớn người Montenegro chúng tôi đang bận thư giãn, họ không có thời gian để hung hăng với vị tổng thống đâu”, Thượng nghị sĩ Dritan Abazovic của Montenegro nói.

Điểm mặt tàu chiến NATO tập trận ở “sân nhà” Nga

(Kiến Thức) - Bất chấp các cảnh báo của Nga, tàu chiến Hải quân NATO gồm 15 nước thành viên, ba đối tác vẫn tổ chức cuộc tập trận quy mô ở biển Baltic.

Diem mat tau chien NATO tap tran o
Cuộc tập trận hải quân BALTOPS-2015 do Tổ chức Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tổ chức diễn ra từ ngày 5/6 đến 20/6 tại vùng biển Baltic - khu vực mà nước Nga có nhiều quyền lợi.

NATO cầu cứu Anh gửi 500 lính tới Afghanistan

(Kiến Thức) - Theo Sputnik đưa tin hôm 9/5 vừa qua, phía NATO đang muốn nước Anh cân nhắc về việc gửi thêm 500 quân tới Afghanistan.

NATO cau cuu Anh gui 500 linh toi Afghanistan
 Sputnik dẫn lời BBC cho biết, NATO đang muốn Anh cân nhắc về lời đề nghị gửi thêm quân tới khu vực Afghanistan. Những nội dung chi tiết về lời đề nghị này dự kiến sẽ được Tổng thư ký NATO Tướng Jens Stoltenberg và Thủ tướng Anh bà Theresa May cùng bàn luận trong một cuộc gặp mặt vào hôm nay, thứ tư ngày 10/5. Nguồn ảnh: IBT.
NATO cau cuu Anh gui 500 linh toi Afghanistan-Hinh-2
 Kể từ cuối tháng tư, ông Stoltenberg đã trả lời tờ báo Die Welt của Đức và cho biết phía NATO đang có kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự của lực lượng này tại khu vực Afghanistan, thời điểm cụ thể có thể sẽ vào tháng 6 tới đây. Nguồn ảnh: Nation.

Đọc nhiều nhất

Tin mới