Hiện nay, PTSC đã cung cấp hoàn chỉnh chuỗi dịch vụ cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn. Vài năm gần đây, trên cơ sở phát huy các dịch vụ cốt lõi của mình, PTSC đã tham gia mạnh mẽ chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK)...
Mới đây, với vai trò nhà thầu, PTSC đã trúng thầu hơn 10 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất phát điện là 5,2GW, tổng giá trị hợp đồng hơn 1,2 tỷ USD. Đây là các dự án xuất khẩu thu về nhiều ngoại tệ, tạo việc làm trực tiếp cho hơn 4.000 người lao động.
PTSC hiện đã trở thành nhà thầu cung cấp hầu hết các công đoạn dịch vụ cho các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi, bao gồm khảo sát, thiết kế, mua sắm, thi công chế tạo, vận chuyển, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa.
PTSC chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi cho nước ngoài. |
Tháng 5/2023, PTSC đã ký kết hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi cho dự án CHW2204 tại Đài Loan (Trung Quốc). Theo thỏa thuận trong Hợp đồng, PTSC sẽ sản xuất 33 kết cấu móng chân đế hút chân không cho tuabin. Các kết cấu móng trụ tuabin này sẽ được lắp đặt tại trang trại điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b & 4 vào cuối năm 2025.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có được hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn trong lĩnh vực rất mới là NLTTNK. Việc trúng thầu và thực hiện hợp đồng này, ngoài việc tạo ra bước ngoặt lịch sử cho PTSC trong việc phát triển dịch vụ mới còn là lần đầu tiên ghi tên Việt Nam trên bản đồ NLTTNK thế giới, tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần hình thành chuỗi cung ứng cho ngành NLTTNK tại Việt Nam...
Đặc biệt, PTSC và Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU – Singapore) hiện đang triển khai việc hợp tác đầu tư trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với công suất ban đầu dự kiến khoảng 2,3 GW và xuất khẩu điện trực tiếp sang Singapore qua đường cáp ngầm cao thế dưới biển… Đồng thời, đối tác SCU của PTSC được Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore trao Ý định thư chấp thuận dự án này.
Sau khi nhận được giấy phép, Liên danh PTSC - Sembcorp sẽ triển khai các công tác đo gió, khảo sát biển và địa chất tại một số khu vực ngoài khơi vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm thu thập các dữ liệu cần thiết để triển khai công tác đầu tư, phát triển dự án.
Theo ông Lê Mạnh Cường, Tổng Giám đốc PTSC: Rất cần các cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý, sớm phê duyệt và cho phép tiến hành khảo sát, sử dụng khai thác vùng biển và xuất khẩu điện thì PTSC sẽ sớm khởi động dự án để có thể có dòng điện thương mại vào năm 2030...
Với hơn 3.200 km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năng phát triển NLTTNK lớn nhất khu vực Đông Nam Á, lên tới 599 GW. Phát triển NLTTNK, Việt Nam có thể kết hợp các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo, công nghiệp hóa với phát thải carbon thấp hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để thích ứng với xu thế chuyển dịch năng lượng và thực hiện theo cam kết Net zero vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam, PTSC đã và đang chủ động tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng dịch vụ cũng như sẵn sàng cho các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực NLTTNK. Đại hội đồng cổ đông của PTSC đã phê duyệt bổ sung năng lượng tái tạo trở thành lĩnh vực kinh doanh thứ 8 của PTSC, sau 7 lĩnh vực kinh doanh truyền thống. Tháng 5/2023, PTSC đã phê duyệt triển khai chương trình hành động xanh. Vì vậy mã cổ phiếu PVS của PTSC đang được các nhà đầu tư chứng khoán quan tâm và có thanh khoản khá cao.
Đối với việc hình thành chuỗi cung ứng, nếu Việt Nam đi đầu thiết lập hạ tầng để phục vụ cho ngành NLTTNK thì sẽ có nhiều cơ hội, chiếm lợi thế và trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ năng lượng gió ngoài khơi cho khu vực và thế giới, đồng thời hỗ trợ rất lớn cho việc hiện thực hóa các mục tiêu đầu tư và phát triển các dự án NLTTNK tại Việt Nam.
Quy hoạch điện VIII đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%. Tuy nhiên, nhiều rào cản còn ở phía trước và khó khăn lớn nhất đối với lĩnh vực NLTTNK là phải xây dựng được hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ... để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng có thể triển khai công việc thuận lợi. Một quốc gia muốn chuyển dịch năng lượng thành công thì doanh nghiệp nhà nước mạnh như Petrovietnam phải chuyển dịch năng lượng thành công. Với vai trò tập đoàn kinh tế, năng lượng hàng đầu của đất nước, Petrovietnam phải là doanh nghiệp giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Một trong những khó khăn của dự án là tuyến đường cáp ngầm đưa điện từ Việt Nam đến Singapore khá dài. Tuy nhiên, trên thế giới đã có nhiều dự án tương tự được triển khai, như dự án cáp ngầm North Sea Link dài 720km, công suất 1.400 MW, kết nối lưới điện và chia sẻ nguồn điện từ năng lượng tái tạo giữa Na Uy và Vương quốc Anh. Với thiết kế hệ thống lưu trữ điện năng (ESS) đủ lớn, cũng như áp dụng một số giải pháp về kỹ thuật để giảm thiểu tổn thất điện năng trong quá trình vận chuyển, lãnh đạo PTSC tin tưởng có thể vượt qua được trở ngại này.
Với xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, nhu cầu về điện sạch của các quốc gia sẽ ngày càng gia tăng. Chính phủ Singapore đang tham gia liên kết lưới điện Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore (LTMS) và đã tiến hành nhập khẩu điện từ Lào qua lưới điện LTMS. Các nước ASEAN cũng đang triển khai chương trình liên kết lưới điện. Vì vậy, việc hợp tác xuất khẩu điện sạch từ Việt Nam sang Singapore cũng sẽ góp phần vào việc hiện thực hóa chương trình liên kết lưới điện, mở ra cơ hội cho các nước có liên quan cùng tham gia cũng như có thể xuất khẩu điện sạch từ năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam sang các nước khác, mang lại lợi ích cho các quốc gia và làm tăng hiệu quả đầu tư của dự án. Tên tuổi PTSC sẽ bay cao, bay xa hơn nữa trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi...