Lê Thành Tín tại cơ quan công an. (Ảnh: Baovephapluat)
|
Theo tài liệu điều tra, năm 2017, Tín có quen biết chị P.T.L. (SN 1998, trú tại phường Hiệp Ninh, TP Tây Ninh) qua mạng xã hội và hai người thường xuyên nhắn tin với nhau.
Trong quá trình nhắn tin qua lại, chị L. có gửi cho Tín một số ảnh nhạy cảm của mình và Tín đã lưu lại. Sau đó, do không có tiền tiêu xài Tín đã liên lạc với chị L. và yêu cầu phải đưa tiền nếu không sẽ phát tán ảnh nhạy đó lên mạng xã hội. Lo sợ ảnh hưởng đến danh dự của bản thân, chị L. đã chuyển cho Tín 2 lần với số tiền 5 triệu đồng.
Ngày 6/2, Tín tiếp tục yêu cầu chị L. phải chuyển 20 triệu đồng. Để không tiếp tục bị uy hiếp, chị L. nói sẽ đưa Tín 35 triệu đồng với điều kiện Tín phải đưa lại USB có chứa toàn bộ số ảnh nhạy cảm của chị.
Ngày 13/2, chị L. hẹn gặp Tín ở một quán cà phê gần bến xe tỉnh Tây Ninh để đưa tiền và lấy lại USB có chứa hình ảnh nhạy cảm, khi Tín đang nhận tiền thì bị công an ập vào bắt quả tang.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP HCM.
|
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP HCM đã phân tích về hành vi và mức xử lý trường hợp của đối tượng Tín.
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, theo quy định của pháp luật, danh dự, nhân phẩm, uy tín của bạn được pháp luật bảo vệ, không ai có quyền xâm phạm, tất cả những hành vi xâm phạm đều phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại điều 32 bộ luật dân sự năm 2015, quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh theo đó cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình nên việc tự ý phát tán không được sự đồng ý của người đó mà xâm phạm nhân phẩm danh dự của người đó được coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi sử dụng hình ảnh nhạy cảm để tống tiền thuộc trường hợp dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Do vậy, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản.
Tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điều 170 bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Đặc trưng cơ bản của tội này là người phạm tội đã có hành vi uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản bằng những thủ đoạn đe dạo sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác làm cho người có trách nhiệm về tài sản lo sợ mà phải giao tài sản cho người phạm tội. Người phạm tội này sẽ bị phạt tù với khung hình phạt thấp nhất là từ 1 năm đến 5 năm tù và khung cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm tù.
Bên cạnh đó, họ có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tùy vào tính chất phức tạp và nghiêm trọng của hành vi vi phạm. Trong trường hợp này Tín có thể phải đối diện với mức án 5 năm tù cho hành vi của mình gây ra.
Luật sư Bình cho biết thêm, khi bị rơi vào các trường hợp tương tự khi kẻ xấu liên lạc yêu cầu đưa tiền vì họ đang giữ các clip, hình ảnh nhạy cảm, sẵn sàng tung lên mạng, đưa cho người thân, cơ quan để hạ uy tín, ảnh hưởng đến công việc, hạnh phúc gia đình… việc đầu tiên cần làm là bình tĩnh, không vội vàng chấp nhận và nhanh chóng kiểm tra tính xác thực của thông tin.
Nếu chấp nhận yêu cầu ngay, bạn sẽ kích thích lòng tham của kẻ gian và hoàn toàn không có khả năng thu giữ được toàn bộ hình nhạy cảm, tiếp tục bị tống tiền. Nếu phát hiện bị đe dọa, hãy báo cho cơ quan công an hoặc sau khi thương lượng báo công an luôn đề phòng trường hợp họ theo dõi, việc báo cho cơ quan công an cần phải thực hiện cách kín đáo.
>>> Xem thêm video: Bắt kẻ chuyên dùng clip sex, ảnh nóng tống tiền bạn gái.